Ảnh minh họa. Nguồn: VOV
Nhà máy đóng tàu vỏ thép Tam Quan có tổng vốn đầu tư trên 3 triệu USD. Công suất nhà máy những năm đầu có thể đáp ứng đóng mới từ 15 - 20 tàu vỏ thép. Kỹ thuật thiết kế và đóng tàu chính do các chuyên gia Công ty Bu Kang (Hàn Quốc) đảm nhận và chuyển giao công nghệ cho kỹ sư và công nhân Việt Nam trong thời hạn từ 10-15 năm. Nếu được cấp giấy phép đầu tư sớm thì trong quý 2/2017 nhà máy có thể đi vào hoạt động.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Xí nghiệp đóng tàu Tam Quan (Công ty cổ phần Thuỷ sản Hoài Nhơn) cho hay, chính quyền địa phương đã cấp 4,5 ha đất tại thôn Trường Xuân - xã Tam Quan Bắc nằm sát cửa biển Tam Quan để xây dựng nhà máy. Đến nay, doanh nghiệp cũng đã đầu tư gần 1 triệu USD để xây dựng tường rào, cổng ngõ, san lấp mặt bằng, nhà ở công nhân, văn phòng làm việc, triền đà và máy tời tàu… Sau khi có giấy phép đầu tư, doanh nghiệp sẽ tiếp tục tuyển dụng kỹ sư, công nhân lành nghề và trang bị máy móc thiết bị để triển khai đóng tàu vỏ thép cho ngư dân.
Ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Nông ngh iệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao cho tỉnh Bình Định đóng tổng cộng 305 tàu theo Nghị định 67; trong đó có 280 tàu vỏ thép. Đến nay, tỉnh đã phê duyệt được 217 tàu vay vốn đóng mới gồm: 137 tàu vỏ thép, 69 tàu vỏ gỗ và 11 tàu vỏ composite. Đến nay, toàn tỉnh đã có 49 chủ tàu ký hợp đồng tín dụng và đóng tàu vỏ thép; trong đó đã có 33 tàu hạ thuỷ. Riêng huyện Hoài Nhơn được giao kế hoạch đóng 110 tàu nhưng đến nay mới hạ thuỷ được 9 tàu vỏ thép.
Nguyên nhân khiến việc đóng tàu vỏ thép của tỉnh chậm hơn so với kế hoạch là do hầu hết hợp đồng đóng tàu vỏ thép đều thực hiện ở các cơ sở đóng tàu ngoài tỉnh, chủ yếu là các tỉnh, thành phố phía Bắc. Việc đi lại giao dịch và theo dõi thực hiện hợp đồng khó khăn, nhất là khi phải giải quyết những vướng mắc phát sinh trong quá trình đóng tàu.
Ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn cho rằng, nếu có thêm nhà máy đóng tàu tại địa phương sẽ tạo điều kiện thuận lợi và giảm chi phí đầu tư và giúp đẩy nhanh tiến độ đóng tàu vỏ thép của tỉnh và một số địa phương lân cận.
Được biết, Công ty cổ phần Thuỷ sản Hoài Nhơn, hiện có 3 cơ sở đóng tàu vỏ gỗ với tổng công suất đóng mới và sửa chữa cho trên 1.000 lượt tàu công suất lớn đánh bắt xa bờ của nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Năm 2015, công ty đã đóng mới 200 tàu tàu vỏ gỗ công suất từ 400-1.000 CV và theo kế hoạch năm 2016 đóng 240 chiếc.
Tuy nhiên, đã qua nhiều tháng được tỉnh Bình Định phê duyệt xây dựng nhà máy đóng tàu vỏ thép nhưng Công ty cổ phần Thuỷ sản Hoài Nhơn vẫn đang chờ đợi được cấp có thẩm quyền cấp giấy phép đầu tư để sớm triển khai xây dựng nhà máy. Cả doanh nghiệp lẫn ngư dân không hiểu khó khăn ở khâu nào khiến việc cấp giấy phép đầu tư xây dựng chậm.
Theo bà Huỳnh Thị Thanh Thuỷ, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Định, lãnh đạo Sở sẽ kiểm tra vướng mắc ở khâu nào và kịp thời tháo gỡ nhằm sớm cấp giấy phép đầu tư xây dựng nhà máy đóng tàu vỏ thép tại địa phương.
Để thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động, các ngành chức năng tỉnh Bình Định cần vào cuộc quyết liệt để tháo gỡ kịp thời các khó khăn, khuyến khích và thu hút đầu tư hiệu quả hơn./.