Phối hợp đẩy nhanh các dự án giao thông kết nối vùng Đông Nam Bộ

Thứ ba, 26/03/2024 11:31
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) – Các địa phương vùng Đông Nam Bộ cần tiếp tục tăng cường phối hợp đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giao thông kết nối vùng.
 Thi công dự án thành phần 3, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn qua Bà Rịa - Vũng Tàu. (Ảnh: HM)

Tại Hội nghị trao đổi, hợp tác giữa các địa phương vùng Đông Nam Bộ lần thứ 4, quý I/2024 diễn ra ngày 15/3 tại tỉnh Đồng Nai, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương khẳng định tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là đẩy nhanh các dự án hạ tầng giao thông kết nối vùng.

Triển khai quyết liệt các dự án

Theo báo cáo của UBND Thành phố Hồ Chí Minh, trong 10 nội dung phối hợp cấp vùng, đến hết năm 2023 đã thực hiện được 5 nội dung, 4 nội dung hoàn thành một phần và 1 nội dung đang thực hiện. Trong đó, đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông liên kết vùng là một nhiệm vụ trọng tâm. Hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh cùng các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An đã triển khai các dự án thành phần thuộc đường Vành đai 3 – Thành phố Hồ Chí Minh bảo đảm yêu cầu đồng bộ về kỹ thuật, tiến độ.

Về kết quả hợp tác song phương, tổng cộng có 43 nội dung phối hợp giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Đông Nam Bộ trong năm 2023. Đến hết năm 2023 đã hoàn thành 20/43 nội dung phối hợp cấp vùng; còn lại 19/43 nội dung hoàn thành một phần và 4/43 nội dung đang thực hiện.

Hiện vùng Đông Nam Bộ đang có nhiều dự án hạ tầng giao thông lớn như: Sân bây Long Thành, sân bay Biên Hòa, đường Vành đai 3, cao tốc Bến Lức – Long Thành; Biên Hòa – Vũng Tàu. Khi các dự án hoàn thành, sẽ tạo động lực phát triển mới cho toàn vùng.

Về phối hợp triển khai các dự án thành phần của đường Vành đai 3, Hội nghị cho biết: UBND Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Long An đã phối hợp triển khai các dự án thành phần cơ bản đáp ứng tiến độ theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 105/NQ-CP ngày 15 tháng 8 năm 2022. Bên cạnh đó, các dự án thành phần do Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An làm cơ quan chủ quản đều bàn giao ít nhất 70% diện tích mặt bằng của gói thầu khởi công tính đến trước thời điểm khởi công ngày 30/6/2023.

Về dự án đường Vành đai 4 - Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh và Bộ Giao thông vận tải thống nhất một số nội dung như: Giao các địa phương làm cơ quan có thẩm quyền triển khai dự án thành phần; đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù cho các dự án thành phần; điều chỉnh quy hoạch hướng tuyến Vành đai 4 và các đồ án quy hoạch liên quan.

 Đơn vị thi công cầu Bình Gởi, dự án đường Vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh đang tập trung phương tiện, nhân lực để bảo đảm tiến độ công trình. (Ảnh: Minh Duy)

Gỡ khó cho các dự án giao thông

Tuy nhiên, tại Hội nghị, theo lãnh đạo các địa phương, hiện những tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ đang gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai các dự án giao thông.

Riêng đường Vành đai 4 đến nay vẫn chưa có cơ chế cho địa phương được sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương để đầu tư các dự án thành phần; chưa có cơ chế được sử dụng ngân sách của địa phương này hỗ trợ địa phương khác thực hiện hoạt động đầu tư công của dự án; nguồn vốn Nhà nước tham gia các dự án lớn, trong khi nguồn vốn ngân sách địa phương đang khó khăn, khó cân đối.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Đặng Minh Thông khẳng định, sự phát triển của từng địa phương làm nên sự phát triển của toàn vùng và sự phát triển của vùng là động lực phát triển của mỗi địa phương. Do đó, Bà Rịa - Vũng Tàu rất quan tâm vấn đề liên kết phát triển với các tỉnh, thành phố trong khu vực Đông Nam Bộ.

Theo đồng chí Đặng Minh Thông, trong triển khai các dự án trọng điểm tại Bà Rịa - Vũng Tàu và nhiều địa phương khác nảy sinh vấn đề nhức nhối là thiếu nguồn cát san lấp. Vừa qua, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu phương án san lấp bằng cát biển. Do đó, đồng chí Đặng Minh Thông đề nghị các tỉnh vùng Đông Nam Bộ thống nhất kiến nghị Bộ Giao thông vận tải sớm nghiên cứu triển khai nội dung này để bảo đảm có nguồn vật liệu cho các dự án trọng điểm.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng kiến nghị một số vấn đề liên quan đến liên kết vùng trong thời gian tới như: Đẩy nhanh tiến độ thành lập trung tâm kiểm soát bệnh tật vùng; hoàn chỉnh bản đồ tương tác du lịch thông minh 3D/360 độ vùng Đông Nam Bộ nhằm quảng bá, xúc tiến hình ảnh cho các tỉnh trong vùng.

Theo đồng chí Võ Tấn Đức, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, thời gian tới, các địa phương vùng Đông Nam Bộ cần tiếp tục tăng cường phối hợp đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án cao tốc, đường sắt. Về cầu Cát Lái, Đồng Nai đề nghị Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trong năm 2024 và khởi công xây dựng trong năm 2025, chứ không chờ đến năm 2026 mới thực hiện, nhằm giảm áp lực giao thông, khai thác hiệu quả lợi thế sân bay Long Thành.

Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Minh Ngọc cho rằng, tầm nhìn xa hơn bên cạnh các tuyến cao tốc kết nối vùng cần có quy hoạch tuyến đường sắt, tuyến metro để tạo thêm động lực phát triển, giao thương, nhất là phát triển được những tour du lịch với nhiều điểm đến hấp dẫn du khách.

Đồng chí Trần Tuệ Hiền, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước khẳng định, đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một – Chơn Thành là dự án đang được người dân, chính quyền địa phương cũng như các doanh nghiệp trên địa bàn kỳ vọng. Cùng với đó tuyến đường sắt xuyên Á, đường sắt kết nối từ ga Sóng Thần qua Bình Dương về Cửa khẩu Hoa Lư cũng sẽ là những dự án trọng điểm để kết nối phát triển, không riêng cho tỉnh Bình Phước mà còn cho cả Vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ. Tỉnh Bình Phước đang tập trung công tác giải phóng mặt bằng để các dự án có thể triển khai đúng tiến độ trong thời gian tới./.

HM

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực