Nhiều phụ nữ quay trở lại nông thôn khởi nghiệp bằng sản phẩm OCOP

Thứ ba, 13/10/2020 13:03
(ĐCSVN) - Thông qua chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) ngày càng có nhiều điển hình nữ nông dân mạnh dạn, năng động, vượt khó đi lên làm giàu từ tài nguyên bản địa quê hương mình, nhiều phụ nữ quay trở lại nông thôn khởi nghiệp bằng sản phẩm OCOP nhằm góp phần bảo tồn các nghề truyền thống, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp an toàn, giúp nhau thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

Ngày 13/10 tại Hà Nội, Hội LHPN Việt Nam cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Diễn đàn “Phụ nữ khởi nghiệp với các sản phẩm OCOP”.

Phát biểu khai mạc, bà Đỗ Thị Thu Thảo, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cho biết, thời gian qua, Hội LHPN Việt Nam đã nhận thức được vai trò, trách nhiệm, chủ động phát huy vai trò của hội viên, phụ nữ tham gia chương trình OCOP với tư cách là chủ thể vận động tuyên truyền về chương trình, vừa là chủ thể tham gia xây dựng phát triển sản phẩm OCOP cũng như là chủ thể quan trọng quyết định lựa chọn sản phẩm tiêu dùng trong gia đình.

Thông qua đề án Hỗ trợ Phụ nữ khởi nghiệp, Hội đã khuyến khích, hỗ trợ chị em phụ nữ mạnh dạn khởi nghiệp với OCOP thoát nghèo, thành lập 6.000 tổ hợp tác, tổ liên kết; 500 hợp tác xã trong đó nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác do Hội hỗ trợ đã có sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3-4 sao, nhiều nơi đã tổ chức xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP, 150 gian hàng từ tỉnh - huyện giới thiệu sản phẩm đặc sắc của hội viên, phụ nữ được các cấp Hội xây dựng.

Hằng năm, Hội đã đào tạo nghề cho 6.000 lao động nữ; đào tạo nâng cao năng lực cho gần 6.000 cán bộ quản lý, thành viên các mô hình kinh tế tập thể; hướng dẫn đăng ký sản phẩm OCOP, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, tem nhãn, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ vốn vay tín chấp với Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông nghiệp nông thôn trên 22,5 nghìn tỷ đồng, với Ngân hàng Chính sách xã hội đạt trên 82 nghìn tỷ đồng và hơn 1000 tỷ đồng từ các quỹ, chương trình tài chính vi mô.

“Thông qua chương trình OCOP ngày càng có nhiều điển hình nữ nông dân mạnh dạn, năng động, vượt khó đi lên làm giàu từ tài nguyên bản địa quê hương mình, nhiều phụ nữ quay trở lại nông thôn khởi nghiệp bằng sản phẩm OCOP nhằm góp phần bảo tồn các nghề truyền thống, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp an toàn, giúp nhau thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Các cấp Hội đã thúc đẩy kết nối tiêu thụ, đưa sản phẩm OCOP của chị em phụ nữ phân bố rộng rãi trên thị trường, tạo động lực kích thích để các chủ thể tích cực đầu tư mở rộng quy mô, đa dạng sản phẩm để chương trình OCOP thực sự mang lại ý nghĩa thiết thực”, bà Đỗ Thị Thu Thảo nói.

 Các đại biểu chia sẻ tại Diễn đàn

Phân tích những khó khăn khi thực hiện chương trình OCOP như các chính sách hỗ trợ các sản phẩm OCOP chủ yếu là lồng ghép từ nhiều chương trình, còn chồng chéo, chưa phát huy hết hiệu quả; sản phẩm OCOP phải cạnh tranh nhiều với những mặt hàng cùng loại của các doanh nghiệp lớn; số lượng doanh nghiệp, hợp tác xã chế biến sản phẩm OCOP được gắn sao chưa nhiều, việc tổ chức liên kết, kết nối giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm OCOP vẫn còn yếu kém; vấn đề thương hiệu, tem nhãn, mã vạch cho sản phẩm cũng là điểm yếu của nhiều chủ thể phụ nữ trong chương trình OCOP… Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cho rằng, cần khắc phục tình trạng tạo ra sản phẩm thị trường đang có, tạo sự khác biệt của sản phẩm OCOP, chuẩn hóa các sản phẩm, bao bì nhãn mác sản phẩm đạt 4 sao để hướng đến sản phẩm OCOP Quốc gia; thực hiện quản lý, bán hàng trên các kênh thương mại điện tử, kết nối tiêu thụ với các điểm bán lẻ, siêu thị... để đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng nhanh, chu đáo nhất với chi phí thấp nhất.

Theo TS Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hơn 2 năm triển khai, chương trình OCOP đã trở thành một chính sách trọng tâm, được triển khai đồng bộ, rộng khắp ở tất cả các địa phương trên cả nước. Qua khảo sát tại các địa phương cho thấy sự tham gia tích cực và hiệu quả của đông đảo chị em phụ nữ trong phát triển các sản phẩm OCOP.

Tin tưởng thông qua Diễn đàn cũng như nhiều hoạt động khác, đặc biệt là sự chủ động, sáng tạo và nhiệt huyết của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, các thành viên của Hội sẽ tiếp tục là lực lượng quan trọng, tiên phong tham gia vào chương trình OCOP trong thời gian tới, mang đến những điều kiện, cơ hội để phụ nữ nông thôn làm kinh tế, nâng cao thu nhập cho bản thân và gia đình, Thứ trưởng Trần Thanh Nam khẳng định, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ luôn đồng hành cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong việc hỗ trợ, nâng cao năng lực và cơ hội tham gia của phụ nữ nông thôn vào chương trình OCOP nói riêng cũng như phát triển kinh tế nông thôn nói chung, góp phần xây dựng nông thôn mới Việt Nam bền vững.

Tại Diễn đàn, các đại biểu đã chia sẻ về cơ hội, giải pháp thúc đẩy vai trò của phụ nữ trong chương trình OCOP; cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho phụ nữ tiên phong trong khởi nghiệp phát triển sản phẩm OCOP ở lĩnh vực nông nghiệp chế biến; định hướng đầu ra cho sản phẩm OCOP nhằm tạo động lực cho các chủ thể tích cực tham gia chương trình thời gian tới cũng như chính sách cho chủ thể ứng dụng số hóa trong phát triển chương trình…/.

Cẩm Linh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực