Ngày 11/01/2023, UBND tỉnh Bến Tre phối hợp Quỹ quốc tế về Phát triển nông nghiệp (IFAD) tổ chức Hội thảo khởi động Dự án phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu tỉnh Bến Tre (Dự án CSAT Bến Tre).
Ông Nguyễn Khắc Hân, Giám đốc Ban Quản lý dự án CSAT Bến Tre, cho biết dự án có tổng mức đầu tư 27 triệu USD; trong đó vốn vay IFAD 17 triệu USD, còn lại là vốn viện trợ 4,5 triệu USD và vốn đối ứng của địa phương 126,5 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2022 đến năm 2027, trên địa bàn 8 huyện và thành phố Bến Tre.
|
Toàn cảnh hội thảo. (Ảnh: Thùy Linh). |
Mục tiêu của dự án là phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp thông minh trên cơ sở liên kết vùng, tiểu vùng, gắn với thị trường, cải thiện thu nhập và giảm thiểu rủi ro cho nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, giúp duy trì tốc độ tăng trưởng và khả năng cạnh tranh ngành nông nghiệp của tỉnh.
Hội thảo được nghe ý kiến của các bộ, ngành Trung ương, cơ quan tài trợ quốc tế và các bên tham gia về mô hình sản xuất gắn với các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu hiệu quả trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua, các giải pháp trong thời gian tới để thực hiện Dự án đạt hiệu quả.
Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác với các tổ chức quốc tế và phi Chính phủ nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Diệu Trinh mong rằng trong 5 năm nữa, Dự án CSAT Bến Tre sẽ kết thúc đúng tiến độ và đạt được hiệu quả tốt nhất. Đồng thời đề xuất IFAD tiếp tục có sự kết nối chặt chẽ với các quốc gia có cùng trình độ phát triển để Bến Tre và các tỉnh, thành có thể chia sẻ, trao đổi học tập kinh nghiệm, đặc biệt là trong sản xuất nông nghiệp; đồng thời kết nối với các quốc gia phát triển hơn để có thể tiếp cận những sáng kiến hay về nông nghiệp thông minh, nông nghiệp giảm phát thải cacbon,…
Phát biểu bế mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Trúc Sơn cho biết, đối với công tác điều phối Dự án, UBND tỉnh sẽ trực tiếp điều hành Dự án CSAT thông qua Ban quản lý Dự án CSAT (Ban QLDA). Đồng thời, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng Ban QLDA chủ trì tham mưu UBND tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo dự án ngay khi kết thúc hội thảo; hoàn tất sổ tay thực hiện Dự án; rà soát và củng cố đội ngũ quản lý đủ về số lượng, có đầy đủ năng lực, kinh nghiệm để quản lý và triển khai Dự án.
Về cơ chế vốn, tỉnh cam kết sẽ đảm bảo các nguồn vốn chi thường xuyên, đồng thời sử dụng nguồn vốn vay IFAD hiệu quả cho đầu tư phát triển. Tiếp tục thực hiện tốt công tác lồng ghép nguồn lực từ các chương trình để tối ưu hóa hiệu quả đầu tư. UBND các huyện, thành phố trực tiếp quản lý, điều hành Dự án tại địa phương cần lồng ghép các hoạt động vào hai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, các chương trình phát triển khác,... triển khai thực hiện Dự án sớm và đạt hiệu quả tốt nhất. Về đối tượng thụ hưởng, ngoài người dân, tỉnh rất mong có sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị IFAD hỗ trợ hoàn tất các thủ tục để Dự án chính thức đi vào hoạt động, đồng thời hỗ trợ điều kiện để tỉnh kích hoạt Dự án. Mong rằng với uy tín của mình, trong thời gian tới, IFAD và các bộ, ngành Trung ương, tổ chức quốc tế tiếp tục hỗ trợ để Bến Tre có thể tiếp cận được các nguồn vốn vay khác./.