Phát triển Khu công nghiệp là động lực tăng trưởng của Thái Nguyên

Chủ nhật, 08/09/2019 21:01
(ĐCSVN) - Các chỉ số phát triển kinh tế của tỉnh Thái Nguyên những năm gần đây cho thấy, việc phát triển hạ tầng các Khu công nghiệp thu hút đầu tư nhằm tạo động lực tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội là một chủ trương đúng đắn, động lực quan trọng thúc đẩy sự tăng trưởng của địa phương.​

Để tìm hiểu về hoạt động của các Khu công nghiệp (KCN) cùng các thành quả mà địa phương đạt được trong thời gian qua... Đặc biệt các chỉ số phát triển kinh tế của tỉnh Thái Nguyên những năm gần đây cho thấy, việc phát triển hạ tầng các Khu công nghiệp thu hút đầu tư nhằm tạo động lực tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội là một chủ trương đúng đắn, động lực quan trọng thúc đẩy sự tăng trưởng của địa phương. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS. Phan Mạnh Cường, Trưởng Ban Quản lý các KCN Thái Nguyên.

Phóng viên (PV): Xin chào ông! Ông có thể giới thiệu khái quát về tình hình hoạt động, vai trò, những thành quả đã đạt được của các KCN của địa phương trong thời gian qua?

TS. Phan Mạnh Cường: Là một tỉnh thuộc Trung tâm vùng trung du miền núi Bắc Bộ, Thái Nguyên có điều kiện thuận lợi về địa, kinh tế, chính trị để phát triển hạ tầng các KCN, thu hút đầu tư tạo động lực tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội.

Hiện Thái Nguyên đã có 6 KCN được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung với diện tích là 1.420ha. Các KCN này đã thu hút được 211 dự án, trong đó có 109 dự án trong nước với số vốn đăng ký trên 15.000 tỷ đồng, 102 dự án nước ngoài với số vốn đăng ký 8,16 tỷ USD. Hiện cũng đã có khoảng 150 dự án đi vào hoạt động, số dự án còn lại đang đầu tư xây dựng hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất điện, điện tử, công nghiệp phụ trợ cho ngành sản xuất điện, điện tử, cơ khí chế tạo, dệt may và các lĩnh vực đầu tư khác.

Khu công nghiệp Điềm Thụy – một điểm sáng trong thu hút đầu tư của Thái Nguyên.

 

 Năm 2018, các dự án đi vào hoạt động, bước đầu đã tạo ra một số chỉ tiêu phát triển đặc biệt quan trọng như: Giải ngân vốn FDI đạt trên 6,81 tỷ USD, đạt 90% tổng vốn đầu tư đăng ký; vốn trong nước giải ngân gần 9.000 tỷ đồng, đạt 60% vốn đăng ký; Doanh thu hoạt động quy đổi đạt gần 29 tỷ USD, giá trị sản xuất công nghiệp chiếm 92% so với toàn tỉnh; kim ngạch xuất khẩu đạt 25 tỷ USD bằng 98% so với toàn tỉnh; nhập khẩu 17,4 tỷ USD, nộp ngân sách 7.067 tỷ đồng, bằng 46% so với tổng thu ngân sách toàn tỉnh.

Chỉ tính riêng trong 8 tháng của năm 2019 chỉ số tăng trưởng trong các KCN tiếp tục gây ấn tượng. Vốn đầu tư giải ngân lũy kế đạt 7,1 tỷ, doanh thu quy đổi ước đạt 19,13 tỷ USD, trong đó xuất khẩu ước 17 tỷ USD, nhập khẩu ước 12,3 tỷ USD; nộp ngân sách 4.370 tỷ đồng, lao động lũy kế làm việc trong KCN gần 112.000 người…

Bên cạnh đó, các dự án đầu tư phát triển tốt cũng đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng cơ cấu kinh tế dịch vụ, thương mại, giảm dần cơ cấu kinh tế nông lâm nghiệp, góp phần thay đổi cán cân thanh toán thương mại quốc tế.

Cùng với đó là đẩy mạnh quá trình đô thị hóa gắn với phát triển đô thị văn minh, hiện đại. Hình thành chuỗi liên kết khép kín từ cung ứng, sản xuất đến tiêu dùng, giải quyết việc làm gần 112.000 người, với mức thu nhập bình quân 7,5 triệu đồng/người/tháng, góp phần xóa đói giảm nghèo, giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ môi sinh, môi trường sống. Các KCN được đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ hiện đại có khả năng kết nối hiệu quả với hạ tầng kinh tế - xã hội ngoài hàng rào KCN, đặc biệt là khả năng kết nối giao thông liên vùng với các KCN của các địa phương lân cận như Bắc Giang, Bắc Kạn, Lạng Sơn, việc này đã tạo tác động lan tỏa về thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội mang tính liên kết vùng.



TS. Phan Mạnh Cường, Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh Thái Nguyên 
trao giấy chứng nhận cho nhà đầu tư.

 

PV: Những tồn tại và vấn đề then chốt để các KCN có là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương không thưa TS. Phan Mạnh Cường?

TS. Phan Mạnh Cường: Đúc rút những bài học qua quá trình hoạt động, chúng tôi cũng thẳng thắn nhìn nhận, các KCN Thái Nguyên vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: Chất lượng nhiều dự án đầu tư ở giai đoạn 2000 - 2012 chưa tốt, hiệu quả kinh tế - xã hội tạo ra chưa cao; Ý thức chấp hành pháp luật và trách nhiệm xã hội của một số doanh nghiệp còn yếu dẫn đến vi phạm Luật Bảo vệ môi trường, gây nên những bức xúc trong nhân dân; Một vài doanh nghiệp trục lợi chính sách để trốn bảo hiểm hoặc cắt giảm tiền lương chính đáng của người lao động trong thời gian thử việc.

Trên cơ sở đó vấn đề then chốt đặt ra là, để các KCN tiếp tục phát triển nhanh, bền vững và là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội, tạo tác động lan tỏa phát triển kinh tế - xã hội đối với các tỉnh trong vùng trung du miền núi Bắc Bộ.

PV: Để tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được, theo ông thời gian tới Ban quản lý các KCN địa phương cần làm gì?

TS. Phan Mạnh Cường: Với chủ trương phát triển KCN là động lực tăng trưởng của Thái Nguyên, Ban Quản lý các KCN Thái Nguyên chúng tôi cần tiếp tục tập trung thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp tập trung phát triển các KCN với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại có khả năng kết nối - phát triển liên tỉnh, liên vùng để ưu tiên thu hút đầu tư các dự án có quy mô đầu tư lớn, công nghệ tiên tiến, hiện đại, giá trị gia tăng cao, sản xuất thân thiện môi trường… đầu tư vào KCN.

Đi liền với đó là việc quan tâm đặc biệt đến giải pháp quy hoạch phát triển các KCN chuyên ngành có khả năng liên kết phát triển kinh tế bền vững với các tỉnh trong vùng, tạo đà để Thái Nguyên nói riêng và cả vùng nói chung phát triển bứt phá ở các giai đoạn tiếp theo. 

Nếu thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên, Ban Quản lý các KCN Thái Nguyên chúng tôi tin tưởng, trong thời gian tới, sự phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh vùng trung du miền núi Bắc Bộ nói chung và tỉnh Thái Nguyên nói riêng sẽ gặt hái được những thành công mới.”

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

 

TL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực