Nuôi cá lồng trên sông Đà. Ảnh: Báo Nhân Dân
Với 10.500 ha mặt hồ, huyện Quỳnh Nhai có gần 1.900 lồng nuôi. Riêng xã Chiềng Bằng có hơn 1.000 lồng nuôi cá theo phương thức hợp tác xã với nhiều loài, giống cá có giá trị kinh tế cao như lăng, nheo, trắm…
Ông Lò Văn Khặn, bản Co Trặm là một trong những hộ đầu tiên thử nghiệm mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ sông Đà. Nơi ông sinh sống là bản tái định cư, di chuyển đến đây từ năm 2005, cuộc sống rất khó khăn vì quỹ đất sản xuất nông nghiệp và các nguồn lợi thủy sản từ lòng hồ không còn nhiều. Nhận thấy tiềm năng tích nước của vùng lòng hồ Thủy điện Sơn La, ông và một số hộ đã mạnh dạn tiến hành nuôi cá lồng.
Ban đầu, thiếu kinh nghiệm, cá giống chưa quen môi trường nước nên người nuôi gặp khó khăn. Sau đó, được cán bộ khuyến nông tập huấn, chuyển giao công nghệ và kỹ thuật nuôi trồng, đánh bắt cho người dân nên các lứa nuôi đều phát triển.
Nuôi cá lồng đỡ vất vả mà thu nhập cao hơn làm nương – ông Khặn nhận xét. Trước nhà ông có 1 ha ruộng canh tác mà hai vợ chồng làm không đủ sống. Từ ngày chuyển sang nuôi cá lồng, thu nhập hàng năm cũng được khoảng 300 – 400 triệu đồng nên có “đồng ra đồng vào”.
Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Bằng - ông Là Văn Thuông cho biết, xã có 24 bản; trong đó có 21 bản tái định cư. Chính nhờ hiệu quả từ mô hình nuôi cá lồng, đời sống các bản tái định cư nơi đây đã dần được cải thiện. Tuy nhiên, việc mở rộng các lồng nuôi cá cũng đang đặt ra nhiều thách thức, nhất là khâu tiêu thụ sản phẩm.
Chưa hết 3 tháng đầu năm, xã Chiềng Bằng đã tăng thêm hàng trăm lồng nuôi cá. Giống khỏe mạnh, nuôi đúng quy trình kỹ thuật với thức ăn nguồn gốc rõ ràng nên cá thu hoạch cho chất lượng ngày càng cao nhưng vẫn không có đầu mối tiêu thụ ổn định. Hiện đầu ra chủ yếu của các hộ nuôi vẫn là bán nhỏ lẻ cho các nhà hàng hay các hồ câu du lịch tại địa phương và tỉnh Điện Biên.
Mặc dù đang khẩn trương hoàn thành 80 lồng cá để kịp thả lứa cá giống mới trong tháng 3 nhưng ông không giấu được lo lắng bởi mở rộng thêm lồng nuôi sẽ tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho bà con địa phương nhưng đến lứa xuất lại lo nguồn bán cá.
"Giờ khách mua khó tính lắm, nhất là khách lẻ. Có những loại, giống cá đắt như lăng, nheo, mỗi năm chỉ được một lứa mà khách trước cứ vớt lên thả xuống cũng ảnh hưởng tới chất lượng. Người trước không mua thì người sau cũng chả chọn, khéo lỗ vốn" – ông Khặn chia sẻ.
Đây cũng là nỗi lo chung của nhiều hộ nuôi cá lồng trong Hợp tác xã Thủy sản Chiềng Bằng. Bình thường, giá bán dao động từ 80 – 100 nghìn đồng/kg cá, tùy loại nhưng có những lúc bán dưới giá đó mà cũng không có chỗ mua. Nhiều vụ, người nuôi không thu được tiền về để đầu tư con giống.
Các hộ nuôi mong muốn địa phương sớm có cơ chế, chính sách liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để mở rộng đầu ra cho cá lồng; đặc biệt sớm mở rộng mô hình liên kết nuôi cá lồng theo tiêu chuẩn VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm. Có như vậy mới liên kết được với cơ sở thu mua số lượng lớn.
Xã Chiềng Bằng đang phấn đấu đưa nghề nuôi cá lồng trên sông Đà là điểm sáng kinh tế theo chủ trương sản xuất thủy sản gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới. Để đạt mục tiêu này, xã Chiềng Bằng kiến nghị, ngoài khoản hỗ trợ ban đầu là 5 triệu đồng/lồng, việc tìm kiếm đơn vị bao tiêu đầu ra cho người dân cần được ưu tiên đặc biệt; đồng thời, giúp dân mở rộng mô hình vùng nuôi thả theo hướng chuyên nghiệp; tiến tới tạo thương hiệu cho cá lồng Quỳnh Nhai./.