Ảnh minh họa. (Nguồn: Báo Lào Cai)
Cụ thể, trong tháng 9 tại tỉnh Sơn La và Bắc Kạn, do ảnh hưởng của dịch châu chấu với diện tích bị hại là 38,9 ha; trong đó, bị mất trắng là 6,9 ha. Một số dịch có diện tích nhiễm lớn nhưng không có diện tích mất trắng như bạc lá hại lúa tăng 68.796 ha, khô vằn hại lúa tăng 33.529 ha so với cùng kỳ năm trước. Các dịch còn lại có diện tích nhiễm dưới 10.000 ha.
Tại các tỉnh phía Bắc, Duyên hải Nam Trung Bộ và Đồng Bằng Sông Cửu Long, tổng diện tích lúa nhiễm rầy nâu, rầy lưng trắng là 16.841 ha, diện tích nhiễm nặng 938 ha.
Sâu cuốn lá nhỏ gây hại chủ yếu tại các tỉnh phía Bắc và Đồng bằng sông Cửu Long với tổng diện tích nhiễm 332.719 ha, diện tích nhiễm nặng 164.812 ha. Tổng diện tích nhiễm bệnh bạc lá là 88.021 ha.
Bệnh khô vằn xuất hiện ở các tỉnh phía Bắc, Duyên hải nam Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long với tổng diện tích 196.618 ha, tăng 33.529 ha so với cùng kỳ năm trước...
Hiện các địa phương đang tập trung chỉ đạo nông dân phòng, trừ dịch bệnh một cách hiệu quả nhất nhằm giảm thiểu tối đa đến sản xuất lúa.
Tại tỉnh An Giang, người dân đang tập trung diệt chuột, sâu bệnh bảo vệ lúa vụ Thu Đông. Theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh An Giang, do ảnh hưởng thời tiết, mực nước lũ năm nay về muộn, diện tích lúa Thu Đông bị nhiễm sâu bệnh từ đầu vụ đến nay là 28.636 ha. Các đối tượng sâu bệnh gây hại như chuột di chuyển từ các nơi về tập trung cắn phá trên lúa Thu Đông, nhất là các diện tích lúa xuống giống sớm. Tính từ đầu vụ đến nay, diện tích nhiễm chuột cắn phá trên 4.565 ha, tỷ lệ gây hại từ 1% đến 10% diện tích lúa, nông dân đã tích cực thực hiện các biện pháp diệt chuột tập trung dứt điểm trên diện tích hơn 3.370 ha, diện tích hiện còn bị chuột cắn phá là 1.195 ha, đang được tiếp tục diệt chuột, bảo vệ cho lúa.
Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh đã tổ chức 9 cuộc hội thảo diệt chuột cộng đồng tại các xã Vĩnh Phú, huyện Thoại Sơn, Châu Thành và Thành phố Long Xuyên có 419 nông dân tham gia, bắt được 1.327 con chuột, hạn chế tình trạng lây lan. Cùng với diệt chuột, nông dân cũng tập trung phòng trị bệnh đạo ôn trên lúa, theo thống kê từ đầu vụ lúa Thu Đông đến nay đã có trên 10.976 ha lúa bị nhiễm.
Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh An Giang cũng cảnh báo trong thời gian tới, Bệnh đạo ôn sẽ tiếp tục lây lan, phát triển gây hại nhẹ cục bộ trung bình trên lúa ở giai đoạn đẻ nhánh đến làm đòng, và sẽ xuất hiện nhiều ở tại những ruộng trồng các giống lúa bị nhiễm, hoặc kỹ thuật sạ giống dày, bón phân bị dư phân đạm... còn các đối tượng sâu bệnh khác sẽ gây hại nhẹ.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, đến nay tỉnh đã xuống giống 174.639 ha lúa Thu Đông, đạt 95,2% kế hoạch, diện tích xuống giống nhanh hơn khoảng 16.000 ha lúa so cùng kỳ. /.