Quảng Nam: Hướng đến phát triển bền vững các mô hình kinh tế hợp tác xã

Thứ năm, 10/02/2011 17:33
 

 Nghề trồng nấm tại một HTX ở Quảng Nam
(Ảnh: thitruongvietnam.com.vn
)

(ĐCSVN) - Quảng Nam hiện có 175 Hợp tác xã (HTX), trong đó có 120 HTX nông nghiệp, 55 HTX phi nông nghiệp, giải quyết gần 25.000 lao động có việc làm thường xuyên, đóng góp vào cơ cấu GDP của tỉnh hằng năm 6,5-8 %.

Trong những năm qua ở Quảng Nam các HTX đã tạo ra những khác biệt căn bản so với HTX kiểu cũ của thời kỳ bao cấp. HTX kiểu mới, quyền sở hữu về tư liệu sản xuất và tài sản góp vốn của xã viên đã được xác lập và được thừa nhận từ đó phát huy được tính tự chủ và trách nhiệm của xã viên trong việc quản lý, sử dụng tài sản chung của HTX. Cơ chế quan hệ quản lý trong HTX kiểu mới xác định các hộ xã viên là đơn vị kinh tế tự chủ, quan hệ giữa HTX và xã viên dựa trên nguyên tắc bình đẳng và tự nguyện cùng có lợi và cùng chịu rủi ro trong sản xuất kinh doanh. Xã viên HTX được tham gia quyết định công việc chung của HTX một cách bình đẳng, không phụ thuộc vào giá trị vốn góp. Hiện nay hầu hết các HTX đã kiện toàn tổ chức bộ máy tinh gọn, tăng cường về nguồn lực con người, cơ sở vật chất, trình độ công nghệ tiềm lực tài chính. Nhiều HTX đã thực hiện tốt phong trào “ HTX tiên phong trong xóa đói giảm nghèo xây dựng nông thôn mới” như HTX Nông nghiệp Đại Hiệp, HTX Điện Phước 1, HTX Duy Thành, HTX Đông Phú, HTX Duy Trinh, HTX Duy Sơn II… Các hợp tác xã ở Quảng Nam đang chuyển mình để thích ứng với xu thế phát triển của giai đoạn mới.

Theo ông Nguyễn Thanh Tài - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết, ở Quảng Nam có đến 81,4% dân cư sống ở nông thôn, trên 60% lao động nông - lâm - ngư nghiệp và số đông người dân nông thôn có cuộc sống phụ thuộc vào nguồn thu nhập bấp bênh từ nông nghiệp (tỷ lệ hộ nghèo 17% chủ yếu ở các vùng nông thôn, miền núi của tỉnh). Các HTX đã thực hiện tốt việc cung cấp các dịch vụ hỗ trợ kinh tế hộ phát triển, góp phần gia tăng sản lượng hàng hoá công nghiệp, nông, lâm, thuỷ sản, lương thực phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Đồng thời rất nhiều HTX đã huy động được các nguồn lực, mạnh dạn đầu tư đổi mới máy móc thiết bị, đổi mới công nghệ, đưa tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm mở rộng sản xuất, phát triển ngành nghề, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá đặc biệt trong nông nghiệp, nông thôn. Riêng năm 2010, mặc dù điều kiện còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng có đến 80% số HTX trong nông nghiệp và ngoài nông nghiệp có sự tăng trưởng khá toàn diện trong sản xuất kinh doanh, nhiều HTX hoạt động có hiệu quả cao.

Về những hạn chế của các HTX, ông Nguyễn Thanh Tài phân tích: Một số HTX chưa thực sự là chỗ dựa tin cậy cho phát triển kinh tế hộ của xã viên, chưa góp phần đắc lực trong xây dựng và phát triển nông nghiệp nông thôn (Quảng Nam có tới 1/3 số xã, phường của tỉnh không có HTX). Nhiều HTX do thiếu vốn, một số HTX thiếu chiến lược phát triển kinh doanh khả thi; việc phối hợp trợ giúp của các ngành các cấp chưa tích cực. 

Trong thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh Quảng Nam tập trung chỉ đạo công tác củng cố, đổi mới hợp tác xã cả về tổ chức, quản lý, nội dung và phương thúc hoạt động theo tinh thần Chỉ thị 42/2008/CT-TU của Tỉnh ủy và Nghị quyết 113/2008/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh nhằm hướng đến phát triển bền vững các mô hình kinh tế hợp tác xã phù hợp với nền kinh tế thị trường; xây dựng được các mô hình hợp tác xã mạnh trong những hợp tác xã thuộc diện khá - giỏi; tạo điều kiện cho nhiều hợp tác xã tăng cường đầu tư vào những ngành sản xuất có lãi lớn cho xã viên và tập thể; phát triển hợp tác xã công nghiệp chế biến và dịch vụ tiêu thụ sản phẩm; khuyến khích thành lập các Liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp, hợp tác xã trang trại, hợp tác xã hậu cần nghề cá và các mô hình mới như hợp tác xã dịch vụ môi trường, hợp tác xã y tế, hợp tác xã tiêu thụ sản phẩm cho người nghèo, hợp tác xã trồng rừng gắn với bảo vệ môi trường…

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực