Quản lý thị trường phân bón hiệu quả, cần quy về một mối

Chủ nhật, 29/01/2017 13:31
(ĐCSVN) –Thời gian qua, thị trường phân bón trên cả nước diễn biến phức tạp khi các sản phẩm giả, kém chất lượng đua nhau “hoành hành” trên thị trường khiến người nông dân lao đao, khốn khổ. Điều này cũng cho thấy những bất cập trong quản lý Nhà nước về công tác này...

Truy tìm “nguồn gốc” phân bón giả 

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Trần Hùng, Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo 389/QG về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cho biết, hiện nay, Ban Chỉ đạo đang tập trung làm rất quyết liệt mặt hàng phân bón giả, đây là vấn đề vô cùng bức xúc. 

 

Ông Trần Hùng -  Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia. (Ảnh: K.D).

Cụ thể, Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 đã tham mưu Chính phủ, tập trung kiểm tra địa bàn trọng điểm là TP.Hồ Chí Minh. Đây là một thị trường không quá lớn, đặc biệt không phải vùng chuyên canh, nhiều đất sản xuất nông nghiệp mà có tới hơn 1.000 doanh nghiệp sản xuất với trên 6 nghìn sản phẩm phân bón khác nhau thì có phần “vô lý”, đồng thời gây khó khăn cho quản lý và điều hành. 

“Riêng tại huyện Bình Chánh – qua kiểm tra thực tế cho thấy có hơn 40 cơ sở sản xuất phân bón. Đặc biệt, chúng tôi đã thấy lộ ra một vấn đề bất cập đó là từ sở hở của quản lý nhà nước, có hiện tượng buông lỏng của chính quyền các cấp địa phương cũng như có sự thông đồng của một số lực lượng thực thi công vụ...Đây là hiện tượng không thể cho phép, bới nó quá thách thức dư luận”– ông Trần Hùng cho hay. 

Ông Trần Hùng cũng chia sẻ, tới đây sẽ có một cuộc Sơ kết để Ban Chỉ đạo 389 chủ trì, sau đó tiến hành kiểm tra toàn bộ địa bàn TP. Hồ Chí Minh từ đó báo cáo Thủ tướng Chính phủ để có chỉ đạo sớm sắp xếp, ổn định lại thị trường phân bón. Giải quyết những bất cập trong điều hành kinh tế vĩ mô. 

Bất cập trong quản lý 

Qua thực tế khảo sát, ông Trần Hùng chỉ ra những bất cập: “Chẳng hạn như việc đi lấy mẫu thì Sở Công thương địa phương giao cho quản lý thị trường chịu trách nhiệm vì Sở Công có thanh tra chuyên ngành. Trong khi đó, Sở Nông nghiệp có thanh tra chuyên ngành, có chuyên môn lại chỉ giám sát khoảng 8, 9% hữu cơ – một con số quả nhỏ, không đáng kể...” Với vai trò là cơ quan tham mưu, tới đây sẽ trình Ban chỉ đạo 389, kiến nghị Chính phủ làm về vấn đề này– ông Hùng khẳng định. 

Thực tế, bất cập này cũng được Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trả lời chất vấn các đại biểu Trong kỳ họp Quốc hội vừa qua. Theo Bộ Trưởng Trần Tuấn Anh, thị trường phân bón ở Việt Nam đã có sự phân khúc, một phần về quản lý phân bón vô cơ thì giao cho Bộ Công Thương, còn lại các loại phân bón hữu cơ thì giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quản lý bao gồm từ cả khâu sản xuất cũng như cấp phép sản xuất rồi sau đó là công bố hợp quy và quản lý kinh doanh. 

Trên thực tế, với việc hai Bộ cùng tham gia quản lý phân bón và trong bối cảnh các loại phân bón rất đa dạng và có nhiều loại hình lẫn nhau,  trộn lẫn kể cả giữa loại phân đơn và phân đan rồi cũng như các loại phân và hợp chất phân bón vô cơ rồi hữu cơ. Phân vi lượng và nhiều loại phân khác dẫn đến tình trạng chồng chéo của hai cơ quan quản lý Nhà nước. Vì vậy, hiệu lực và hiệu quả của quản lý Nhà nước trong thời gian vừa qua không được đảm bảo trên địa bàn cả nước đối với các mặt hàng phân bón kể cả sản xuất cũng như nhập khẩu. 

Bên cạnh đó, tình trạng tồn tại quá nhiều các loại phân bón, riêng đối với Bộ Nông nghiệp có hơn 5.000 hợp quy dành cho phân bón hữu cơ và Bộ Công Thương có hơn 5.700 hợp quy khác dành cho phân bón vô cơ. Chính vì vậy, dẫn đến tình trạng các loại phân bón rất nhiều và cơ quan quản lý nhà nước không đủ nguồn lực và điều kiện kiểm soát chất lượng cũng như hàm lượng, định lượng của các sản phẩm phân bón này. 

Cần sớm quy về một đầu mối 

Để khắc phục được tình trạng trên, ông Trần Hùng nêu quan điểm: “Muốn chống phải công khai, minh bạch, chia sẻ thông tin. Chúng ta có thể xây dựng hệ thống mạng nội bộ, các ban ngành liên quan có thể cập nhật hàng ngày. Nếu làm được điều này, một đối tượng đã từng bị xử lý ở địa bàn này nhưng sau bị bắt ở địa bàn khác thì có thể nhận biết dễ dàng. Vừa tiết kiệm thời gian, công sức vừa dễ dàng quản lý” – ông Hùng khẳng định. 

Đặc biệt, cấp thiết hơn theo ông Hùng cần sớm thống nhất đầu mối quản lý lĩnh vực phân bón. Bộ Công Thương cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phải phối hợp tổ chức lại thị trường phân bón, đặc biệt theo hướng giới hạn lại các loại mặt hàng phân bón được sản xuất kinh doanh trên thị trường của Việt Nam. Vì trên thực tế, tại các nước khác, kể cả những nước như Thái Lan có nền nông nghiệp phát triển cũng chỉ có hơn 100 loại phân bón được lưu hành. Đồng thời, phải tăng cường hơn nữa hiệu lực quản lý nhà nước, đặc biệt của lực lượng quản lý chức năng để đấu tranh chống phân bón giả, chống phân bón kém phẩm chất và phân bón lậu. Phải sớm xây dựng và hoàn thiện các khung pháp lý, đặc biệt là hệ thống quy chuẩn quốc gia cũng như hệ thống tiêu chuẩn để chúng ta thống nhất quản lý Nhà nước trong phân bón. Tạo điều kiện để phân bón phát triển một cách bền vững với chất lượng đáp ứng được yêu cầu về môi trường, cũng như yêu cầu để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.../.

 

 

Kim Dung

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực