Nỗ lực chuyển đổi xanh, tăng sức hút và cạnh tranh của kinh tế Việt Nam

Thứ năm, 30/11/2023 15:35
(ĐCSVN) – Phát triển bền vững lấy tăng trưởng xanh làm chìa khóa then chốt đã trở thành yêu cầu cấp bách, được Đảng và Nhà nước định hướng đẩy mạnh nhằm đảm bảo sự phát triển kinh tế hiệu quả và bảo vệ, giữ gìn môi trường.

Ngày 30/11, tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Học viện Chính sách và Phát triển phối hợp cùng Tạp chí Kinh tế và Dự báo tổ chức “Diễn đàn quốc gia về phát triển bền vững Việt Nam 2023” với chủ đề “Thúc đẩy chuyển dịch xanh, bao trùm ở Việt Nam”.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông phát biểu khai mạc

Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh hơn, nhưng cần đảm bảo tính bao trùm

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Trần Duy Đông khẳng định, phát triển bền vững đã trở thành xu thế tất yếu và mục tiêu hàng đầu mà các quốc gia đều hướng tới. Năm 2015, tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc, 193 quốc gia, trong đó có Việt Nam, đã cam kết thực hiện và thông qua Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Năm 2023, thông qua báo cáo Quốc gia tự nguyện lần thứ 2, Việt Nam một lần nữa cam kết tiếp tục phát huy vai trò là thành viên có trách nhiệm, đóng góp tích cực vào các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế.

Được nhận định như chìa khóa đạt được phát triển bền vững, tăng trưởng xanh hướng tới sự thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội không chỉ là lựa chọn tất yếu, mà còn là cơ hội để Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới, hướng tới mục tiêu hiện thực hóa cam kết lịch sử mang tính bước ngoặt của Việt Nam về đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050.

Tại Việt Nam, tăng trưởng xanh nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, được hỗ trợ bởi khung khổ pháp lý, dẫn dắt bởi chiến lược và kế hoạch hành động quốc gia. Gần đây nhất, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với vai trò là cơ quan đầu mối quốc gia về tăng trưởng xanh, đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030.

Thứ trưởng Trần Duy Đông chỉ rõ, quá trình chuyển dịch xanh song hành với nhiều khó khăn và thách thức, đặc biệt trong việc đảm bảo tính bao trùm, toàn diện và hướng tới con người là trung tâm của sự phát triển. Vì thế, cần chủ động giải quyết các vấn đề để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh hơn, ít carbon hơn và tuần hoàn nhưng đảm bảo tính bao trùm, toàn diện, hướng tới “không để ai bị bỏ lại phía sau” trong quá trình phát triển này.

Các diễn giả trao đổi tại Diễn đàn

Cụ thể, theo Thứ trưởng Đông, quá trình chuyển dịch xanh diễn ra trong bối cảnh nhiều xu hướng lớn xuất hiện như tự động hóa, đổi mới sáng tạo hay sự già hóa nhanh chóng của dân số. Quá trình này dẫn tới sự tái phân bổ lao động giữa các khu vực, lĩnh vực, từ đó đòi hỏi chuyển đổi kỹ năng của người lao động – một vấn đề không đơn giản đối với người già, người lao động có trình độ thấp, người lao động ở các khu vực khó khăn.

Trao đổi tại Diễn đàn, các đại biểu cũng thống nhất cao rằng, về phía doanh nghiệp, các  doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) được coi là động lực quan trọng trong quá trình chuyển đổi xanh, tạo công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo và thúc đẩy phát triển bền vững. Tuy nhiên, đây cũng là nhóm đối tượng đối mặt với nhiều rào cản trong chuyển dịch, khi khả năng đầu tư vào công nghệ xanh hạn chế, nhận thức với các vấn đề về môi trường, tài nguyên chưa cao, khả năng tiếp cận kiến thức và tài chính còn thấp…

Trong khi đó, về phía địa phương, sự khác biệt về đặc điểm tự nhiên cố hữu, dân số, xã hội dẫn tới sự chênh lệch trong phát triển kinh tế, trình độ lao động, khả năng chuyển dịch trong bối cảnh xanh hóa nền kinh tế.

Cần tư duy chiến lược và tầm nhìn đột phá thúc đẩy chuyển đổi xanh ở Việt Nam

Chia sẻ tại Diễn đàn, TS Vũ Tiến Lộc, nguyên Chủ tịch VCCI, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho rằng, thực tế, xu hướng phát triển bền vững và chuyển đổi xanh mới chỉ bắt đầu từ những năm 2010, 2011 tại Việt Nam, với việc một số địa phương có chương trình chuyển đổi xanh, như tại Quảng Ninh. Trong chuyển đổi xanh, khu vực kinh tế tư nhân là động lực chính, trong đó DNNVV là “xương sống”, quyết định sự thành bại của chuyển đổi xanh trong nền kinh tế. Tuy nhiên, hiện DNNVV gặp nhiều khó khăn trong chuyển đổi số, 55% doanh nghiệp nhận thức được, song 98% doanh nghiệp cho biết là gặp rất nhiều khó khăn trong chuyển đổi xanh, chuyển đổi số.

Việt Nam có nhiều cơ hội thúc đẩy tăng trưởng xanh

Tại diễn đàn, PGS.TS Vũ Minh Khương, Trường Chính sách công Lý Quang Diệu – Singapore cảnh báo: “Không nỗ lực chuyển đổi xanh, sức cạnh tranh thu hút đầu tư và xuất khẩu của Việt Nam sẽ suy giảm”. PGS.TS Vũ Minh Khương đánh giá, Việt Nam có rất nhiều cơ hội thúc đẩy tăng trưởng xanh bởi những tiến bộ nhanh chóng của công nghệ năng lượng tái tạo. Đồng thời, tiềm năng về năng lượng tái tạo của Việt Nam là rất lớn với đường bờ biển dài hơn 2.000 km, nhiều tiềm năng điện gió ngoài khơi… Việt Nam cũng có thể tận dụng thế mạnh thủy điện để phát triển điện tái tạo…Tuy nhiên, Việt Nam đang phải đối mặt với một số thách thức trên con đường đến tăng trưởng xanh. Điều đó trước hết thể hiện ở mặt tư duy còn hạn chế, vẫn còn tư tưởng bao cấp, xin – cho, dựa quá nhiều vào mô hình truyền thống. Năng lực kiến tạo giá trị của Việt Nam cũng đang là vấn đề khi nguồn lực, năng lực, nỗ lực lớn nhưng lại chưa có chiến lược bài bản, chưa có động lực để làm tốt. Trong bối cảnh đó, tư duy chiến lược và tầm nhìn đột phá là rất quan trọng.

Cũng tại Diễn đàn, ông Arnaud Ginolin, Tổng giám đốc BCG Việt Nam cho biết, các cam kết về mục tiêu phát triển bền vững vẫn đang là ưu tiên hàng đầu trong chương trình toàn cầu, gần đây nhất là các cam kết được củng cố tại Hội nghị thượng đỉnh Mục tiêu Phát triển Bền vững tại New York 2023, Hội nghị thượng đỉnh Paris về Hiệp ước tài chính toàn cầu mới và các cam kết khác, bao gồm phát triển bền vững về kinh tế và môi trường, cũng như hòa nhập xã hội… Để hiện thực hóa các cam kết trên, qua nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, cùng bối cảnh ở Việt Nam, ông Arnaud Ginolin đưa ra 5 khuyến nghị nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh và toàn diện ở Việt Nam bao gồm:

Thứ nhất, xây dựng hệ thống phân loại xanh phù hợp với các mục tiêu phát triển bền vững, các tiêu chuẩn quốc tế và hệ thống ngành kinh tế tại Việt Nam.

Thứ hai, ra mắt cơ chế ưu đãi, khuyến khích xanh. Cần nhanh chóng triển khai đợt đầu tiên với các ưu đãi liên ngành, được phê duyệt ở cấp bộ và mở rộng quy mô với những đợt ưu đãi cụ thể theo ngành.

Thứ ba, hỗ trợ dự án thí điểm xanh. Cần có cơ chế ưu đãi dành riêng cho các dự án thí điểm xanh trong các lĩnh vực trọng tâm, tạo môi trường hấp dẫn cho doanh nghiệp kiểm thử, học hỏi và mở rộng quy mô đầu tư.

Thứ tư, thúc đẩy tài chính xanh thông qua hỗ trợ phát triển và áp dụng các công cụ tài chính xanh như trái phiếu xanh, thị trường carbon, tài chính hỗn hợp.

Thứ năm, tăng cường hợp tác giữa các cơ quan, triển khai truyền thông đa kênh với các chương trình toàn quốc và cấp tỉnh, thu hút sự tham gia của các bên liên quan ở cả khu vực công và tư nhân, trong nước và quốc tế./.

Tin, ảnh: Lê Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực