Nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính

Thứ sáu, 28/07/2017 21:29
(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định 87/2017/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính.

 

Trụ sở Bộ Tài chính (Ảnh: tapchitaichinh.vn)

Theo đó, Bộ Tài chính là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: Tài chính - ngân sách (bao gồm: Ngân sách nhà nước; thuế; phí, lệ phí và thu khác của ngân sách nhà nước; dự trữ nhà nước; các quỹ tài chính nhà nước; đầu tư tài chính; tài chính doanh nghiệp; tài chính hợp tác xã và kinh tế tập thể; tài sản công theo quy định của pháp luật); hải quan; kế toán; kiểm toán độc lập; giá; chứng khoán; bảo hiểm; hoạt động dịch vụ tài chính và dịch vụ khác thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ; thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

Bộ Tài chính thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ và những nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể.

Trong đó, về quản lý ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính tổng hợp, lập, trình Chính phủ kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm quốc gia; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương hàng năm, bao gồm chi thường xuyên, chi dự trữ quốc gia, chi trả nợ lãi, chi viện trợ; điều chỉnh kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương trong trường hợp cần thiết; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư lập dự toán chi đầu tư phát triển, phương án phân bổ chi đầu tư xây dựng cơ bản, chi hỗ trợ tín dụng nhà nước, chi góp vốn cổ phần và liên doanh của ngân sách trung ương theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, hướng dẫn về yêu cầu, nội dung, thời hạn lập kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm, dự toán ngân sách nhà nước; thông báo số kiểm tra dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước về tổng mức và từng lĩnh vực thu, chi ngân sách đối với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương; dự toán chi thường xuyên các chương trình mục tiêu quốc gia cho các cơ quan quản lý chương trình mục tiêu quốc gia; tổng số thu ngân sách trên địa bàn và dự toán chi cân đối ngân sách địa phương đối với từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;...

Về tài chính doanh nghiệp và quản lý vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Tài chính tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách về quản lý sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước của các bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Phối hợp với cơ quan đại diện chủ sở hữu lập và thực hiện kế hoạch giám sát các doanh nghiệp; giám sát theo chuyên đề hoặc theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; kiến nghị, đề xuất giải pháp với cơ quan đại diện chủ sở hữu về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Theo dõi, giám sát tình hình quản lý, sử dụng vốn, tài sản và phân tích, cảnh báo các doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn tài chính và đánh giá hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước bao gồm: Các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước theo quy định của pháp luật;... 

Về cơ cấu tổ chức, Bộ Tài chính có 29 đơn vị gồm: 1- Vụ Ngân sách nhà nước; 2- Vụ Đầu tư; 3- Vụ Tài chính quốc phòng, an ninh, đặc biệt (Vụ I); 4- Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp; 5- Vụ Chính sách thuế; 6- Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính; 7- Vụ Hợp tác quốc tế; 8- Vụ Pháp chế; 9- Vụ Tổ chức cán bộ; 10- Vụ Thi đua - Khen thưởng; 11- Thanh tra; 12- Văn phòng; 13- Cục Quản lý công sản; 14- Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại; 15- Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm; 16- Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán; 17- Cục Quản lý giá; 18- Cục Tin học và Thống kê tài chính; 19- Cục Tài chính doanh nghiệp; 20- Cục Kế hoạch - Tài chính; 21- Tổng cục Thuế; 22- Tổng cục Hải quan; 23- Tổng cục Dự trữ Nhà nước; 24- Kho bạc Nhà nước; 25- Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; 26- Viện Chiến lược và chính sách tài chính; 27- Thời báo Tài chính Việt Nam; 28- Tạp chí Tài chính; 29- Trường Bồi dưỡng cán bộ tài chính.

Các tổ chức quy định từ 1 đến 25 nêu trên là các tổ chức hành chính giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước; các tổ chức quy định từ  26 đến 29 nêu trên là các tổ chức sự nghiệp phục vụ quản lý nhà nước thuộc bộ.

Mạnh Hùng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực