Để khu công nghiệp, khu kinh tế phát huy vai trò, động lực còn cần nhiều giải pháp tích cực.
Ảnh: kinhtevadubao.vn.
Thúc đẩy công nghiệp hoá, hiện đại hoá
KCN, KKT trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng đã trở thành động lực của sự phát triển. Thời gian qua, đóng góp của KCN, KKT vào phát triển kinh tế - xã hội đất nước đã khẳng định tính đúng đắn của chủ trương và mô hình KCN, KKT. Theo số liệu của Vụ Quản lý các Khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết tháng 4 năm 2016, cả nước có 310 KCN được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên hơn 85,6 nghìn ha và 16 KKT được thành lập với tổng diện tích mặt đất và mặt nước là 814.792 ha. Trong đó, diện tích đất KCN có thể cho thuê đạt 57,8 nghìn ha, chiếm khoảng 66% tổng diện tích đất tự nhiên. Có 217 KCN đi vào hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên gần 58,6 nghìn ha và 93 KCN đang trong giai đoạn đền bù giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ bản với tổng diện tích đất tự nhiên hơn 27,1 nghìn ha. Tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê đạt trên 27,5 nghìn ha, tỷ lệ lấp đầy 48%, riêng các KCN đã đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy đạt trên 69%.
Tuy nền kinh tế thế giới và trong nước vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng việc xây dựng các KCN, KKT vẫn tiếp tục phát triển. Tính chung trong 4 tháng năm 2016, tổng số vốn đầu tư nước ngoài vào KCN, KKT tăng thêm 3,49 tỷ USD, chiếm 45% tổng số lượt dự án và chiếm 66% tổng vốn đầu tư đăng ký mới và điều chỉnh tăng thêm của cả nước. Như vậy, lũy kế đến cuối tháng 4 năm 2016, các KCN, KKT trong cả nước đã thu hút được 6.678 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 146 tỷ USD và 6.957 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký xấp xỉ 1.175 nghìn tỷ đồng.
Điểm đáng chú ý, các dự án đầu tư tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất sản phẩm may mặc cao cấp, công nghiệp phụ trợ cho công nghiệp cơ khí và dệt may. Các KCN được thành lập trên hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước; được phân bố trên cơ sở phát huy lợi thế địa kinh tế, tiềm năng của các vùng kinh tế trọng điểm, đồng thời phân bố ở mức độ hợp lý một số KCN ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hơn nhằm tạo điều kiện cho ngành công nghiệp địa phương từng bước phát triển. Các địa phương đạt kết quả khả quan trong thu hút đầu tư là thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Nai.
Có thể thấy, mục tiêu hàng đầu của các KCN, KKT đã đặt ra ngay từ giai đoạn đầu phát triển là thu hút vốn đầu tư, đặc biệt là đầu tư trực tiếp nước ngoài để phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Đến nay, về cơ bản, các KCN, KKT đã thực hiện tốt mục tiêu này. Trên nền tảng đó, theo Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2016, đặt mục tiêu tiếp tục duy trì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào KCN, KKT chiếm khoảng 70% vốn FDI của cả nước.
Dự kiến các KCN sẽ thu hút được thêm khoảng 9 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài và 50.000 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước, nâng tổng vốn đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước vào KCN đến cuối năm 2016 lên khoảng 109 tỷ USD và 600.000 tỷ đồng. Tổng diện tích tăng thêm của các KCN khoảng 2.000 - 2.500 ha, nâng tổng diện tích KCN đến cuối năm 2016 khoảng 87.600 - 88.100 ha. Đối với KKT, dự báo trong năm 2016 thu hút được khoảng 2 tỷ USD vốn FDI và 35.000 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước, nâng tổng vốn đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước vào các KKT đến cuối năm 2016 lên khoảng 44 tỷ USD và 600.000 tỷ đồng.
Đóng góp lớn cho nền kinh tế
Phát triển hạ tầng KCN, KKT trong đó có đầu tư nước ngoài đã tạo ra một mạng lưới các công trình kết cấu hạ tầng có giá trị lâu dài, góp phần hiện đại hoá hệ thống kết cấu hạ tầng trên cả nước. Phần lớn các KCN do nhà đầu tư nước ngoài làm chủ đầu tư đều cơ bản hoàn thành xây dựng kết cấu hạ tầng và đi vào hoạt động. Kết cấu hạ tầng các KCN vừa có tác dụng tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư thứ cấp trong việc triển khai nhanh dự án sản xuất kinh doanh, vừa góp phần cải thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chung, đặc biệt là hạ tầng nông thôn của các địa phương, phục vụ tích cực cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các địa phương và cả nước. Đối với các KKT, do diện tích lớn và mới được thành lập, các KKT ven biển đều đang trong giai đoạn đầu tư, xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, bước đầu đã hoàn thành một số công trình hạ tầng quan trọng để hoạt động như một số tuyến đường giao thông trục chính, hệ thống cấp điện, cấp nước, thông tin liên lạc, hạ tầng khu tái định cư, hạ tầng KCN…, đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư, mang lại hiệu quả tích cực cho sự phát triển của khu vực.
Vốn đầu tư nước ngoài có đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng sản xuất công nghiệp, nâng cao giá trị xuất khẩu và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Thực tế cho thấy, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài trong các KCN, KKT đã có những đóng góp ngày càng lớn vào việc nâng cao giá trị gia tăng trong ngành công nghiệp. Tỷ trọng vốn FDI trong KCN, KKT chiếm khoảng 80% tổng vốn FDI đầu tư vào ngành công nghiệp cả nước. Ngoài ra, qua vai trò của FDI trong KCN, KKT, sức cạnh tranh của các doanh nghiệp KCN, KKT trên thị trường thế giới được nâng cao đáng kể trong thời gian qua, thể hiện ở giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp KCN, KKT tăng đều qua các năm với tốc độ tăng bình quân cao hơn tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu bình quân của cả nước. Tỷ trọng giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp KCN, KKT trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước không ngừng tăng trong những năm gần đây. Dự kiến doanh thu của các doanh nghiệp KCN (kể cả trong và ngoài nước) trong năm 2016 ước đạt 145 tỷ USD. Giá trị xuất khẩu đạt khoảng 88 tỷ USD, giá trị nhập khẩu đạt 87 tỷ USD. Nộp ngân sách khoảng 105.000 tỷ đồng. Đóng góp của KCN vào kim ngạch xuất khẩu toàn quốc năm 2016 ước đạt khoảng 51%.
Các KCN, KKT đã góp phần quan trọng trong việc giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người lao động, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. FDI trong KCN, KKT sử dụng lao động có chuyên môn kỹ thuật phù hợp với công nghệ mới áp dụng vào sản xuất đạt trình độ khu vực và quốc tến, góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho Việt Nam để hình thành đội ngũ lao động của nền công nghiệp hiện đại. Đến nay, nhiều trường cao đẳng hoặc cơ sở dạy đào tạo công nhân làm việc trong KCN đã được xây dựng. Đặc biệt đã hình thành mô hình liên kết đào tạo và sử dụng nhân lực giữa các khu công nghiệp và nhà trường, góp phần quan trọng giải quyết tình trạng thiếu nghiêm trọng lao động kỹ thuật hiện nay. Dự kiến trong năm 2016, các KCN, KKT thu hút khoảng 250 nghìn lao động trực tiếp, nâng tổng số lao động làm việc trong KCN, KKT đến cuối năm 2016 vào khoảng 2,85 triệu lao động. Vấn đề nhà ở cho người lao động đã được quan tâm hơn. Một số địa phương đã khởi công và hoàn thành các dự án xây dựng nhà ở công nhân KCN, góp phần giải quyết chỗ ở cho công nhân lao động tại các KCN.
Các nhà đầu tư nước ngoài trong KCN, KKT tuân thủ tương đối tốt pháp luật về môi trường, góp phần tích cực vào công tác bảo vệ môi trường sinh thái. KCN, KKT là nơi tập trung các doanh nghiệp công nghiệp, do đó, có điều kiện xử lý tập trung các chất thải của các doanh nghiệp, tránh tình trạng khó kiểm soát hoạt động của các doanh nghiệp do phân tán về địa điểm sản xuất. Trong thời gian gần đây, nhận thức của các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp KCN, KKT về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững đã từng bước được cải thiện. Đã có hàng trăm KCN có hệ thống xử lý nước thải tập trung, chiếm khoảng 65% tổng số KCN đã vận hành và hàng chục KCN đang xây dựng công trình xử lý nước thải tập trung.
Việc phát triển KCN, KKT gắn liền với việc từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách và môi trường đầu tư. Quá trình phát triển KCN, KKT gắn liền với quá trình đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách, mô hình quản lý đầu tư nói chung. Nghị định 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 đã tiếp tục hoàn thiện thêm một bước cơ chế, chính sách đối với KCN, KKT. Nghị định đã thống nhất các quy định liên quan tới KCN, KKT nằm rải rác ở các văn bản pháp luật trước đây vào một văn bản; cụ thể hóa chủ trương tăng cường phân cấp, ủy quyền cho UBND cấp tỉnh và Ban quản lý KCN, KKT thực hiện đầu mối quản lý Nhà nước KCN, KCX trên các lĩnh vực.
Quá trình xây dựng và phát triển KCN, KKT gắn liền với việc xây dựng mô hình quản lý và hoạt động của các KCN, KKT tương đối đặc thù, mang tính đột phá; từng bước hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, bộ máy của Ban quản lý các KCN, KKT thể hiện vai trò đầu mối quản lý Nhà nước KCN, KKT ở địa phương. Trên thực tế, thành công của thu hút FDI vào các KCN, KKT mang dấu ấn đậm nét của việc mạnh dạn thử nghiệm và triển khai áp dụng có hiệu quả các cơ chế, chính sách, mô hình hoạt động riêng cho KCN, KKT, qua đó, tạo môi trường đầu tư hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Những khó khăn, hạn chế cần phải vượt qua
Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, trong bối cảnh chung của nền kinh tế còn nhiều khó khăn về môi trường đầu tư kinh doanh, trong thời gian qua các KCN, KKT vẫn còn một số hạn chế nhất định. Hàm lượng công nghệ, tính phù hợp về ngành nghề trong cơ cấu đầu tư chưa cao. Các địa phương và chủ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KCN vẫn ưu tiên tập trung thu hút đầu tư lấp đầy KCN; chưa thực sự chú trọng tới cơ cấu ngành nghề, công nghệ, yếu tố môi trường của các dự án đầu tư vào KCN, KKT. Tính liên kết ngành của các doanh nghiệp, công nghiệp phụ trợ trong các KCN, KKT còn yếu. Riêng đối với KKT thì thu hút đầu tư còn gặp nhiều khó khăn, do thời gian phát triển chưa lâu, đầu tư hạ tầng chưa đồng bộ nên đóng góp của các KKT vào phát triển kinh tế xã hội địa phương còn khiêm tốn.
Công tác xúc tiến đầu tư còn chưa đồng bộ, đạt hiệu quả cao. Chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia vào KCN chưa được xây dựng đồng bộ, thống nhất với định hướng thu hút các ngành nghề, lĩnh vực đầu tư ưu tiên gắn với lợi thế so sánh và điều kiện phát triển thực tế của các địa phương. Do vậy, các chương trình xúc tiến đầu tư do địa phương thực hiện còn mang tính cục bộ, chưa đạt hiệu quả cao, chưa thu hút được các dự án đầu tư có ngành nghề, hàm lượng công nghệ phù hợp với lợi thế phát triển; sự thống nhất, đồng bộ trong các chương trình, kế hoạch xúc tiến đầu tư giữa các cơ quan Trung ương và địa phương còn hạn chế.
Lĩnh vực kết cấu hạ tầng còn hạn chế và còn gặp những khó khăn, vướng mắc trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Các quy định của pháp luật liên quan tới công tác đền bù, giải phóng mặt bằng KCN, KKT còn chưa phản ánh sát với điều kiện thực tế dẫn đến tình trạng chi phí bồi thường, giá thuê đất tăng cao, làm giảm sức hấp dẫn đầu tư vào các KCN, KKT, giảm tính cạnh tranh quốc gia của KCN. Những vướng mắc về giá đất và tình hình giá cả vật liệu xây dựng tăng cao trong thời gian qua đã ảnh hưởng trực tiếp tới tiến độ đền bù, giải phóng mặt bằng, xây dựng kết cấu hạ tầng và thu hút đầu tư vào các KCN, KKT. Hệ thống kết cấu hạ tầng trong và ngoài hàng rào của một số KCN và hạ tầng KKT còn chưa được đầu tư, xây dựng một cách đồng bộ. Nguyên nhân một phần do năng lực, kinh nghiệm của một số chủ đầu tư hạ tầng, một phần do yếu tố bất ổn thị trường và sự kiểm soát chưa thực sự chặt chẽ của cơ quan quản lý Nhà nước.
Vấn đề bảo vệ môi trường KCN tuy đã được cải thiện, song vẫn còn tồn tại một số KCN, doanh nghiệp KCN chưa tuân thủ nghiêm túc pháp luật về môi trường. Nguyên nhân là do ý thức của doanh nghiệp thứ cấp, kể cả doanh nghiệp là chủ đầu tư hạ tầng KCN nhiều khi chưa cao, vẫn đặt lợi ích kinh tế lên trên trách nhiệm bảo vệ môi trường. Công tác phối hợp kiểm tra, giám sát bảo vệ môi trường KCN của các cơ quan Nhà nước chưa thật chặt chẽ. Mặc dù số lượng các nhà máy xử lý nước thải tập trung đã tăng lên nhưng theo báo cáo của các Ban Quản lý các KCN, tại khu vực xung quanh KCN ở một số địa phương, một số tiêu chuẩn nước thải vượt quá quy định cho phép. Nguyên nhân là do việc vận hành nhà máy xử lý nước thải chưa tuân thủ theo quy định trong khi công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra của các cơ quan quản lý còn hạn chế, chưa có chế tài xử phạt có tính răn đe.
Các chính sách khuyến khích hiện hành đối với đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân vẫn chưa đủ mạnh, chưa đủ hấp dẫn các doanh nghiệp, chưa khiến họ quan tâm thỏa đáng đến việc đầu tư xây nhà ở cho người lao động trong KCN, KKT. Phần lớn người lao động thuê nhà ở do các hộ dân xây dựng thiếu nhiều tiện nghi, tiện ích, chưa đáp ứng nhu cầu cơ bản của cuộc sống. Các địa phương và nhà đầu tư hiện nay vẫn chưa chú ý đúng mức đến việc đầu tư xây dựng nhà ở và các công trình phúc lợi xã hội khác cho người lao động. Thu nhập, đời sống của người lao động còn chưa ổn định. Năng lực của các tổ chức công đoàn cơ sở trong thương lượng tập thể còn hạn chế, do thiếu hiểu biết về luật pháp, thiếu kiến thức và kỹ năng đàm phán.
Cơ chế, chính sách đối với KCN, KKT còn một số vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện. Việc phân cấp, ủy quyền cho Ban quản lý KCN, KKT trong một số lĩnh vực còn chưa được thực hiện đầy đủ, nhất quán trên cả nước do có sự không thống nhất với các quy định của pháp luật chuyên ngành, chưa được các bộ, ngành hướng dẫn cụ thể hoặc chủ trương phân cấp, ủy quyền chưa được địa phương quán triệt và thực hiện, đặc biệt là lĩnh vực thanh tra, môi trường, lao động.
Chính sách ưu đãi đối với các KCN hay thay đổi, thiếu ổn định, mức ưu đãi đối với dự án đầu tư vào KCN còn nhiều điểm chưa hợp lý, chưa thực sự hấp dẫn đầu tư một cách lâu dài, ổn định. Việc các dự án trong KCN không còn được hưởng ưu đãi đầu tư như đối với địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, không áp dụng ưu đãi đối với dự án đầu tư mở rộng theo quy định của một số văn bản pháp luật về thuế đã tạo khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp, làm giảm tính khuyến khích đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh trong KCN.
Một số giải pháp thúc đẩy sự phát triển KCN, KKT
Để tiếp tục phát huy những thành quả đạt được, khắc phục những khó khăn vướng mắc, đồng hành với những định hướng phát triển chung của nền kinh tế về tái cấu trúc đầu tư, doanh nghiệp ngân hàng, nâng cao sức cạnh tranh quốc gia, ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội, phát triển nguồn nhân lực quốc gia, cần tiếp tục nâng cao chất lượng quy hoạch KCN, KKT. Xây dựng, triển khai quy hoạch KCN, KKT gắn với thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp, quy hoạch đô thị, quy hoạch khu dân cư, quy hoạch nhà ở và các quy hoạch ngành khác.
Nâng cao chất lượng xây dựng kết cấu hạ tầng KCN theo hướng xây dựng một cách đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật với các tiện nghi, tiện ích công cộng phục vụ cho KCN. Gắn kết cấu hạ tầng trong hàng rào với ngoài hàng rào KCN. Đa dạng các nguồn vốn để đầu tư xây dựng nhà ở và các công trình tiện nghi, tiện ích phục vụ đời sống người lao động KCN.
Đối với các KKT, trong thời gian tới cần có cơ chế huy động tổng hợp các nguồn vốn như ODA, FDI, Ngân sách nhà nước, trái phiếu chính phủ và nhiều hình thức đầu tư như đầu tư trực tiếp, đầu tư gián tiếp, BT, BOT, PPP… để tiếp tục đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu, quan trọng trong các KKT để tạo điều kiện đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển các KKT. Tăng cường tính chủ động của địa phương trong việc huy động các nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng KKT. Đẩy nhanh tiến độ các dự án động lực đã thu hút được và các cơ sở hạ tầng kỹ thuật thiết yếu trong các KKT để tạo tiền đề cho việc hình thành khu vực phát triển công nghiệp nòng cốt trong các KKT và thu hút các nhà đầu tư khác.
Cải thiện chất lượng thu hút đầu tư vào KCN, KKT theo hướng tập trung ưu tiên thu hút các ngành nghề, lĩnh vực có hàm lượng công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường, các ngành nghề xác định là mũi nhọn phát triển và có lợi thế của Việt Nam và phù hợp với chương trình tái cơ cấu kinh tế, cơ cấu đầu tư của đất nước. Tăng cường tính liên kết ngành trong phát triển KCN, KKT. Hình thành các KCN liên kết ngành nhằm tăng lợi thế cạnh tranh của KCN và nâng cao hiệu quả hoạt động của các KCN, dần hình thành các ngành công nghiệp phụ trợ, đóng góp vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương. Để đón nhận được làn sóng đầu tư nước ngoài mới, trong giai đoạn tới, cần nhanh chóng hoàn thiện các cơ chế, chính sách về đầu tư nước ngoài, hạ tầng kinh tế - xã hội phục vụ nhà đầu tư và tăng cường hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư.
Tăng cường giám sát, thanh, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về môi trường trong các KCN, KKT gắn với việc xử lý vi phạm một cách kiên quyết, dứt điểm. Nâng cao năng lực quản lý và kỹ thuật về môi trường cho các cơ quan liên quan đến KCN, KKT để tạo điều kiện cho các cơ quan quản lý có đầy đủ nguồn lực thực hiện nhiệm vụ về bảo vệ môi trường KCN.
Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật nhằm cải thiện điều kiện lao động, hỗ trợ đời sống vật chất, tinh thần của người lao động trong KCN, KKT phù hợp với điều kiện thực tế của đất nước. Xây dựng mối quan hệ hài hòa giữa người lao động và người sử dụng lao động, tăng cường vai trò của tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp phát triển kinh doanh gắn với nâng cao trách nhiệm đối với quyền lợi của người lao động và của cộng đồng. Nghiên cứu, xây dựng chính sách mang tính khuyến khích cao để huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng nhà ở cho người lao động KCN, KKT thuê; chú trọng huy động nguồn lực sẵn có trong dân cư gắn với kiểm soát tiêu chuẩn xây dựng, kinh doanh nhà ở cho người lao động thuê.
Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách hiện hành về KCN, KKT theo hướng tăng cường phân cấp, ủy quyền từ Trung ương tới địa phương, gắn chặt với cơ chế phân công trách nhiệm và phối hợp rõ ràng, minh bạch giữa các cơ quan Trung ương và địa phương. Kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước ở cấp Trung ương và địa phương đảm bảo đủ thẩm quyền và nguồn lực để quản lý các KCN, KKT theo hướng một cửa, một đầu mối và tương xứng với vai trò, vị trí ngày càng quan trọng của các KCN, KKT trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước./.