Phát triển nông nghiệp xanh gắn với mô hình du lịch nông thôn

Thứ năm, 14/09/2023 20:22
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Phát triển nông nghiệp sinh thái kết hợp du lịch nông thôn được đánh giá là xu hướng phát triển bền vững trong giai đoạn hiện nay. Mô hình này sẽ giúp khai thác nguồn lực sẵn có địa phương, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, đời sống cho người dân địa phương, bảo vệ môi trường sinh thái khu vực nông thôn, giúp duy trì, quảng bá bản sắc văn hóa, đời sống nông thôn các dân tộc, vùng miền, từ đó góp phần thu hút đầu tư phát triển kinh tế cộng đồng, địa phương.

Kết nối chuỗi giá trị, phát triển nông nghiệp sinh thái, bền vững

Chiều 14/9, trong khuôn khổ Hội chợ triển lãm nông nghiệp Quốc tế lần thứ 23 (AgroViet 2023), chương trình Hội thảo “Phát triển nông nghiệp xanh, bền vững gắn với mô hình du lịch nông thôn” đã thu hút đông đảo đại biểu tham dự.

Phát triển nông nghiệp sinh thái kết hợp du lịch nông thôn

 Ông Hoàng Văn Dự, Phó Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại nông nghiệp phát biểu khai mạc (Ảnh: PV)

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Hoàng Văn Dự, Phó Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại nông nghiệp nhấn mạnh, sản xuất nông nghiệp bền vững, xanh, thân thiện với môi trường là đích đến mà Việt Nam và tất cả các quốc gia trên thế giới đã và đang phải hướng đến. Ngày 01/11/2021, Thủ tướng Chính phủ đã cam kết tại Hội nghị COP26 về giảm phát thải khí nhà kính bằng “0” vào năm 2050. Đồng thời, Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ cũng khẳng định rõ mục tiêu phát triển nông nghiệp xanh, sinh thái và thân thiện với môi trường. Cùng với đó, toàn ngành nông nghiệp đang chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp trên cơ sở tích hợp đa giá trị, trong đó có văn hoá và tài nguyên môi trường. Như vậy, phát triển nông nghiệp sinh thái kết hợp du lịch nông thôn được đánh giá là xu hướng phát triển bền vững trong giai đoạn hiện nay nhằm hiện thực hoá các cam kết của Chính phủ Việt Nam với cộng đồng thế giới cũng như góp phần định hướng một ngành nông nghiệp phát triển bền vững và hiệu quả. Mô hình này sẽ giúp khai thác nguồn lực sẵn có địa phương, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, đời sống cho người dân địa phương, bảo vệ môi trường sinh thái khu vực nông thôn, giúp duy trì, quảng bá bản sắc văn hóa, đời sống nông thôn các dân tộc, vùng miền từ đó góp phần thu hút đầu tư phát triển kinh tế cộng đồng, địa phương.

Các thành viên chủ trì Hội thảo (Ảnh: PV) 

“Với mục tiêu vì một nền nông nghiệp xanh, phát triển bền vững, trong khuôn khổ AgroViet 2023, Ban tổ chức Hội chợ phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức Hội thảo với chủ đề “Phát triển nông nghiệp bền vững gắn với mô hình du lịch nông thôn”. Thông qua đó, một lần nữa khẳng định vai trò, tầm quan trọng của việc phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững và thân thiện với môi trường; giới thiệu, quảng bá một số mô hình sản xuất nông nghiệp sinh thái, kinh tế tuần hoàn gắn với mô hình du lịch nông thôn hiện nay; cùng nhau trao đổi, bàn về các giải pháp xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp sinh thái, kinh tế tuần hoàn gắn với du lịch nông thôn nhằm thu hút, phát triển kinh tế cộng đồng, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, ứng phó với biến đổi khí hậu”- Phó Giám đốc Hoàng Văn Dự nói.

Tại Hội thảo, ông Nguyễn Anh Phong, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp, nông thôn đã đánh giá về cơ hội và thách thức trong phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn theo hướng đa giá trị, bao trùm và bền vững. Theo đó, Phó Viện trưởng Nguyễn Anh Phong cho rằng, trong bối cảnh du lịch bền vững ngày càng trở nên cần thiết, việc phát triển du lịch kết hợp với nông nghiệp sạch không chỉ tạo ra cơ hội kinh doanh mới mà còn góp phần tăng cường phát triển bền vững cho các địa phương. Phát triển du lịch cộng đồng gắn với phát triển nông thôn mới là hướng đi phù hợp nhằm khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, thúc đẩy phát triển sinh kế hộ gia đình nói riêng và kinh tế cho cộng đồng nói riêng. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Đồng quan điểm này, ông Hà Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT công ty T&T159, Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam chia sẻ thêm về việc phát triển mô hình chăn nuôi sinh thái, kinh tế tuần hoàn kết hợp du lịch nông nghiệp. Trong khi đó, ông Phạm Hải Quỳnh, Viện trưởng Viện phát triển du lịch Châu Á (ATI), Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam (VCTC) nêu ra định hướng chiến lược phát triển nông nghiệp xanh và du lịch nông thôn, thúc đẩy bền vững sinh kế từ sản phẩm đặc sản vùng miền và bà Hoàng Thị Hảo, Giám đốc điều hành Khu nghỉ dưỡng Lolo Heritage Resort Đồng Văn, Hà Giang thì phân tích thêm về việc phát triển du lịch cộng đồng gắn với phát triển nông thôn mới.

 Du khách nước ngoài trải nghiệm tại mô hình trồng hoa tại Đà Lạt (Ảnh: PV)

Để phát triển du lịch bền vững gắn liền với nông nghiệp

Theo các chuyên gia, để phát triển du lịch bền vững gắn liền với nông nghiệp, Việt Nam cần đối mặt và giải quyết những thách thức gồm có: thiếu sự thông thạo về công nghệ và quy trình nông nghiệp bền vững, gây khó khăn trong việc phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp chất lượng; thiếu năng lực và kiến thức về phân phối và tiếp thị sản phẩm du lịch nông nghiệp, dẫn đến khả năng tiếp cận thị trường và khai thác tiềm năng không đạt hiệu quả; thiếu việc đầu tư vào hạ tầng về du lịch nông nghiệp, như cơ sở vật chất, giao thông, viễn thông và các dịch vụ hỗ trợ khác, ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành…

Do đó, các đại biểu khuyến nghị, Việt Nam cần xây dựng một chiến lược và kế hoạch phát triển du lịch bền vững gắn liền với du lịch nông nghiệp, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để giải quyết những vấn đề này và khai thác tiềm năng của ngành trong tương lai. Trên cơ sở đó, đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với quá trình chuyển đổi số các điểm du lịch nông thôn được số hóa và kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số; các điểm du lịch nông thôn được giới thiệu xúc tiến quảng bá, ứng dụng các giao dịch điện tử trong hoạt động du lịch; nhân viên làm việc trong các cơ sở dịch vụ, làng nghề phục vụ du lịch, cán bộ quản lý du lịch và các chủ thể hoạt động kinh doanh du lịch nông nghiệp nông thôn được đào tạo bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, bồi dưỡng nghề phục vụ du lịch…

 Du lịch sinh thái cộng đồng tại nông thôn đang xuất hiện ngày càng nhiều (Ảnh: PV)

Để gắn kết phát triển du lịch cộng đồng với chương trình xây dựng nông thôn mới, cần phải thực hiện quy hoạch phát triển du lịch nông thôn đồng bộ với quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Quy hoạch không gian phát triển du lịch nông thôn cần gắn với đặc trưng sinh thái vùng, miền, chú trọng bảo tồn giá trị văn hóa - lịch sử. Phát triển du lịch nông thôn hướng đến khai thác sự sáng tạo, khác biệt về văn hóa, cảnh quan sinh thái để tạo ra những sản phẩm mới phù hợp với thị trường. Đặc biệt, cần chú trọng khai thác chuỗi giá trị du lịch trên cơ sở liên kết với các ngành, nghề, dịch vụ liên quan nhằm cung cấp đa dạng các trải nghiệm, thu hút, tăng chi tiêu và kéo dài thời gian lưu trú của du khách trong và ngoài nước,…Đồng thời, phát triển dịch vụ phụ trợ để hỗ trợ du lịch, gắn phát triển hạ tầng du lịch nông thôn với ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường; chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch nông thôn.

Du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới được kỳ vọng mang đến cho ngành du lịch Việt Nam một sức sống mới sau đại dịch COVID-19. Vì thế, cần rà soát, đánh giá lại một cách toàn diện về tiềm năng, thực trạng phát triển du lịch cộng đồng từ các vùng nông nghiệp tiêu biểu đang làm dịch vụ du lịch và đề xuất các giải pháp quản lý, hỗ trợ phát triển trong thời gian tới. Có cơ chế chính sách phù hợp nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và phát triển hạ tầng nông thôn tạo điều kiện để người dân các địa phương khai thác lợi thế phát triển du lịch./.

Hân Nguyễn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực