Phát triển vùng trung du và miền núi Bắc Bộ theo hướng xanh, bền vững và toàn diện

Thứ bảy, 27/08/2022 17:35
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ (TD&MNBB) có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - chính trị, văn hóa - xã hội và quốc phòng - an ninh và đối ngoại của cả nước; là địa bàn giàu tiềm năng, lợi thế về kinh tế nông nghiệp, lâm nghiệp, khoáng sản, thủy điện, du lịch, kinh tế biên mậu, là “phên dậu” của Tổ quốc, là ‘‘lá phổi“ có vai trò đặc biệt quan trọng đối với môi trường sinh thái của cả vùng Bắc Bộ.

Với chủ đề “Tiềm năng - Cơ hội - Hợp tác phát triển”, Hội nghị triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng TD&MNBB đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được tổ chức tại TP. Lào Cai, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

 Quang cảnh Hội nghị (Ảnh: Đức Trung)

Hội nghị diễn ra sáng ngày 27/8/2022 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lào Cai, Văn phòng Chính phủ tổ chức. Hội nghị có sự tham gia của Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, lãnh đạo các bộ ngành, địa phương, các hiệp hội doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước cùng khoảng 700 đại biểu đến từ các cấp, ngành và địa phương.

Đây là hội nghị “ba trong một”, được tổ chức không chỉ với mục đích công bố Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng TD&MNBB đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, mà còn xúc tiến đầu tư, kêu gọi sự quan tâm của các nhà đầu tư, hiệp hội doanh nghiệp trong nước, quốc tế, các đối tác phát triển trong việc đồng hành với Chính phủ trong triển khai các chương trình, dự án đầu tư có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của Vùng.

Xây dựng Đề án cơ chế, chính sách đặc thù đối với Vùng

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, phấn đấu đến năm 2045, vùng TD&MNBB là vùng phát triển xanh, bền vững và toàn diện, là hình mẫu phát triển xanh của cả nước, trong đó có khoảng 50% số tỉnh nằm trong nhóm các tỉnh phát triển khá; bản sắc văn hóa các dân tộc được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc; tổ chức đảng và hệ thống chính trị vững mạnh; khối đại đoàn kết các dân tộc được tăng cường.

Chương trình hành động đã đưa ra 06 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đồng thời cụ thể hóa thành 17 nhiệm vụ, đề án, 33 dự án hạ tầng giao thông kết nối thực hiện trong giai đoạn 2021-2030 với sự phân công và lộ trình thời gian thực hiện rõ ràng. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đang chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng Đề án về cơ chế, chính sách đặc thù đối với Vùng, giao cho các cơ quan chức năng xây dựng 03 đề án thí điểm trên địa bàn về phát triển khu kinh tế cửa khẩu qua biên giới, thí điểm mô hình quản lý rừng bền vững dựa vào cộng đồng, thí điểm cơ chế chia sẻ nguồn nước.

 Tập trung đổi mới tư duy phát triển, nhất là liên kết vùng, xây dựng cơ chế liên kết và phối phát triển vùng hiệu lực, hiệu quả (Ảnh: PV)

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN) Lê Minh Hoan, đặc thù địa hình và địa lý tự nhiên, giao thông kết nối cùng khó khăn khác không hẳn ngăn cản cho sự phát triển kinh tế chung và ngành nông nghiệp nói riêng của Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ. Đó còn là động lực để tạo nên những khác biệt riêng trong nguồn lực phát triển chuyển hóa thành lợi thế khai thác, phát huy một cách phù hợp năng động, sáng tạo hòa cùng nguồn vốn văn hóa, nguồn vốn xã hội vô giá không giới hạn sẽ tạo điểm nhấn đặc sắc cho kinh doanh sản phẩm nông nghiệp, tiếp thêm sức bật mới cho vùng.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh “Dứt khoát trong 5-10 năm tới phải tạo đột phá về hạ tầng giao thông, nếu không thì sẽ không phát triển được”. Theo đó, phải cố gắng phát triển được hệ thống giao thông đồng bộ, thu hút nhà đầu tư và đưa Vùng có bước đột phá.

Chia sẻ tại Hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, sau 17 năm thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW và Kết luận số 26-KL/TW, vùng TD&MNBB đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị: Cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng, từng bước hoàn thiện đã làm thay đổi tích cực diện mạo của vùng. Kinh tế tăng trưởng cao hơn bình quân cả nước, cơ cấu chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ; bước đầu phát triển sản xuất hàng hóa gắn với thị trường. Tuy nhiên, do xuất phát điểm thấp, đến nay vùng TD&MNBB vẫn là vùng khó khăn nhất cả nước:

Bí thư tỉnh ủy Lào Cai Đặng Xuân Phong cho rằng, là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng, giàu tài nguyên và có vai trò quyết định đối với môi trường sinh thái của cả vùng Bắc Bộ nhưng đây vẫn là "vùng trũng" trong phát triển và là "lõi nghèo" của cả nước mà một trong những nguyên nhân được thẳng thắn nhìn nhận là "chưa khai thác được nhiều nguồn lực, thiếu thể chế cho liên kết". Vì vậy, việc tìm ra những giải pháp mạnh mẽ, đột phá để vừa "tạo thêm", vừa "tạo mới" động lực để "phẳng hóa vùng trũng", góp phần tích cực vào sự phát triển chung của cả nước. Đồng thời, các địa phương cần xác định "tư duy liên kết" chính là bộ phận không thể tách rời của “tư duy phát triển”; liên kết là phát triển và muốn phát triển phải liên kết.

Đồng quan điểm trên, bà Steffi Stallmeister, Quyền Giám đốc Ngân hàng thế giới tại Việt Nam (World Bank) nhấn mạnh, cần đầu tư nhiều hơn không chỉ vào cơ sở hạ tầng cứng như đường để kết nối với thị trường tiêu thụ; cải thiện khả năng tiếp cận giáo dục và cải thiện kết quả học tập  nâng chất lượng nguồn nhân lực tại chỗ, hướng nhiều hơn tới bảo trợ xã hội; tăng cường chính sách an sinh xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Còn theo ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB), khu vực này sẽ theo đuổi việc phát triển xanh, bền vững và bao trùm thông qua tăng cường tính kết nối nội vùng và giữa khu vực với vùng Đồng bằng sông Hồng và Hà Nội; phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và sản xuất năng lượng; nông nghiệp hữu cơ áp dụng công nghệ cao với các đặc sản vùng miền; kinh tế biên giới và du lịch, trong số những lĩnh vực khác.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị (Ảnh: Đức Trung)

TD&MNBB có nhiều tiềm năng cần được khai thác hiệu quả để phát triển

Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, Khu vực Trung du và miền núi phía Bắc có rất nhiều tiềm năng, núi non hùng vĩ, bản sắc văn hóa phong phú…Tuy nhiên, các địa phương chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của vùng, tiềm năng chưa biến thành động năng, tiềm lực, nguồn lực.

Vì thế, Thủ tướng yêu cầu, tới đây, phải xác định trọng tâm, trọng điểm để thực hiện phát triển vùng theo hướng xanh, toàn diện và bền vững. Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý, các tỉnh trong vùng tiếp tục tăng cường phòng, chống dịch COVID-19, nhất là quyết liệt triển khai tiêm vaccine cho người dân; tập trung xây dựng quy hoạch vùng, hướng tới phát triển cân bằng và hài hòa các lĩnh vực, đảm bảo “an sinh - an ninh – an dân”, giữ đất, giữ rừng, ổn định dân cư, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Các tỉnh đẩy mạnh giải ngân đầu tư công; đẩy mạnh phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, tập trung tháo gỡ điểm nghẽn về hạ tầng giao thông, logistics, hạ tầng xã hội, chuyển đổi số, ứng phó với biến đổi khí hậu; ưu tiên đầu tư xây dựng, hoàn thành các tuyến cao tốc kết nối liên kết vùng, kết nối cảng biển, sân bay, các cửa khẩu quốc tế chính; hình thành một số cực tăng trưởng, trung tâm kinh tế của Vùng…

Thủ tướng yêu cầu khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân; tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập quốc tế; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

“Chúng ta phải xây dựng vùng trung du và miền núi Bắc Bộ là vùng phòng thủ vững chắc về an ninh, quốc phòng; là phòng tuyến về hợp tác, phát triển kinh tế”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành liên quan và các địa phương tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, bảo đảm minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh, thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư – Coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm, vừa cấp bách, vừa lâu dài. Trong đó phải nâng cao các chỉ số về cải cách hành chính, năng lực cạnh tranh, chuyển đổi số...

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các doanh nghiệp, nhà đầu tư, đối tác quan tâm đầu tư quy mô lớn hơn, hiệu quả hơn, bền vững hơn với tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”; “tâm, tài, trí, tín”; “chân thành, trách nhiệm”. Xây dựng chiến lược kinh doanh lâu dài, bền vững, thực hiện đúng cam kết đầu tư, thỏa thuận hợp tác.

Bên cạnh đó, thực hiện tốt văn hóa doanh nhân, nói không với tiêu cực, nêu cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường; thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với người lao động và đồng hành với chính quyền.

Các doanh nghiệp, đối tác tiếp tục chung tay, đồng hành cùng Chính phủ, các địa phương trong phát triển xanh, bền vững và toàn diện vùng; trong đó tích cực tham gia thực hiện quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; nghiên cứu, phát hiện và khai thác, tận dụng cơ hội để phát triển, tham gia sâu vào những ngành kinh tế được xác định là trọng tâm, ưu tiên.

 Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: Đức Trung)

Dịp này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định, với sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, cùng với các tiềm năng, cơ hội và với sự quyết tâm, nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và người dân trong Vùng, chúng ta có thể biến khó khăn, thách thức thành cơ hội mới, biến những tiềm năng, lợi thế thành động lực phát triển để Vùng Trung du và miền núi phía Bắc thực sự phát triển đột phá, đón nhận làn sóng đầu tư mới, đạt được mục tiêu phát triển xanh, bền vững và toàn diện trong thời kỳ tới, người dân được hạnh phúc với một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Trong khuôn khổ Hội nghị, Thủ tướng và lãnh đạo các bộ ,ngành đã chứng kiến lễ ký Biên bản ghi nhớ (MOU), Biên bản hợp tác (MOC) và Thư bày tỏ quan tâm tài trợ giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các đối tác phát triển về cung cấp tài chính cho các dự án vùng Trung du, miền núi phía Bắc với tổng giá trị 1,55 tỷ USD. Đồng thời, lãnh đạo các địa phương cũng đã trao chứng nhận đăng ký đầu tư, chủ trương đầu tư, biên bản ghi nhớ đầu tư dự án cho nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.

 

Hân Nguyễn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực