Phát triển hợp tác xã thông minh, chuyển đổi số, thích ứng biến đổi khí hậu

Thứ sáu, 15/10/2021 22:46
(ĐCSVN) - Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và chuyển đổi số được xem là những giải pháp hiệu quả nhằm vượt qua dịch bệnh, biến đổi khí hậu hiện nay. Đặc biệt, chuyển đổi số có ý nghĩa quan trọng, thúc đẩy sản xuất hàng hóa có chất lượng và mở ra cơ hội phát triển nhanh, bền vững của các doanh nghiệp, HTX; góp phần giúp Việt Nam bắt kịp xu hướng phát triển của các nước trong khu vực và quốc tế.
leftcenterrightdel
 Các đại biểu tham dự trên nền tảng trực tuyến zoom (Ảnh chụp lại từ màn hình trực tuyến)

Ngày 15/10, Liên minh Hợp tác xã (HTX) Việt Nam phối hợp Tổ chức Oxfam tại Việt Nam và đại diện Liên minh HTX tại các tỉnh, thành phố tổ chức Hội thảo "Phát triển hợp tác xã (HTX) nông nghiệp thông minh, chuyển đổi số thích ứng với biến đổi khí hậu".

Tại hội thảo về chuyển đổi số, đưa công nghệ thông tin tới các HTX, PGS.TS. Phạm Quang Hà, Chủ tịch Hội đồng Khoa học, HTX nông nghiệp số Việt Nam cho rằng, phát triển HTX nông nghiệp thông minh là yêu cầu bắt buộc khi công nghệ số đang phát triển như vũ bão hiện nay.

Phát biểu khai mạc, TS. Phạm Quang Tú, Phó Giám đốc Tổ chức Oxfam Việt Nam nhấn mạnh, chuyển đổi số đang là xu hướng phát triển tất yếu trên toàn thế giới và trong nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội khác nhau. Cũng theo ông Tú, chuyển đổi số có ý nghĩa quan trọng, thúc đẩy sản xuất hàng hóa có chất lượng và mở ra cơ hội phát triển nhanh, bền vững của các doanh nghiệp, HTX; góp phần giúp Việt Nam bắt kịp xu hướng phát triển của các nước trong khu vực và quốc tế.

Dù là hướng đi mũi nhọn, chuyển đổi số tại các HTX nông nghiệp nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung còn gặp nhiều rào cản. Qua khảo sát tình hình tại 153 HTX thuộc 3 tỉnh Hòa Bình, Quảng Trị và Sóc Trăng, ông Trần Tuấn Việt, Phó Giám đốc Trung tâm TT-TT Liên minh HTX Việt Nam đánh giá, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và chuyển đổi số trong công tác quản lý, điều hành, cũng như xúc tiến thương mại chưa đạt kỳ vọng. 

Lý giải cho thực trạng trên, theo ông Việt, do nằm ở chỗ hầu hết các phần mềm, ứng dụng CNTT được HTX sử dụng là miễn phí từ hỗ trợ của cơ quan thuế, sở khoa học công nghệ, Liên minh HTX tỉnh hoặc các tổ chức quốc tế khác. Cá biệt, nhiều HTX không có máy vi tính, hoặc có thì máy đã cũ và cấu hình thấp, chỉ một số văn bản được số hóa và lưu trữ trên máy vi tính. Nhiều HTX vẫn chủ yếu lưu trữ văn bản giấy, ghi chép sổ sách một cách đơn giản. Cán bộ quản lý chưa có thói quen sao lưu dữ liệu giá trị, cài đặt và cập nhật các phần mềm diệt virus khi sử dụng máy vi tính trong thực hiện các hoạt động quản lý.

 Cũng theo ông Việt, bên cạnh những khó khăn chủ quan từ nội lực tài chính, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, các HTX kiến nghị việc được tăng cường đào tạo từ những tổ chức quốc tế, Liên minh HTX, đồng thời có cơ chế hữu hiệu về vốn, cũng như nâng cao chất lượng nhân lực.

Trước đòi hỏi phải thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh và nhiều yếu tố khác như hàng rào kỹ thuật của các nước trên thế giới, PGS.TS. Phạm Quang Hà, Chủ tịch Hội đồng Khoa học, HTX nông nghiệp số Việt Nam cho rằng, phát triển HTX nông nghiệp thông minh là yêu cầu bắt buộc. Trong phần trình bày của mình, ông Hà cũng nêu một số gợi ý về việc xây dựng HTX thông minh, như hình thành tính chuyên nghiệp của các hoạt động hiện trường, ngay trên đồng ruộng dựa trên công nghệ cao; hoặc xây dựng các chuỗi cung ứng và tiêu thụ sản phẩm thông qua hệ thống giới thiệu sản phẩm...

Tại Hội thảo, ông Đặng Văn Chính, Giám đốc HTX CNTT Huế (HueTechCo.op) đã chia sẻ kinh nghiệm về một trong số ít mô hình xây dựng thành công HTX thông minh với việc tích hợp nhiều nhất có thể các hoạt động sản xuất, kinh doanh cả về nông nghiệp lẫn đầu tư công vào cổng thông tin điện tử. “Đây là cơ sở để các doanh nghiệp, người dân có thể tra soát, theo dõi, quản lý, và thực hiện các hoạt động kinh doanh, nhằm chủ động thích ứng với các biến đổi”- ông Chính nêu rõ.

Hiện, HueTechCo.op triển khai trên 50 sản phẩm, dịch vụ ở hơn 20 tỉnh, thành phố, trong đó chú trọng thông tin thông suốt tại Liên minh HTX tỉnh Thừa Thiên Huế. Một số sản phẩm tiêu biểu của HTX này, là: sàn thương mại điện tử kinh tế hợp tác, hệ thống tổng hợp báo cáo, cổng thông tin, hệ thống quản lý hội nhóm, truy xuất nguồn gốc gỗ...

leftcenterrightdel
 Ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số là giải pháp "sống còn" trong phát triển HTX thông minh thòi kỳ dịch bệnh và biến đổi khí hậu như hiện nay (Ảnh: HNV)

Đồng quan điểm với ông Đặng Văn Chính, bà Nguyễn Thị Thành Thực, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội nông nghiệp số Việt Nam (VIDA) đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong khu vực HTX. Trên cơ sở đó, bà Thực đã gợi mở một số công nghệ ứng dụng chuyển đổi số tiên tiến hiện nay, như: thiết bị bay không người lái, công nghệ chăn nuôi tự động, phần mềm ảnh viễn thám.... Bà Thực cũng giới thiệu giải pháp nông nghiệp thông minh trên nền tảng công nghệ Auto Agri.

TS. Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam nhấn mạnh về sự quan trọng trong hợp tác giữa Liên minh HTX Việt Nam với các đối tác trong đó có tổ chức Oxfam tại Việt Nam nhằm thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông minh trong phát triển các HTX thời kỳ mới. Theo ông Nguyễn Ngọc Bảo, giải pháp đặt ra trong thời gian tới là sẽ nâng cao chất lượng nhân lực tại các HTX nông nghiệp; sử dụng một số nền tảng ứng dụng chuyển đổi số và thành lập HTX cung ứng dịch vụ công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp; xây dựng Đề án chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong khu vực HTX Việt Nam.

 

Lê Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực