Ngành nuôi tôm Việt Nam có nhiều tiềm năng thuận lợi để phát triển và mang lại giá trị cao hơn so với hiện nay
(Ảnh: BT)
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), kim ngạch xuất khẩu tôm nước lợ luôn dẫn đầu toàn ngành thủy sản với tỷ lệ khoảng 45% tổng giá trị kim ngạch. Nhận thấy rõ tiềm năng của nuôi tôm nước lợ, ngành thủy sản đã có nhiều đầu tư cho phát triển ngành này. Trong sản xuất tôm giống, cả nước đã hình thành vùng sản xuất tôm giống tập trung tại các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa, Cà Mau, Bạc Liêu. Hiện có 2.422 cơ sở sản xuất giống tôm nước lợ, trong đó 1.861 cơ sở sản xuất giống tôm sú và 561 cơ sở sản xuất giống tôm thẻ chân trắng; sản xuất được hơn 100 tỷ con tôm giống. Đã xuất hiện doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu chọn tạo giống.
Về thức ăn, thuốc, chế phẩm dùng trong nuôi tôm, cả nước có khoảng 400 cơ sở sản xuất, nhập khẩu thức ăn, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường dùng trong nuôi trồng thủy sản. Nhiều doanh nghiệp lớn đã đầu tư sản xuất thức ăn nuôi tôm. Lượng thức ăn sản xuất trong nước cơ bản đáp ứng yêu cầu hoạt động nuôi tôm. Trong công tác chế biến và xuất khẩu, cả nước có trên 350 cơ sở chuyên và không chuyên chế biến tôm với công suất trên 1,4 triệu tấn sản phẩm/năm, vượt so với nhu cầu chế biến nguyên liệu trong nước.
Năm 2016, tổng diện tích thả nuôi tôm là 694.645 ha (bằng 100,1% cùng kỳ 2015) với diện tích thả nuôi tôm sú là 600.399 ha; diện tích thả nuôi tôm thẻ chân trắng 94.246 ha. Tổng sản lượng thu hoạch đạt 657.282 tấn, trong đó sản lượng tôm sú đạt 263.853 tấn, tôm thẻ chân trắng là 393.429 tấn. Năm 2016, Việt Nam đã xuất khẩu tôm sang 90 thị trường, đạt kim ngạch 3.150.723 USD, tăng 6,7% so với năm 2015. Trong đó, tôm chân trắng chiếm 62,1%, tôm sú chiếm gần 29,5%, tôm biển khác chiếm 8,3%.
Dù vậy, theo Bộ NN&PTNT, ngành tôm nước ta vẫn còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc, cần phải tháo gỡ để phát triển bền vững. Với lĩnh vực sản xuất tôm giống – đóng vai trò hết sức quan trọng đối với ngành tôm nhưng hiện nay, nước ta vẫn chưa hoàn toàn làm chủ công nghệ chọn tạo, chưa thể chủ động cung ứng giống. Mỗi năm nước ta vẫn đang phải nhập khẩu từ 180.000-260.000 con tôm chân trắng bố mẹ (khoảng 90% phải nhập ngoại). Trong khi đó, tôm sú bố mẹ chủ yếu vẫn phải thu gom từ tự nhiên. Hiện tại, nước ta chỉ có giống tôm sạch bệnh phục vụ nuôi công nghiệp, chưa có con giống kháng bệnh phục vụ cho nuôi quảng canh.
Một khó khăn nữa là giá thành sản xuất tôm ở nước ta vẫn còn cao. Nguyên nhân do thức ăn nuôi tôm vẫn đang chiếm tỷ lệ cao trong giá thành sản xuất (khoảng 65% giá thành nuôi tôm công nghiệp); chi phí con giống cao do phải nhập khẩu tôm bố mẹ; công nghệ chưa được cải tiến nên năng suất thấp; nhiều vùng nuôi thiếu điện phải sử dụng máy nổ để bơm nước, quạt khí, phát điện,... Tình trạng lạm dụng thuốc, hóa chất, bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu vẫn còn xảy ra ở các cơ sở nuôi và chế biến nhỏ lẻ, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của sản phẩm tôm Việt Nam.
Phần lớn hạ tầng vùng nuôi chưa đảm bảo, hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản chủ yếu vẫn dùng chung với hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, không phù hợp với yêu cầu kỹ thuật. Hệ thống cấp thoát nước chưa đảm bảo, các vùng nuôi thâm canh không có ao xử lý nước nên dễ xảy ra dịch bệnh. Nguồn nước dễ bị ô nhiễm do quá trình sản xuất và sinh hoạt, thuốc bảo vệ thực vật từ sản xuất nông nghiệp.
Công nghệ vùng nuôi tôm quảng canh hiện nay đang rất hạn chế, chưa được quan tâm đầu tư, dẫn đến năng suất thấp, hiệu quả sản xuất chưa cao. Vì vậy, mặc dù diện tích lớn nhưng sản lượng và giá trị thấp. Diện tích nuôi công nghiệp mới chỉ đạt 140.000/700.000ha, năng suất bình quân mới đạt 4 tấn/ha; còn lại phần lớn diện tích (560.000ha) là nuôi quảng canh, năng suất thấp (khoảng 200-350kg/ha).
Công tác quan trắc, cảnh báo môi trường và dịch bệnh phục vụ nuôi tôm tại nhiều địa phương còn thiếu hoặc hoạt động chưa hiệu quả, đặc biệt là tại các vùng nuôi quảng canh. Trong đó, việc kiểm soát điều kiện môi trường và dịch bệnh là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu đảm bảo hiệu quả nghề nuôi tôm. Cùng với đó, cạnh tranh thương mại đang ngày càng khốc liệt. Thị trường xuất khẩu tôm của Việt Nam vẫn gặp khó khăn về các loại rào cản kỹ thuật, thuế quan, phi thuế quan.
Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, những diễn biến thời tiết gần đây cho thấy biến đổi khí hậu đang diễn ra khó lường, nằm ngoài và diễn ra sớm hơn dự báo. Trong những năm tới, khả năng điều tiết nước ngọt sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Cùng với đó, hiện tượng nước biển dâng, tình trạng hạn hán có thể sẽ tiếp tục làm gia tăng hiện tượng xâm nhập mặn, đặc biệt là vùng ven biển Đồng bằng sông Cửu Long.
Về diễn biến thị trường, từ năm 2017 tình hình thế giới đang có những diễn biến mới theo hướng bảo hộ mậu dịch trong nước, có thể có những tác động bất lợi đến hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tôm. Giá thức ăn, thuốc, hóa chất, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường, nhiên liệu, máy móc phục vụ nuôi tôm tăng sẽ làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động nuôi tôm của cả nước. Trong khi đó, dự báo sản lượng tôm của các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan có thể phục hồi tăng trưởng vào các năm 2017 và 2018 sau thời kỳ sụt giảm sản lượng do dịch bệnh. Đây sẽ là yếu tố cạnh tranh quan trọng mà các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý. Một số thị trường quan trọng như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản dự báo sẽ gặp khó khăn do áp lực cạnh tranh, thuế chống bán phá giá, rào cản kỹ thuật làm cho xuất khẩu khó duy trì được tăng trưởng mạnh.
Bộ NN&PTNT xác định ngành tôm có tiềm năng lợi thế đặc biệt, cần phát triển thành ngành hàng sản xuất công nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu, bền vững và thân thiện với môi trường. Trong đó, phát triển nuôi tôm công nghiệp theo hướng công nghệ cao, thân thiện với môi trường; hình thành trung tâm công nghiệp tôm tại Bạc Liêu, Sóc Trăng và một số địa phương khác có điều kiện phù hợp. Đồng thời, phát triển nuôi tôm sinh thái bền vững như: tôm rừng, tôm lúa tại Cà Mau, Kiên Giang và một số địa phương khác có lợi thế về điều kiện sinh thái.
Để đạt được kết quả trên, theo Bộ NN&PTNT, cần rà soát lại quy hoạch, điều chỉnh diện tích vùng nuôi tôm cho phù hợp, đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tăng cường hợp tác và liên kết trong sản xuất; hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác và các mô hình liên kết theo chuỗi; kết cấu lại vùng nuôi theo hướng tích tụ ruộng đất, dồn điền đổi thửa; hình thành các vùng nuôi, ao nuôi có diện tích đủ lớn để sản xuất hàng hóa, nâng cao sức cạnh tranh. Vận động, hỗ trợ thành lập Hiệp hội tôm Việt Nam, diễn đàn tập hợp sức mạnh chung của toàn chuỗi giá trị tôm, nâng cao vị thế ngành tôm Việt Nam, có tiếng nói trên thị trường thế giới.
Về áp dụng khoa học công nghệ và giải pháp kỹ thuật, tăng cường đầu tư nghiên cứu chọn tạo, sản xuất tôm giống chất lượng cao theo hướng tăng trưởng nhanh, sạch bệnh cho vùng nuôi thâm canh; tôm giống tăng trưởng nhanh, kháng bệnh cho vùng nuôi quảng canh, nuôi sinh thái. Phấn đấu đến năm 2020, chủ động được trên 50% tôm bố mẹ sản xuất trong nước; đến năm 2025 chủ động sản xuất 100% tôm bố mẹ trong nước. Ứng dụng các mô hình nuôi thành công theo công nghệ mới. Ứng dụng chế phẩm sinh học thay thế các loại hóa chất, thuốc kháng sinh và áp dụng các giải pháp khoa học công nghệ để giảm giá thành sản xuất. Khuyến khích xây dựng và phát triển các cơ sở nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ mới chuyên ngành về con tôm, đặc biệt tại các vùng nuôi trọng điểm.
Về phát triển thị trường và xúc tiến thương mại, tập trung kiểm soát tốt chất lượng sản phẩm và xây dựng thương hiệu Tôm Việt Nam. Thành lập các trung tâm giao dịch để minh bạch hóa thị trường vật tư và sản phẩm. Tăng cường xúc tiến thương mại, phát triển thị trường tiêu thụ cho sản phẩm tôm. Tập trung tháo gỡ các rào cản thương mại, khơi thông thị trường tiêu thụ. Về cơ chế chính sách, tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách cho phù hợp như: chính sách chuyển đổi mục đích sử dụng đất, dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất; chính sách ưu đãi vốn, tín dụng và bảo hiểm nông nghiệp; chính sách khuyến khích, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào ngành tôm; chính sách ưu đãi và khuyến khích phát triển công nghiệp phụ trợ. Thông qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển ngành nuôi tôm của Việt Nam./.