Phát triển ngành dâu tằm tơ Việt Nam bền vững, hiệu quả

Thứ bảy, 02/12/2023 12:03
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Những năm qua, mặc dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 và hậu quả về nhiều mặt mà đại dịch này để lại, song kinh tế Việt Nam nói chung và ngành dâu tằm tơ Việt Nam nói riêng có sự tăng trưởng. Điều đó cho thấy trong chiến lược phát triển ngành này đã có những bước đi phù hợp, góp phần thúc đẩy sự phát triển đáng kể đến thời điểm hiện nay.

leftcenterrightdel
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Sáng 02/12, tại TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức Hội nghị “Phát triển bền vững ngành dâu tằm tơ Việt Nam”.

Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Ngọc Phúc; lãnh đạo các cục, vụ, đơn vị có liên quan của Bộ NN&PTNT; đại diện lãnh đạo UBND và ngành Nông nghiệp các tỉnh, thành nuôi trồng dâu tằm tơ trên cả nước…

Theo báo cáo tại Hội nghị của Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), nghề trồng dâu nuôi tằm có từ lâu đời và trở thành nghề truyền thống tại Việt Nam. Dâu tằm tơ gắn bó với bao thế hệ người nông dân và trở thành một nét văn hóa trong đời sống của người Việt. Trong quá trình hình thành và phát triển đã có những bước thăng trầm, có thời điểm diện tích dâu tằm đạt 38.000 ha, sản lược kén 26.000 tấn/năm (1995). Đến nay chỉ một số địa phương có lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng, đất đai mới tiếp tục phát triển. Tuy nhiên, sản lượng tơ tằm của Việt Nam vẫn đứng trong top 5 thế giới chỉ sau Trung Quốc, Ấn Độ, Uzbekistan và Thai Lan.

Mặc dù có sự gia tăng về sản lượng tơ tằm nhưng mỗi năm Việt Nam vẫn phải nhập khẩu hàng nghìn tấn tơ tằm thô chủ yếu từ các nước Nhật Bản, Trung Quốc và Uzbekistan…để làm gia công nhằm mục đích xuất khẩu. Hiện nay, những giống tằm chính đang được nuôi lấy tơ là giống tằm lưỡng hệ kén trắng cho chất lượng tơ cao; giống tằm đa hệ kén vàng cho chất lượng tơ thấp hơn và tằm đa hệ lai. Trong đó giống tằm lưỡng hệ kén trắng phải nhập khẩu khoảng 90% từ Trung Quốc (theo đường tiểu ngạch), các giống tằm, giống dâu trong nước năng suất, chất lượng cao còn ít. Người dân trồng dâu nuôi tằm còn ít đầu tư, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Thị trường ngành dâu tằm tơ Việt Nam còn yếu và thiếu thông tin, thiếu tính đa dạng sản phẩm tham gia thị trường, đặc biệt là các sản phẩm có giá trị gia tăng cao chế biến từ dâu tằm tơ.

Cục Chăn nuôi cũng thống kê, hiện cả nước có 32 tỉnh có nghề trồng dâu nuôi tằm với diện tích khoảng 13,2 ngàn ha dâu, trong đó vùng Tây Nguyên chiếm 77 %, tiếp theo là vùng Miền núi và Trung du chiếm 11%, ít nhất là vùng ĐBSCL chỉ có 0,05 %, các vùng khác từ 2,94-5,14%.

Tổng diện tích dâu tằm có xu hướng tăng trong những năm gần đây. Diện tích dâu tằm năm 2022 tăng 58,22% so với năm 2018, giai đoạn 2019 - 2022 diện tích trồng dâu nuôi tằm đều tăng qua các năm. Tăng trưởng bình quân giai đoạn 2018-2022 là 12,15%.

Sản lượng kén tằm năm 2021 của Tây Nguyên đạt 14.732 tấn chiểm 89,58 % so với cả nước, trong đó riêng Lâm Đồng có sản lượng kén tằm là 14.630 tấn, chiếm  88,96 % so với cả nước.

Hiện giá kén vàng từ 110.000 - 120.000 đồng/1kg; giá kén trắng từ 170.000 - 205.000 đồng/1kg (giá phụ thuộc theo vùng và mùa). Đến nay người nông dân trồng dâu nuôi tằm thu nhập cao gấp 2 đến 3 lần so với các cây trồng khác như lúa, chè, mía... khuyến khích ngày càng nhiều người tham gia trồng dâu nuôi tằm.

leftcenterrightdel
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Ngọc Phúc: Lâm Đồng là tỉnh có diện tích
trồng dâu lớn nhất cả nước với 9.800 ha, sản lượng kén tằm đạt gần 16.000 tấn/năm, sản lượng tơ đạt trên 2.000 tấn.

Về sản lượng kén tằm, từ năm 2018 sản lượng kén tằm bắt đầu tăng dần. Năm 2019, cả nước sản xuất được 11.855 tấn kén tằm các loại, tăng mạnh so với năm 2018 (42,9%); năm 2020 là 14.937 tấn, tăng 25,9% so với năm 2019; năm 2021 là 16.444 tấn, tăng 10,08% so với năm 2020; năm 2022 là 16.824 tấn,  tăng 2,31% so với năm 2021. Tăng trưởng bình quân giai đoạn 2018-2022 là 19,33%.

Mặc dù có những chuyển biến tích cực kể trên, song để phát huy tiềm năng và giải quyết những nút thắt trong sản xuất, ngành dâu tằm tơ Việt Nam cần phát triển với cách tiếp cận theo chuỗi giá trị sản xuất từ khâu chọn trứng, trồng dâu, nuôi tằm, phân phối và tổ chức thương mại, tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước. 

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: Những năm qua, mặc dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 và hậu quả về nhiều mặt mà đại dịch này để lại, song kinh tế Việt Nam nói chung và ngành dâu tằm tơ Việt Nam nói riêng có sự tăng trưởng. Điều đó cho thấy trong chiến lược phát triển ngành này, từ khâu quy hoạch, đầu tư nghiên cứu áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ, hệ thống cơ sở vật chất, việc chọn giống, xúc tiến mở rộng thị trường… đã có những bước đi phù hợp, góp phần thúc đẩy sự phát triển đáng kể đến thời điểm hiện nay.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng, trong thời gian tới toàn ngành dâu tằm tơ Việt Nam cần phải rà soát lại các khâu để đánh giá đúng thực trạng, các khó khăn, hạn chế, trên cơ sở đó có những định hướng phát triển mạng và ổn định, bền vững hơn. Cùng với đó, ngành dâu tằm tơ Việt Nam nhất thiết phải được kết nối với nhau và với thị trường thế giới chặt chẽ, mở rộng hơn nữa.

leftcenterrightdel
Quang cảnh Hội nghị“Phát triển bền vững ngành dâu tằm tơ Việt Nam”.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Ngọc Phúc cho biết, Lâm Đồng là tỉnh có diện tích trồng dâu lớn nhất cả nước với 9.800 ha, sản lượng kén tằm đạt gần 16.000 tấn/năm, sản lượng tơ đạt trên 2.000 tấn. Toàn tỉnh hiện có khoảng 32 cơ sở ươm tơ, dệt lụa với trên 100 dãy ươm tơ tự động có dây chuyển sản xuất hiện đại, công suất cao; việc phát triển ngành trồng dâu nuôi tằm đã tạo sinh kế cho khoảng  16.000 hộ trồng dâu, nuôi tằm, góp phần xoá đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân.

Để có kết quả trên, thời gian qua tỉnh đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp địa phương thực hiện tái cơ cấu ngành, chuyển đổi các cây trồng kém hiệu quả sang trồng dâu nuôi tằm. Ngành công thương hỗ trợ khuyến công phát triển công nghiệp chế biến, phát triển thương hiệu. UBND tỉnh cũng phê duyệt Đề án phát triển bền vững ngành dâu tằm tơ tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2019-2023 với mục tiêu đưa diện tích trồng dâu tằm toàn tỉnh đạt 9.500-10.000 ha; sản lượng kén đạt 14.000- 14.500 tấn, sản lượng tơ tằm đạt 1.800-1.900 tấn; hình thành các liên kết liên huyện về phát triển sản xuất dâu tằm gắn với tiêu thụ sản phẩm kén tằm, tơ lụa.

Để thúc đẩy ngành dâu tằm tơ Việt Nam nói chung và của tỉnh Lâm Đồng nói riêng phát triển bền vững và hiệu quả, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Ngọc Phúc mong muốn tại Hội nghị lần này, các kinh nghiệm, kết qủa đạt được, những khó khăn vướng mắc trong quá trình sản xuất dâu tằm sẽ được các địa phương, đơn vị trên cả nước chia sẻ; đồng thời trên cơ sở kết quả Hội nghị sẽ có thêm nhiều chính sách mới được ban hành hoặc đề xuất Chính phủ ban hành nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, bất cập để giúp ngành dâu tằm tơ phát triển bền vững, hiệu quả.

Dịp này, đại diện Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung ương, Hiệp hội Dâu tằm tơ Việt Nam, Sở NN&PTNT một số địa phương có diện tích dâu tằm tơ lớn và một số doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực dâu tằm tơ đã có những báo cáo, đề xuất, kiến nghị có liên quan, thu hút sự quan tâm và đồng thuận tại Hội nghị./.

Đình Tăng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực