Nhiều khoản thu ngân sách đã vượt dự toán

Thứ năm, 29/09/2022 20:23
(ĐCSVN) - Đến hết tháng 9, thu nội địa có 5 khoản thu vượt dự toán là khoản thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đạt 108,8%, các khoản thu về nhà, đất đạt 118,4%, thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đạt 104,2%, thu quỹ công ích và hoa lợi công sản khác đạt 113,3% và thu khác ngân sách đạt 116,2%.
Hình ảnh tại buổi họp báo (Ảnh: M.P)

Đó là thông tin được ông Dương Tiến Dũng, Phó vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước (Bộ Tài chính) cho biết tại cuộc  họp báo thường kỳ Quý III/2022  của Bộ Tài chính tổ chức hôm nay (29/9).

Thu  ngân sách gần về đích

Ông Dương Tiến Dũng cho biết tổng thu ngân sách nhà nước 9 tháng ước đạt 1.327,3 nghìn tỷ đồng, bằng 94% dự toán, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong số đó, thu nội địa đạt 88,9% dự toán, tăng 18,8% (không kể thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, thu hồi vốn, thu cổ tức, lợi nhuận, lợi nhuận sau thuế và chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước, thì số thu thuế, phí nội địa đạt 87,3% dự toán, tăng 15,3% so với cùng kỳ), riêng các khoản thu từ 3 khu vực kinh tế (trực tiếp từ hoạt động sản xuất - kinh doanh) ước đạt 83% dự toán, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm 2021.

Riêng về thu nội địa đến hết tháng 9 có 5 khoản thu vượt dự toán là khoản thuế TNCN đạt 108,8%, các khoản thu về nhà, đất đạt 118,4%, thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đạt 104,2%, thu quỹ công ích và hoa lợi công sản khác đạt 113,3% và thu khác ngân sách đạt 116,2%.

Tuy nhiên, vẫn còn 2 khoản thu chưa đảm bảo tiến độ dự toán là thu thuế bảo vệ môi trường (đạt 62,1%) và thu hồi vốn, thu cổ tức, lợi nhuận, lợi nhuận sau thuế, chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước (đạt 59%).

Các khoản thu từ 3 khu vực kinh tế (trực tiếp từ hoạt động sản xuất - kinh doanh) ước đạt 83% dự toán, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm 2021, cụ thể: thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 83,3% dự toán, tăng 14,1%; thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 77,7% dự toán, tăng 5,9%; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 87,2% dự toán, tăng 18,9%.

Có 61/63 địa phương thực hiện thu nội địa 8 tháng ước đạt từ 75% dự toán trở lên; 52/63 địa phương thu cao hơn so với cùng kỳ, 11 địa phương thu thấp hơn so với cùng kỳ.

Trong khi đó, tổng chi ngân sách nhà nước 9 tháng đạt 1.086,3 nghìn tỷ đồng, bằng 60,8% dự toán, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó: chi đầu tư phát triển ước đạt 48,1% dự toán Quốc hội quyết định; chi trả nợ lãi ước đạt 70% dự toán; chi thường xuyên ước đạt 68,3% dự toán.

Theo ông Dương Tiến Dũng, Các nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước 9 tháng được thực hiện theo dự toán, đáp ứng các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước và thanh toán các khoản nợ đến hạn, đảm bảo kinh phí khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh và các nhiệm vụ chi an sinh xã hội, chăm lo cho các đối tượng hưởng lương, lương hưu và trợ cấp xã hội từ ngân sách nhà nước.

Riêng về chi đầu tư phát triển, giải ngân 9 tháng đầu năm tuy giá trị có tăng so với cùng kỳ năm trước, nhưng tiến độ vẫn chậm so với yêu cầu; tỷ lệ giải ngân mới đạt 46,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2021 đạt 47,38%), trong đó giải ngân vốn ngoài nước chỉ đạt 19,07% kế hoạch. Có 7 bộ và 20 địa phương tỷ lệ giải ngân đạt trên 50% kế hoạch, trong khi vẫn còn 14 bộ, cơ quan trung ương và 02 địa phương tỷ lệ giải ngân đạt dưới 20% kế hoạch vốn được giao.

Đại diện Bộ Tài chính cho biết, cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo. Tính đến hết ngày 26/9, đã thực hiện phát hành 114,8 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, với kỳ hạn bình quân 13,72 năm, lãi suất bình quân 2,62%/năm.

Trên cơ sở tình hình thực hiện thu ngân sách nhà nước 9 tháng đầu năm, dự kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về kinh tế năm 2022 tăng trưởng 7-7,5%, xuất khẩu tăng 9,46%, nhập khẩu tăng 10,5% so với năm 2021, giá dầu tiếp tục giữ mức cao (giá dầu bình quân 9 tháng là 107,05 USD/thùng), Bộ Tài chính đánh giá cả năm thu ngân sách nhà nước ước thực hiện vượt dự toán; trong đó các lĩnh vực tăng khá như thu từ dầu thô, thu cân đối xuất nhập khẩu, thu từ khu vực sản xuất kinh doanh và thu từ tiền sử dụng đất...

Mục  tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% hoàn toàn khả thi

Tại họp báo, ông Nguyễn Văn Truyền, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, CPI 9 tháng của năm tăng 2,73% so với đầu năm, như vậy, dư địa kiểm soát còn tương đối lớn. Mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% trong năm nay hoàn toàn có thể đạt được nếu không có yếu tố tác động lớn.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Truyền, từ nay đến cuối năm, vẫn còn một số yếu tố gây áp lực tăng giá như giá nhiên liệu và năng lượng từ giờ đến cuối năm chắc chắn biến động rất phức tạp, do diễn biến căng thẳng giữa Nga – Ukraine rất khó lường. Bên cạnh đó, áp lực lạm phát toàn cầu tác động đến chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu, có thể khiến giá hàng hóa tang; ảnh hưởng của thời tiết từ nay đến cuối năm sẽ phức tạp, sẽ còn một số cơn bão nữa gây ngập lụt, có thể làm tăng cục bộ một số mặt hàng thiết yếu địa phương và giá lương thực thực phẩm tăng.

Ngoài ra, có một số yếu tố có thể tác động làm giảm giá hàng hóa như các mặt hàng do Nhà nước định giá như điện, dịch vụ công…, theo chỉ đạo Chính phủ và Ban Chỉ đạo, sẽ giữ ổn định. Cùng với đó là sự kiên định trong giữ ổn định kinh tế vĩ mô, các chính sách miễn, giảm thuế phí cũng có tác động giảm áp lực tăng giá…

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết thêm, để đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% đã đề ra trong bối cảnh đối mặt áp lực rất lớn, 9 tháng qua, nhiệm vụ và các giải pháp kiểm soát luôn nằm trong các chương trình nghị sự của Chính phủ và các cơ quan, bộ ngành. Điều này cho thấy Chính phủ đã tập trung rất nhiều nguồn lực, trí lực để thực hiện mục tiêu này, không chỉ các giải pháp về tài khóa mà còn kết hợp các giải pháp về tiền tệ, công thương, sản xuất – kinh doanh…

Về chính sách tài khóa, ngay từ đầu năm Bộ Tài chính đã thực hiện các chính sách giảm thuế cho các doanh nghiệp, người tiêu dùng; đề xuất giảm thuế mặt hàng xăng dầu, từ đó giữ được giá xăng dầu - một trong những nguyên liệu đầu vào quan trọng cho các ngành sản xuất. Bộ Tài chính cũng đã chuẩn bị nhiều phương án khác về thuế đối với mặt hàng xăng dầu, tùy thuộc vào diễn biến giá xăng dầu thế giới để sẵn sàng ứng phó./.

 

Minh Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực