Quản lý hiệu quả việc sử dụng kháng sinh vì nền nông nghiệp sạch

Thứ năm, 12/01/2017 23:35
(ĐCSVN) - Sáng 12/1, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội thảo "Quản lý, sử dụng kháng sinh vì nền nông nghiệp sạch, phát triển bền vững”.

Quang cảnh Hội thảo (Ảnh: BT)

Tại Hội thảo, các đại biểu đều có chung nhận định, việc sử dụng chất cấm, lạm dụng thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản sẽ dẫn đến khả năng tồn dư cao hoá chất, kháng sinh trong thủy sản nuôi. Với dư lượng hoá chất, kháng sinh khi đã tồn lưu trong thủy sản nuôi thì không có phương pháp nào để loại bỏ được trong quá trình chế biến, bảo quản.

Về kinh tế, tác hại trước mắt của việc sử dụng chất cấm, lạm dụng thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản làm nhiều lô hàng thủy sản xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam bị cảnh báo do lượng tồn dư và bị trả về, gây thiệt hại kinh tế lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu cũng như uy tín của sản phẩm thủy sản Việt Nam trên trường quốc tế.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Đàm Xuân Thành – Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết, từ đầu năm 2016 đến nay, đã có 39 doanh nghiệp tham gia nhập khẩu nguyên liệu kháng sinh làm thuốc thú y. Hiện nay, Cục Thú y đã cấp giấy phép nhập khẩu cho 57 loại nguyên liệu kháng sinh. Cũng trong năm 2016, Cục Thú y đã tạm dừng cấp phép nhập khẩu từ 3-12 tháng đối với 6 công ty có hành vi bán nguyên liệu kháng sinh không đúng đối tượng, sai mục đích.

Theo Cục Quản lý chất lượng Nông lâm thủy sản, năm 2016, các cơ quan giám sát đã lấy 2.724 mẫu thủy sản nuôi, phát hiện 31 mẫu chứa dư lượng hóa chất kháng sinh cấm hoặc dư lượng hóa chất kháng sinh hạn chế sử dụng vượt mức giới hạn tối đa cho phép. Kết quả giám sát nêu trên cho thấy, tỷ lệ vi phạm hóa chất kháng sinh năm 2016 (11 tháng) là 1,14% có giảm so với năm 2014 (1,24%) nhưng vẫn chưa được cải thiện rõ nét.

Cũng theo Cục Quản lý chất lượng Nông lâm thủy sản, trong năm 2016, thông qua mạng cảnh báo nhanh, cơ quan thẩm quyền của các nước nhập khẩu thủy sản và các kênh ngoại giao khác, Cục đã nhận được thông tin cảnh báo về một số lô hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam không bảo đảm an toàn thực phẩm do phát hiện kháng sinh cấm hoặc do dư lượng hóa chất kháng sinh vượt mức giới hạn tối đa cho phép. Cụ thể: Nhật Bản (24 lô), EU (11 lô), Úc (3 lô) và Hàn Quốc (2 lô). Số lượng lô hàng bị cảnh báo năm 2016 là 40 lô.

Trước tình hình việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi và thủy sản vẫn còn nhiều bất cập, tại Hội thảo, các đại biểu cho rằng, đối với các cơ quan quản lý nhà nước, cần giám sát, cảnh báo sớm dịch bệnh trên thủy sản để kịp thời khuyến nghị và hướng dẫn người nuôi phòng trị bệnh hiệu quả. Vận động, hướng dẫn người nuôi không sử dụng chất cấm, không lạm dụng chất xử lý cải tạo môi trường. Bên cạnh đó, giám sát tồn dư hóa chất kháng sinh trong thủy sản nuôi để kịp thời phát hiện, cảnh báo và truy xuất nguồn gốc; theo dõi, cập nhật tình hình các lô hàng bị cảnh báo hóa chất kháng sinh để kịp thời cảnh báo doanh nghiệp, đề xuất các biện pháp kiểm soát phù hợp. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là thanh tra, kiểm tra đột xuất và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong lưu thông, mua bán chất cấm, kháng sinh nguyên liệu và thuốc thú y, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường không nằm trong danh mục được phép lưu hành.

Đối với các doanh nghiệp chế biến thủy sản, cần kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu và dư lượng hóa chất, kháng sinh trong nguyên liệu trước khi đưa vào sản xuất; đồng thời khẩn trương điều tra nguyên nhân, thực hiện các biện pháp khắc phục đối với sản phẩm thủy sản bị cảnh báo tồn dư hóa chất kháng sinh để ngăn ngừa sự việc tái diễn.

Đối với các cơ sở nuôi trồng thủy sản, thực hiện theo quy định, hướng dẫn của cơ quan thú y về phòng chống dịch bệnh; không sử dụng chất cấm, không lạm dụng thuốc thú y, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản. Trong trường hợp phải sử dụng thuốc thú y cần tuân thủ nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng liều, đúng lúc, đúng cách)./.

 

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực