(ĐCSVN) – Trong những năm qua, bằng nhiều chương trình tín dụng ưu đãi như cho vay hộ nghèo, tín dụng học sinh sinh viên (HSSV), hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã trực tiếp đưa nguồn vốn tới tận tay người dân, thực hiện giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị tại vùng khó khăn.
Tặng hoa cho các khách mời tham gia Tọa đàm (Ảnh: HNV)
Để đánh giá và làm rõ vai trò, ý nghĩa của tín dụng chính sách góp phần giảm nghèo và an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân cũng như giải đáp các vướng mắc, băn khoăn của khách hàng tại khu vực trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách để phát triển kinh tế gia đình, giúp họ vượt qua khó khăn và hướng đến giảm nghèo bền vững, chiều 9/3, tại Hà Nội, buổi tọa đàm trực tuyến trên Báo Thanh Niên với chủ đề: “Tín dụng chính sách tại vùng khó khăn” đã được tổ chức.
Tham dự tọa đàm và trực tiếp giải đáp thắc mắc của độc giả gồm có: ông Nguyễn Việt Hải, Phó Giám đốc Ban Hợp tác quốc tế và Truyền thông; bà Hoàng Thị Chương, Phó Giám đốc Ban Tín dụng HSSV và các đối tượng chính sách khác; ông Nguyễn Mạnh Thiện, Phó Giám đốc Ban Tín dụng Người nghèo; ông Đinh Xuân Hùng, Phó Giám đốc Ban kế hoạch nguồn vốn, NHCSXH trả lời các câu hỏi của độc giả…
Ý nghĩa nhân văn của tín dụng chính sách tại vùng khó khăn
Các khách mời trao đổi về các vấn đề liên quan tới nội dung câu hỏi của độc giả (Ảnh: HNV)
Thực tế những năm qua, Đảng, Nhà nước và Chính phủ rất quan tâm chăm lo tới vùng DTTS và miền núi. Theo đó, NHCSXH chính là công cụ của Chính phủ đã và đang tích cực triển khai hầu hết các chương trình chính sách tín dụng ưu đãi đến với hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS, giúp người dân có được một nguồn lực ổn định để làm ăn, trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất kinh doanh trên chính quê hương của mình, trên mảnh đất của mình, bám đất bám rừng, tạo sự đoàn kết, kề vai sát cánh để cùng nhau vượt khó, phát triển sản xuất, vươn lên làm giàu.
Giải đáp thắc mắc của bạn đọc về đối tượng được ưu tiên vay vốn đối với chương trình tín dụng khu vực vùng sâu, vùng xa (vùng DTTS và miền núi) cũng như mục tiêu của chương trình, ông Nguyễn Mạnh Thiện, Phó Giám đốc Ban Tín dụng Người nghèo cho biết, các đối tượng đó là: hộ đồng bào DTTS nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác theo quy định với các mục tiêu ưu đãi rất đa dạng, đa chiều, như: hỗ trợ vốn để phát triển sản xuất kinh doanh; giải quyết việc làm; hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở; xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; cho vay chi phí học tập; cho vay xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài; để phát triển trồng rừng…
Vẫn liên quan tới đối tượng tiếp cận, bà Hoàng Thị Chương, Phó Giám đốc Ban Tín dụng HSSV và các đối tượng chính sách khác chia sẻ, đối tượng vay vốn của NHCSXH đã được quy định cụ thể theo từng quyết định cho vay của đối với chương trình tín dụng, việc bình xét cho vay cũng tuân thủ các quy định đó. Để hướng dẫn các địa phương xác nhận đối tượng này, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã có 2 thông tư hương dẫn quy trình xác nhận đối tượng được vay vốn là thông tư số 27/2007/TT-BLĐTBXH và Thông tư số 34/2011/TT-BLĐTBXH. Đối với 2 thông tư này, hướng dẫn xác nhận cho các địa phương vô cùng chặt chẽ. Để được vay vốn, người vay phải được Tổ Tiết kiệm và Vay vốn họp bình xét cho vay, kiểm tra các thông tin trên giấy đề nghị vay vốn, đối chiếu xác định đúng đối tượng vay vốn và được UBND xã xác nhận. Riêng với tín dụng HSSV, hàng năm từ trung ương tới cấp tỉnh, cấp huyện đều thực hiện các cuộc kiểm tra liên bộ, ngành để năm bắt được những khó khăn, vướng mắc, kịp thời chấn chỉnh nếu phát hiện có những sai phạm như UBND xác nhận sai đối tượng, cho vay không đúng đối tượng.
Những kết quả tốt đẹp từ công cuộc giảm nghèo nhờ tín dụng chính sách
Bà Hoàng Thị Chương, Phó Giám đốc Ban Tín dụng HSSV và các đối tượng chính sách khác trả lời thắc mắc của độc giả (Ảnh: HNV)
Thời gian qua, công tác giảm nghèo bền vững đã đạt được nhiều kết quả tốt đẹp, góp phần giúp tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo toàn quốc hàng năm giảm bền vững khoảng trên 2%. Tuy nhiên, hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác thường có tập quán sản xuất kinh doanh cũng như trình độ quản lý tài chính còn hạn chế; rất dễ bị tổn thương do chịu sự tác động của các yếu tố như: thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh... dẫn đến thực tế có một bộ phận nhỏ hộ gia đình thoát nghèo không bền vững. Tuy nhiên, trong hoạch định, thiết kế chính sách của Chính phủ đã tính tới. Và trong thực tế hoạt động của NHCSXH, ngoài việc chuyển tải nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến đúng đối tượng chính sách, giúp cho số đông đồng bào có vốn để sản xuất kinh doanh, vươn lên thoát nghèo thì bên cạnh đó, cũng luôn cố gắng hoàn thiện hơn về mặt cơ chế chính sách, giúp cho đồng bào giảm đến mức thấp nhất nguy cơ tái nghèo.
Tới đây, các khu vực Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam Bộ vẫn là trọng tâm của các chương trình tín dụng chính sách ưu đãi dành riêng cho các hộ DTTS. Khẳng định về điều này, ông Thiện cho biết thêm, đồng bào DTTS sinh sống tại các khu vực này ngoài việc thụ hưởng hầu hết các chính sách tín dụng ưu đãi tại NHCSXH, còn có các chương trình dành riêng cho hộ đồng bào DTTS như: Chương trình cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ DTTS đặc biệt khó khăn giai đoạn 2012 - 2015 theo quyết định số 54/2012/QĐ-TTg ngày 4/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ; Chương trình cho vay hỗ trợ giải quyết đất ở và giải quyết việc làm cho đồng bào DTTS nghèo, đời sống khoa khăn vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2013 - 2015; theo quyết định 29/2013/QĐ-TTg ngày 20/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ; Chương trình cho vay hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; theo quyết định số 755/QĐ-TTg ngày 20.5.2013 của Thủ tướng Chính phủ. Có thể kể tới các chương trình: Chương trình cho vay theo chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2020 (nghị định 75/2015/NĐ-CP ngày 9/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ).
Như vậy, chính sách tín dụng tại vùng khó khăn thời gian qua cho thấy, mục đích đầu tư vốn tín dụng ưu đãi tập trung vào 1 trong 2 mục đích rất thiết thực mà thực tế đang diễn ra: tạo đất sản xuất hoặc chuyển đổi ngành nghề; nguồn vốn ổn định hơn.
Giải đáp rõ nét hơn về hiệu quả chương trình, theo ông Nguyễn Việt Hải, Phó Giám đốc Ban Hợp tác quốc tế và Truyền thông, từ khi NHCSXH đi vào hoạt động đến hết năm 2016, tổng doanh số cho vay vốn tín dụng chính sách tại khu vực Tây Nguyên là 42.353 tỉ đồng, với gần 2,9 lượt hộ nghèo, đối tượng chính sách được vay vốn. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đến hết năm 2016 đạt 18.769 tỉ đồng. Đây là một trong 3 khu vực NHCSXH tập trung ưu tiên nguồn vốn để cho vay hộ nghèo và đối tượng chính sách, tỷ lệ tăng trưởng dư nợ tín dụng hàng năm tại khu vực Tây Nguyên là 12,7%. Nợ quá hạn và nợ khoanh là 75 tỉ đồng (chiếm 0,39%). Ông Nguyễn Việt Hải cũng đặc biệt nhấn mạnh rằng, trong thời gian tới, toàn hệ thống của NHCSXH cùng các bên liên quan sẽ tiếp tục quán triệt sâu sắc, thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 40-CT/TW ngày 22.11.2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội và Quyết định 401/QĐ -TTg ngày 14.3.2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc Ban hành Kế hoạch triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Bên cạnh đó, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đảm bảo phù hợp thực tế và đạt hiệu quả cao nhất...
Củng cố thêm hiệu quả của chương trình cũng là giải đáp thắc mắc của độc giả, ông Đinh Xuân Hùng, Phó Giám đốc Ban kế hoạch nguồn vốn cung cấp thông tin rằng, đến 31/12/2016, tổng dư nợ tại NHCSXH đạt 157.372 tỉ đồng, với trên 6.784 nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách đang vay vốn. Trong gần 15 năm qua, đã có hơn 30,2 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn từ NHCSXH, với tổng doanh số cho vay đạt gần 390 nghìn tỉ đồng. Vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp trên 4,5 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm mới cho trên 3,3 triệu lao động, trong đó trên 109 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp trên 3,5 triệu học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 8,9 triệu công trình cung cấp nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn, gần 11,5 nghìn căn nhà tránh lũ cho hộ nghèo tại các tỉnh miền Trung, gần 105 nghìn căn nhà vượt lũ cho hộ gia đình vùng đồng bằng sông Cửu Long và gần 500 nghìn căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách chưa có nhà ở trên toàn quốc…Bên cạnh đó, hoạt động tín dụng chính sách góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đã đề ra, tập trung phát triển nguồn nhân lực, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế ...
Các đại biểu tham gia Tọa đàm đều bày tỏ tâm đắc và tin tưởng rằng chính sách này sẽ đi vào cuộc sống và đem lại hiệu quả tốt trong sử dụng đồng vốn tín dụng chính sách cho hộ đồng bào DTTS nói riêng và các hộ cận nghèo, hộ nghèo, hộ khó khăn nói chung, góp phần giúp họ có vốn để sản xuất kinh doanh, thoát nghèo vươn lên làm giàu trên chính quê hương của mình. Thêm nữa, mô hình tổ chức và phương thức chuyển tải vốn tín dụng ưu đãi của NHCSXH cũng đã góp phần là “cầu nối” giữa cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp với quần chúng nhân dân; giữ vững ổn định chính trị - xã hội, an ninh - quốc phòng trong khu vực./.