Phát triển bền vững ở Việt Nam: Tiến trình thực hiện và một số khuyến nghị

Thứ tư, 21/12/2022 17:13
(ĐCSVN) - Thực hiện cam kết quốc tế, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 tại Quyết định 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017. Theo đó, Việt Nam đã xây dựng bộ 17 mục tiêu phát triển bền vững, dựa trên các mục tiêu được công bố bởi Liên hợp quốc với phương châm “không ai bị bỏ lại phía sau”.

Thông tin trên một lần nữa được nhắc lại tại Hội thảo “Các mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam: Tiến trình thực hiện và một số khuyến nghị” do Học viện Chính sách và Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức ngày 21/12 tại Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) ở Hà Nội.

 Quang cảnh Hội thảo (Ảnh: HNV)

Phát biểu khai mạc, PGS.TS Trần Trọng Nguyên, Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển khẳng định: Hội thảo là một trong những hoạt động có ý nghĩa kỷ niệm 15 năm thành lập Học viện, với sự tham gia của các nhà hoạch định chính sách, các nhà khoa học, tổ chức trong và ngoài nước đã thể hiện đúng định hướng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đối với Học viện Chính sách và Phát triển, trở thành tổ chức nghiên cứu, tư vấn chính sách, cầu nối giữa các nhà khoa học và các cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Cũng theo PGS.TS Trần Trọng Nguyên, trong bối cảnh Việt Nam và các quốc gia trên thế giới đang phải trải qua những tác động chưa từng có của biến đổi khí hậu, sự cạn kiệt dần của nguồn tài nguyên thiên nhiên và gần đây nhất là đại dịch toàn cầu COVID-19 và những thách thức an ninh phi truyền thống. Những thách thức, những sự kiện cực đoan này cũng chính là vấn đề giúp chúng ta nhìn nhận ra tầm quan trọng của việc phát triển hài hoà và cân đối giữa ba trụ cột là kinh tế, xã hội và môi trường.

“Trong quá trình thực hiện phát triển bền vững ở Việt Nam, còn nhiều vấn đề về lý luận và thực tiễn đặt ra như: Quan điểm về nội hàm và các bộ phận cấu thành phát triển bền vững, mô hình lý thuyết thực hiện phát triển bền vững ở các quốc gia; Trên khía cạnh đánh giá, giám sát thực hiện phát triển bền vững, các mục tiêu phát triển bền vững chưa được định lượng bằng các chỉ số cụ thể, nên việc đánh giá còn gặp nhiều khó khăn. Đồng thời, việc đánh giá mức độ phát triển bền vững ở Việt Nam mới chỉ tập trung vào tổng thể quốc gia, chứ chưa xây dựng cho cấp độ tỉnh, thành phố; Việc tích hợp các mục tiêu phát triển bền vững vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, địa phương còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc…” – Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển nhấn mạnh.

Đánh giá về “nửa chặng đường thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và con đường phía trước”, TS Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học, giáo dục tài nguyên và môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, nhiều mục tiêu phát triển bền vững khó có khả năng đạt được vào năm 2030, trong bối cảnh thế giới diễn biến khó lường, xung đột địa chính trị diễn ra gay gắt, dịch COVID-19 để lại những hậu quả nghiêm trọng, nguy cơ về biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường còn lớn, phát triển kinh tế xã hội trong nước còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế. Do đó, Vụ trưởng Lê Việt Anh khuyến nghị, cần tiếp tục đầu tư phát triển nguồn vốn con người, đặc biệt là qua việc cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản, thiết yếu, dễ tiếp cận, công bằng và chất lượng; Thúc đẩy phục hồi các ngành kinh tế theo hướng xanh, tuần hoàn để đảm bảo vừa phát triển kinh tế bền vững, tạo tiềm lực cho các giải pháp an sinh xã hội nhưng đồng thời giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và ứng phó với biến đổi khí hậu. Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính cho thực hiện các mục tiêu quốc gia phát triển bền vững, đặc biệt là từ khu vực tư nhân; Tăng cường năng lực dữ liệu để cung cấp các bằng chứng kịp thời cho theo dõi, giám sát và đánh giá các mục tiêu quốc gia phát triển bền vững.

Đồng quan điểm này, GS.TS Ngô Thắng Lợi, Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, việc xác định đúng nội hàm, tiêu chí đánh giá và mô hình thực hiện phát triển bền vững ở Việt Nam là vô cùng quan trọng. Xác định đúng các khía cạnh trên, không chỉ là cơ sở để chúng ta tiến hành đánh giá một cách chính xác, đầy đủ thực trạng phát triển nền kinh tế đất nước trong thời gian qua đảm bảo tính bền vững như thế nào mà nó còn có ý nghĩa trong hoạch định chiến lược phát triển bền vững trong thời gian tới  – GS.TS Ngô Thắng Lợi nói.

TS Phạm Mỹ Hằng Phương công bố chỉ số PSDI 2021 tại Hội thảo (Ảnh: HNV) 

Trong khuôn khổ Hội thảo, TS Phạm Mỹ Hằng Phương thay mặt nhóm nghiên cứu Viện Nghiên cứu Kinh tế - Xã hội và Phát triển bền vững, Học viện Chính sách và Phát triển (APD – ISESR) cũng đã Công bố chỉ số phát triển bền vững cấp tỉnh – PSDI 2021. Theo đó, kết quả đã phản ánh tương đối rõ nét nỗ lực thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững ở các địa phương. “Kết quả trung bình của 63 tỉnh, thành trên cả nước đạt 51,38 điểm cho thấy các địa phương cần tiếp tục tích cực hơn trong thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và Chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam” – TS Hằng Phương thông tin.

Kết quả xếp hạng chỉ số PSDI cũng cho thấy sự phân nhóm rõ rệt giữa 6 vùng kinh tế - xã hội trong cả nước, trong đó, xếp thứ nhất là vùng Đồng bằng sông Hồng, nhóm thứ hai là vùng Đông Nam Bộ cùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung; nhóm thứ ba gồm: Đồng bằng sông Cửu Long, Trung du và miền núi phía Bắc, Tây Nguyên.

Cũng tại Hội thảo, các chuyên gia, các nhà quản lý đã cùng nhau thảo luận, trao đổi, kiến nghị để góp phần hoàn thiện hơn cơ sở lý luận về phát triển bền vững, giúp đánh giá tiến trình phát triển bền vững một cách toàn diện hơn ở các cấp, tích hợp các chỉ tiêu phát triển bền vững vào các quy hoạch cũng như kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia và địa phương, hoàn thiện khung khổ chính sách về phát triển bền vững ở Việt Nam./.

Học viện Chính sách và Phát triển, trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư,  là trường Đại học công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân được thành lập cách đây 15 năm theo Quyết định số 10/QĐ-TTg ngày 04/01/2008 của Thủ tướng Chính phủ. Trải qua 15 năm thành lập và phát triển, Học viện định hướng trở thành trường đại học có uy tín trong hệ thống giáo dục quốc dân về đào tạo, nghiên cứu khoa học, tư vấn và phản biện chính sách vĩ mô. Trong chiến lược phát triển Học viện được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phê duyệt gần đây, Học viện có sứ mạng chuyển giao tri thức, bồi dưỡng, tư vấn và phản biện chính sách đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành Kế hoạch và đầu tư cũng như của đất nước. Học viện Chính sách và Phát triển được kỳ vọng trở thành một trong những tổ chức kết nối giữa nghiên cứu lý thuyết, nền tảng với các nghiên cứu mang tính chính sách; giữa các trường đại học, viện nghiên cứu, các nhà khoa học, chuyên gia với các cơ quan chính phủ, truyền tải ý kiến khoa học độc lập, khách quan, có giá trị tới các cơ quan hoạch định và điều hành chính sách. 

 

 

 

Lê Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực