Phát triển bền vững và tăng trưởng xanh: Xu thế và cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam

Thứ sáu, 06/12/2024 15:24
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Không thể phủ nhận rằng, chuyển đổi xanh mang lại những lợi ích lâu dài cho doanh nghiệp. Việc tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế không chỉ giúp doanh nghiệp Việt Nam có thể xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường khó tính mà còn nâng cao hình ảnh thương hiệu trong mắt người tiêu dùng toàn cầu.

Chuyển đổi xanh đang là xu hướng và mục tiêu thiên niên kỷ của toàn thế giới

Ông Nguyễn Trần Quang - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội (HPA) 

Tại hội nghị “Hà Nội và các tỉnh khu vực phía Bắc - Xúc tiến đầu tư chuyển đổi sản xuất xanh, phát triển bền vững trong nền kinh tế số” ngày 25/10 tại Hà Nội, ông Nguyễn Trần Quang - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội (HPA) khẳng định, chuyển đổi xanh đang là xu hướng và mục tiêu thiên niên kỷ của toàn thế giới. Đây cũng là một trong những giải pháp được toàn cầu hướng đến để giảm thiểu tác động của con người đối với môi trường, với nhiều hoạt động như chuyển dịch năng lượng xanh, công nghiệp xanh, năng lượng bền vững và kinh tế tuần hoàn...

Tại Hà Nội, nhiều doanh nghiệp, nhà sản xuất đã lựa chọn xu hướng này để phát triển lâu dài. Nhằm góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi sản xuất xanh, thành phố Hà Nội đang triển khai nhiều giải pháp như liên kết, xây dựng, hình thành mạng lưới sản xuất xanh và bền vững trên địa bàn.

Thành phố Hà Nội, với vai trò là một trung tâm kinh tế lớn của cả nước, đang nỗ lực không ngừng để trở thành một thành phố “xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại”, phát triển bao trùm, nhanh và bền vững. Thành phố cũng đã xác định rõ các lĩnh vực ưu tiên như năng lượng tái tạo, công nghệ thông tin, sản xuất chế biến thực phẩm an toàn và bảo vệ môi trường.

Ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) thông tin, ngành dệt may đã xác định lộ trình chuyển đổi xanh với mục tiêu xuất khẩu đạt 48,5 tỷ USD vào năm 2025 - tăng khoảng 10% so với năm 2024. Đến năm 2030, ngành dệt may sẽ chuyển từ phát triển nhanh sang bền vững, dựa trên mô hình kinh tế tuần hoàn, tự chủ nguồn nguyên phụ liệu và ứng dụng công nghệ số. Tầm nhìn đến 2035 là phát triển hiệu quả, bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn; hoàn thiện chuỗi giá trị trong nước, tham gia ở vị trí có giá trị cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ở trong nước, doanh nghiệp dệt may đối mặt với áp lực thực hiện lộ trình cam kết của Việt Nam tại COP 26 về Net Zero vào năm 2050. Trong khi đó, nhu cầu nhân lực và vốn rất lớn cho dệt, nhuộm. Doanh nghiệp cũng đối diện với nhiều thách thức trong chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, yêu cầu tự chủ nguồn nguyên phụ liệu để tận dụng ưu đãi thuế của các FTA.

Trên bình diện quốc tế, sản xuất kinh doanh trong môi trường biến động làm thay đổi xu hướng và nhu cầu tiêu dùng, tăng chi phí logistics, giá nhiên liệu... Các chuỗi cung ứng phải được truy soát về tiêu chuẩn lao động và môi trường. Thay đổi từ “thời trang nhanh” sang “thời trang bền vững” theo hướng kinh doanh tuần hoàn cũng gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp.

Theo ông Cẩm, trước những áp lực này, doanh nghiệp Việt cần nâng cao nhận thức về tăng trưởng bền vững, đồng thời tập trung vào các thế mạnh của mình. Doanh nghiệp có thể áp dụng công nghệ nhuộm không nước, tiết kiệm năng lượng, thay nồi hơi đốt than, dầu bằng điện hoặc sinh khối; lắp đặt điện mặt trời áp mái và sử dụng năng lượng gió, thủy điện.

Ngoài ra, cần tối ưu chi phí - lợi ích, xây dựng lộ trình chuyển đổi, phối hợp với các nhãn hàng thực hiện yêu cầu xanh, và áp dụng chuyển đổi số để truy xuất nguồn gốc. Sử dụng nguyên liệu truyền thống như tơ tằm, đay, tre; kết nối các doanh nghiệp cùng khu vực để xử lý, tái sử dụng nước và phế thải cũng là giải pháp hiệu quả.

Bà Phạm Thị Thùy Linh - Giám đốc Đối ngoại và Đầu tư, Tập đoàn Central Retail Việt Nam chia sẻ, tập đoàn đang theo đuổi mô hình “Nhà bán lẻ xanh & bền vững.” Hơn một thập kỷ hoạt động tại Việt Nam, Central Retail đã cam kết sử dụng vật liệu thân thiện môi trường, khuyến khích khách hàng tái sử dụng túi mua sắm và triển khai các trung tâm thương mại tích hợp tấm pin năng lượng mặt trời. Central Retail mong muốn góp phần vào một tương lai bền vững hơn cho Việt Nam và cộng đồng.

Ông Mạc Quốc Anh, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Thành phố Hà Nội cho rằng chuyển đổi sản xuất xanh mang lại nhiều lợi ích to lớn cho cả doanh nghiệp và xã hội. 

Bởi, các doanh nghiệp áp dụng mô hình sản xuất xanh có thể tiết kiệm được 10 - 30% chi phí năng lượng và nguyên vật liệu. Điển hình là Tập đoàn Năng lượng Xanh tại Hải Phòng đã tiết kiệm được 25% chi phí vận hành nhờ vào việc ứng dụng công nghệ tái chế và tái sử dụng nguyên liệu.

Bên cạnh đó, sản xuất xanh còn giúp doanh nghiệp tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Hiện nay, nhiều thị trường lớn như Liên minh châu Âu (EU) và Hoa Kỳ đã đặt ra các tiêu chuẩn khắt khe về môi trường cho hàng hóa nhập khẩu. Các sản phẩm đạt tiêu chuẩn xanh không chỉ dễ dàng tiếp cận các thị trường này mà còn được hưởng các ưu đãi về thuế và xuất khẩu.

Theo dự báo của Viện Nghiên cứu Kinh tế Xanh, đến năm 2030, việc chuyển đổi sang sản xuất xanh có thể tạo thêm 2 triệu việc làm trong các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, công nghệ sinh học, và nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam.

“Chúng ta không thể đứng ngoài cuộc cách mạng công nghiệp xanh, khi mà các yêu cầu về môi trường ngày càng khắt khe từ thị trường quốc tế. Tôi kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư, cùng các cơ quan chức năng cùng nhau nỗ lực để biến các thách thức thành cơ hội, tận dụng triệt để các nguồn lực sẵn có để phát triển nền kinh tế xanh, bền vững”, ông Mạc Quốc Anh khẳng định.

Phát triển bền vững và tăng trưởng xanh: Xu thế và cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam

Các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm tại triển lãm xúc tiến đầu tư, giao thương về các giải pháp chuyển đổi sản xuất xanh trong nền kinh tế số 

Hiện nay, nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là khu vực phía Bắc, đang chứng kiến những bước phát triển mạnh mẽ. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, GDP Việt Nam trong quý II/2024 tăng trưởng 5,2% so với cùng kỳ năm trước. Khu vực phía Bắc, đặc biệt là Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, đã có mức tăng trưởng vượt bậc trong các ngành công nghiệp, du lịch và dịch vụ.

Tuy nhiên, song song với sự phát triển kinh tế là những thách thức về môi trường. Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2023 chỉ ra rằng, hơn 30% các khu công nghiệp tại phía Bắc chưa đáp ứng tiêu chuẩn về xử lý nước thải và chất thải rắn. Việc sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên không hợp lý đã dẫn đến suy thoái đất đai, ô nhiễm không khí, và cạn kiệt nguồn nước ngọt.

Chính vì thế, việc chuyển đổi sang mô hình sản xuất xanh không chỉ là xu hướng mà còn là yêu cầu bắt buộc. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp tăng cường hiệu quả sản xuất, giảm chi phí, đồng thời bảo vệ môi trường và phát triển bền vững trong dài hạn.

Việt Nam hiện đang tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, bao gồm Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh. Những hiệp định này không chỉ tạo ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam khi thuế nhập khẩu có thể giảm xuống 0%, mà còn yêu cầu các tiêu chuẩn môi trường khắt khe hơn. Điều này yêu cầu các doanh nghiệp Việt phải nhanh chóng cải tiến quy trình sản xuất, đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng và bảo vệ môi trường để không bị "loại bỏ" khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu. 

Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong giai đoạn 2020 - 2023, Việt Nam chỉ thu hút được khoảng 10 tỷ USD vào các dự án sản xuất xanh, chiếm khoảng 10% tổng vốn đầu tư FDI. Đây là một con số khiêm tốn so với tiềm năng phát triển của quốc gia. Đa số các khoản đầu tư xanh hiện nay tập trung vào các lĩnh vực như năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió), nông nghiệp hữu cơ, và xử lý chất thải.

Tuy nhiên, quá trình thu hút đầu tư xanh còn gặp nhiều khó khăn. Một trong những thách thức lớn nhất là sự thiếu hụt về nguồn vốn dài hạn và sự hạn chế trong việc tiếp cận công nghệ tiên tiến. Bên cạnh đó, cơ chế chính sách còn chưa thực sự hoàn thiện, gây cản trở cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận các gói hỗ trợ tài chính và thuế ưu đãi.

Chia sẻ về tiềm năng và lợi thế thu hút đầu tư của Việt Nam, đặc biệt là khu vực phía Bắc, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, SHBC đánh giá Việt Nam là điểm đến hấp dẫn cho doanh nghiệp nước ngoài, trong khi JETRO xếp Việt Nam là địa điểm đầu tư hấp dẫn thứ hai thế giới và đứng đầu khu vực châu Á. Còn theo EuroCham, Việt Nam nằm trong top 10 điểm đến đầu tư toàn cầu.

“Trước bối cảnh này, Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng đang chủ động thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, đặt chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường làm tiêu chí đánh giá chính. Ưu tiên các dự án ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, và công nghệ sạch, đồng thời có quản trị hiện đại, giá trị gia tăng cao, tác động lan tỏa, chuyển giao công nghệ, và kết nối chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu,” ông Tuấn nhấn mạnh. 

Nói về những giải pháp cụ thể, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, theo danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính. Theo cập nhật của Chính phủ mới đây, có 2.166 doanh nghiệp sẽ phải thực hiện báo cáo phát thải khí nhà kính vào tháng 3/2025 và xây dựng kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có khoảng 10% doanh nghiệp ở các lĩnh vực đã sẵn sàng... Trong khi đó, từ ngày 1/1/2025, Việt Nam muốn xuất khẩu nông sản thì phải chứng minh được hàng hóa đó không xuất phát từ phá rừng sau 31/12/2024. Ngoài ra, còn các vấn đề như xây dựng biên giới carbon, rừng, nhựa, ảnh hưởng doanh nghiệp sản xuất. Nếu doanh nghiệp không chuẩn bị thì bị loại khỏi cuộc chơi.

Theo TS. Thọ, những yêu cầu về tiêu chuẩn xanh là bắt buộc và doanh nghiệp phải tuân thủ khi tham gia vào thị trường, nhất là thị trường EU. Trong thời gian tới, doanh nghiệp cần chủ động hơn trong việc tìm hiểu về những yêu cầu, quy định của EU. Bên cạnh đó, cũng cần ưu tiên huy động nguồn tài chính xanh, công nghệ xanh. Đặc biệt, tăng cường năng lực, nâng cao khả năng về hấp thụ tài chính xanh, sử dụng các công nghệ xanh để đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi năng lượng sang nền kinh tế tuần hoàn./.

TH

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực