Phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị, phù hợp với yêu cầu thị trường

Thứ bảy, 12/11/2022 21:03
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Cần tổ chức sản xuất gắn với quy hoạch và phát triển vùng nguyên liệu đặc trưng tại địa phương. Song song với đó, cần chuẩn hóa quy trình, tiêu chuẩn và phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị, phù hợp với lợi thế về điều kiện sản xuất và yêu cầu thị trường.

Đó là ý kiến được các đại biểu đưa ra tại Hội thảo “Giải pháp phát triển sản phẩm OCOP và du lịch nông thôn trong thúc đẩy kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang tổ chức chiều 12/11 tại Tuyên Quang.

 Quang cảnh Hội thảo (Ảnh: M.L)

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang cho biết, thực hiện “Chương trình mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), thời gian qua, tỉnh Tuyên Quang luôn xác định đây là giải pháp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn, đến nay, tỉnh Tuyên Quang đã có 128 sản phẩm OCOP trên địa bàn 64 xã, phường, thị trấn với sự tham gia của 85 chủ thể. Bên cạnh đó, là địa phương giàu truyền thống cách mạng, có sự hội tụ và giao thoa văn hóa của các dân tộc vùng Đông Bắc và Tây Bắc với nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, những yếu tố đó tạo nên nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng để Tuyên Quang tập trung khai thác, phát triển du lịch, du lịch nông thôn.

Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Tuyên Quang đang định hướng phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp hàng hóa, hình thành các vùng chuyên canh với quy mô thích hợp, ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông lâm nghiệp để phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Tuyên Quang. Địa phương cũng mong muốn nhận được sự hỗ trợ của Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn, sự phối hợp chặt chẽ của các tỉnh, thành phố trong cả nước, các tổ chức quốc tế để tỉnh sớm hoàn thành mục tiêu đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá toàn diện và bền vững ở khu vực miền núi phía Bắc.

Tại Hội thảo, ông Trương Kiến Thọ, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang cho rằng, Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương cần tăng cường hỗ trợ cho các địa phương, nhất là trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho những mô hình OCOP phục vụ du lịch. Bên cạnh đó, các chính sách trong thời gian tới nên có những hỗ trợ cụ thể hơn cho các chủ thể OCOP hoặc những chủ thể OCOP tiềm năng.

Khẳng định tiềm năng và lợi thế của các sản phẩm OCOP là giải pháp quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn, tại Hội thảo, các đại biểu cho rằng, cần tổ chức sản xuất gắn với quy hoạch và phát triển vùng nguyên liệu đặc trưng tại địa phương. Song song với đó, cần chuẩn hóa quy trình, tiêu chuẩn và phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị, phù hợp với lợi thế về điều kiện sản xuất và yêu cầu thị trường,.../.

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực