Phát triển các mô hình đô thị theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững

Thứ sáu, 17/06/2022 10:37
(ĐCSVN) - Hội thảo tập trung trao đổi, thảo luận chuyên sâu xoay quanh những vấn đề về chuyển dịch kinh tế khu vực đô thị đáp ứng yêu cầu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, trong đó các chuyên gia đã phân tích sâu sự dịch chuyển kinh tế sang các ngành, nghề mới nổi và những thay đổi trong các ngành, nghề hiện hữu trong thời gian tiếp theo…

Sáng 17/6, trong khuôn khổ Diễn đàn phát triển bền vững đô thị Việt Nam do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan tổ chức, Hội thảo chuyên đề 4 được tổ chức với chủ đề “Phát triển các mô hình đô thị mới và thúc đẩy chuyển dịch kinh tế khu vực đô thị theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững”.

 Hình ảnh tại Hội thảo

Các đồng chí: TS. Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; TS Hoàng Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế xây dựng, Bộ Xây dựng; Bà Lương Thị Hồng Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Hạ tầng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế xây dựng và đô thị đồng chủ trì Hội thảo.

Đô thị hoá là tất yếu khách quan, là một động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Tại Việt Nam, trong thời gian qua, quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Đô thị hóa đã tạo ra khu vực đô thị với không gian kinh tế được mở rộng và môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, hạ tầng phát triển, nguồn lao động dồi dào và thị trường lớn, từ đó tạo điều kiện cho phát triển các ngành công nghiệp và dịch vụ, thu hút FDI và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, nâng cao năng suất, chất lượng tăng trưởng kinh tế. Đô thị hóa nhanh đã kéo theo luồng di cư nông thôn - thành thị và luồng di cư từ các địa phương có tốc độ đô thị hóa thấp về các địa phương có tốc độ đô thị hóa cao, góp phần làm giảm tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội và điều tiết hiệu quả lao động.

Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển phát biểu tại Hội thảo 

Cùng với quá trình đô thị hóa, nhiều mô hình phát triển đô thị mới xuất hiện như đô thị xanh, đô thị thông minh, đô thị sinh thái, đô thị công nghiệp – thương mại – dịch vụ... Các mô hình đô thị mới này đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch mô hình kinh tế đô thị theo hướng tăng trưởng xanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả bền vững, tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, nâng cao năng lực chống chịu, ứng phó với biến đổi khí hậu của hệ thống các đô thị.

Tuy nhiên, nhìn nhận và đánh giá thẳng thắn và khách quan cho thấy, trong thời gian qua, việc phát triển các đô thị mới theo mô hình đô thị bền vững, đô thị xanh, đô thị thông minh phát triển còn ít, chưa được nghiên cứu và triển khai phù hợp với từng vùng, miền và loại, cấp đô thị. Các yếu tố văn hóa, cảnh quan đặc thù chưa được chú trọng trong phát triển đô thị; kiến trúc, bộ mặt đô thị còn thiếu bản sắc, thiếu điểm nhấn, tự phát. Nhìn chung, việc phân loại, nâng cấp đô thị chỉ đạt mục tiêu là tăng quy mô đất đai, dân số đô thị mà chưa coi trọng tới việc đổi mới, nâng cao chất lượng đô thị. Quá trình xây dựng đô thị thông minh mới trong giai đoạn đầu, chưa có chiến lược phát triển, số lượng các đô thị mới xây dựng theo mô hình đô thị thông minh còn hạn chế. Mô hình đô thị bền vững, đô thị xanh chưa được chính thức hóa cũng như chưa được nghiên cứu và triển khai phù hợp với từng vùng, miền và loại, cấp đô thị.

Theo Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển, hiện nay, toàn quốc mới có khoảng 26% đô thị đã ban hành Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc. Ô nhiễm không khí tại nhiều địa phương trên toàn quốc vẫn có chiều hướng gia tăng cả về quy mô, mức độ, nhất là tại các thành phố lớn; ô nhiễm môi trường nước và tiếng ồn còn ở mức cao. Hiện nay, có khoảng 300 đô thị ven biển sẽ chịu sự tác động rất lớn của biến đổi khí hậu (BĐKH), như tình trạng ngập lụt, xâm nhập mặn, triều cường; khoảng 140-150 đô thị ở miền núi chịu sự ảnh hưởng của sạt lở đất, lũ quét và hạn hán. Trong đó, các khu vực tiềm ẩn chịu tác động mạnh từ BĐKH lại là khu vực có tốc độ đô thị hóa và phát triển đô thị cao trong những năm gần đây và được dự báo sẽ tiếp tục đô thị hóa mạnh hơn trong thời gian tới.

Về kinh tế khu vực đô thị phát triển còn phân tán, thiếu tính kết nối và mô hình không gian và công nghiệp kém hiệu quả, tính kinh tế nhờ tích tụ yếu, hiệu quả còn thấp, phụ thuộc vào FDI. Tăng trưởng kinh tế đô thị của cả nước chủ yếu từ 5 thành phố trực thuộc Trung ương và từ 2 vùng đô thị lớn Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế của 4/5 thành phố trực thuộc Trung ương đang có xu hướng chững lại khi tăng trưởng năng suất đang giảm dần. Các đô thị nhỏ và trung bình còn thiếu động lực phát triển kinh tế đô thị. Hầu hết các đô thị nhỏ và trung bình nằm ngoài vùng Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ chỉ là những đô thị tiêu dùng chứ không phải đô thị sản xuất do hầu hết các khu công nghiệp tập trung ở vùng Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ. Chưa khai thác tốt thị trường bất động sản và thương hiệu đô thị để phát triển kinh tế đô thị. Nguồn thu ngân sách địa phương từ đất phụ thuộc chủ yếu vào nguồn thu tiền sử dụng đất một lần làm cho nguồn thu ngân sách không bền vững.

Các đại biểu thảo luận tại Hội thảo 

Hội thảo chuyên đề hôm nay tập trung trao đổi, thảo luận chuyên sâu xoay quanh những vấn đề về chuyển dịch kinh tế khu vực đô thị đáp ứng yêu cầu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, trong đó các chuyên gia đã phân tích sâu sự dịch chuyển kinh tế sang các ngành, nghề mới nối và những thay đổi trong các ngành, nghề hiện hữu trong thời gian tiếp theo; về bất động sản công nghiệp - động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế đô thị; giải pháp số thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn tại các đô thị lớn; hành động theo cấp vùng cho đô thị có khả năng chống chịu, phục hồi; khuyến nghị về tiêu chí xây dựng công trình xanh, đô thị xanh cho các khu đô thị mới; phát triển các chuỗi dịch vụ, tiện ích bán lẻ nhằm nâng cao chất lượng đời sống người dân tại các đô thị; ứng dụng trí tuệ nhân tạo và các công nghệ số trong phát triển dịch vụ logistics đô thị và kiến nghị các cơ chế, chính sách phù hợp nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của phát triển đô thị cũng như định hướng cho phát triển kinh tế đô thị trong giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tại phần Tọa đàm của Hội thảo, các diễn giả và khách mời sẽ cùng nhau đối thoại, phân tích, thảo luận sâu về các mô hình đô thị mới cũng như phát triển kinh tế đô thị, trong đó chú trọng vấn đề chuyển dịch cơ cấu kinh tế đô thị, bất động sản cho phát triển kinh tế đô thị, tài chính cho đô thị và vai trò, xu hướng của các ngành dịch vụ trong quá trình phát triển kinh tế đô thị, từ đó đề xuất các kiến nghị chính sách phù hợp với điều kiện thực tiễn, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân trong quá trình thực hiện các dự án phát triển đô thị.../.

Hoa Hiền

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực