Nhiều giải pháp thúc đẩy kinh tế nông nghiệp xanh và bền vững

Thứ sáu, 24/05/2024 22:03
(ĐCSVN) - Các chuyên gia cho rằng, chuyển đổi số là một trong những giải pháp đang đóng một vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng suất và chất lượng của các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng nông sản. Do đó, có 2 giải pháp mà doanh nghiệp cần ưu tiên triển khai sớm trong thúc đẩy phát triển kinh tế xanh và bền vững là thực hiện truy xuất nguồn gốc và bán hàng đa kênh để tăng doanh thu, tăng liên kết trong chuỗi giá trị ngành nông nghiệp giữa nông dân và doanh nghiệp...
 Các đại biểu trao đổi tại hội thảo (Ảnh: Hữu Phước)

Trong khuôn khổ tuần lễ Chuyển đổi số và Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - Mekong delta 2024 diễn ra từ ngày 23 - 25/5, UBND tỉnh Hậu Giang đã tổ chức hội thảo “Chuyển đổi số và Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thúc đẩy phát triển kinh tế xanh và bền vững”. Tại hội thảo, nhiều chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp trong chuyển đổi số đã gợi mở nhiều giải pháp trọng tâm.

Đại diện Bộ NN&PTNT thông tin: Tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), cây lúa chiếm 54% diện tích và 58% sản lượng của cả nước, lĩnh vực thủy sản chiếm 77% diện tích, 40% sản lượng và 60% xuất khẩu của cả nước. Chính phủ và các địa phương vùng ĐBSCL đã đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ số và thành tựu khoa học kỹ thuật vào sản xuất để hướng đến nền kinh tế nông nghiệp xanh và bền vững.

Tuy nhiên, theo đánh giá chung, lĩnh vực sản xuất và tiêu thụ mặt hàng nông sản ở vùng ĐBSCL còn tồn tại nhiều mặt hạn chế, thiếu tính bền vững và ảnh hưởng đến môi trường. Điển hình là còn yếu kém trong tối đa năng suất đất, lao động, sản xuất manh mún, thiếu liên kết, thiếu hiệu quả; các khâu chế biến, bảo quản hàng nông sản chưa đạt tiêu chuẩn dẫn đến hư hỏng gây thiệt hại; công tác quản trị và vận hành, cập nhật, duy trì, nâng cấp cơ sở dữ liệu, phần mềm, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng liên quan đến chuyển đổi số của mặt hàng nông sản còn gặp không ít những rào cản và thách thức…

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia cho rằng, chuyển đổi số là một trong những giải pháp đang đóng một vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng suất và chất lượng của các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng nông sản. Do đó, có 2 giải pháp mà doanh nghiệp cần ưu tiên triển khai sớm trong thúc đẩy phát triển kinh tế xanh và bền vững là thực hiện truy xuất nguồn gốc và bán hàng đa kênh để tăng doanh thu, tăng liên kết trong chuỗi giá trị ngành nông nghiệp giữa nông dân và doanh nghiệp. Về phía người dân cần tiếp tục ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ vào sản xuất theo hướng nông nghiệp số và giảm phát thải khí nhà kính để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và bảo vệ sức khỏe người sản xuất và tiêu dùng.

 Người dân Hậu Giang đã và đang quan tâm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp theo hướng xanh và bền vững (Ảnh: Đức Minh)

Đồng chí Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết: Chuyển đổi số và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thúc đẩy phát triển kinh tế xanh và bền vững là các giải pháp hữu hiệu để gia tăng năng suất lao động, chất lượng sản phẩm; góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, đồng thời tăng trưởng kinh tế của địa phương cũng như quốc gia.

Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho rằng, để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thúc đẩy phát triển kinh tế xanh và bền vững tại tỉnh Hậu Giang nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung, thời gian tới cần sự quyết tâm, sự đồng lòng của chính quyền từ Trung ương đến địa phương và cộng đồng doanh nghiệp.

Ông Phạm Văn Quân, Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Checkee đề xuất 2 giải pháp, là thực hiện truy xuất nguồn gốc và bán hàng đa kênh để tăng doanh thu, tăng liên kết trong chuỗi giá trị ngành nông nghiệp. Chú trọng ứng dụng các nền tảng công nghệ giúp các doanh nghiệp kết nối trực tiếp với khách hàng, đơn vị phân phối, bán lẻ và đơn vị cung cấp đầu vào.

Cùng đề xuất giải pháp, Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Hữu Hạnh cho rằng: Cần áp dụng các giải pháp và chính sách để khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, bao gồm miễn, giảm phí, lệ phí và tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính; xây dựng mạng luồng quan trắc chất lượng môi trường để phục vụ chỉ đạo, điều hành; tăng tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh (85% trở lên), đảm bảo 100% hộ gia đình kết nối internet băng rộng cáp quang. Ngoài ra, cần thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số tại địa phương và kết nối các doanh nghiệp công nghệ số tham gia vào quá trình chuyển đổi số ở các ngành, lĩnh vực./.

Đức Minh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực