Quảng Nam: Tập trung quảng bá sản phẩm OCOP

Thứ hai, 28/12/2020 11:30
(ĐCSVN) – Để hỗ trợ cho Chương trình mỗi xã một sản phẩm, các cấp chính quyền từ tỉnh đến các huyện, thành phố trên địa bàn Quảng Nam cũng tập trung triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm.
 Quang cảnh Hội nghị.

Sáng 28/12, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm triển khai thực hiện Đề án “Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2018-2020”; đồng thời triển khai kế hoạch tiếp tục thực hiện Đề án trên giai đoạn 2021-2025.

Thông tin tại Hội nghị cho biết, đến nay sau gần 3 năm thực hiện Đề án “Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2018-2020”, Quảng Nam đã bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ. Trong đó, số lượng sản phẩm dự kiến được công nhận đạt 3 sao trở lên giai đoạn 2018-2020 là 210 sản phẩm, đạt 91,30 % so với mục tiêu của Đề án là 230 sản phẩm.

Theo UBND tỉnh Quảng Nam, số sản phẩm thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được công nhận phân theo nhóm ngành, gồm: Thực phẩm 157 sản phẩm; đồ uống 12 sản phẩm, thảo dược 16 sản phẩm; vải và may mặc 4 sản phẩm; lưu niệm, nội thất và trang trí 20 sản phẩm; dịch vụ du lịch nông thôn và điểm du lịch 01 sản phẩm.

Phân theo hạng sao, số sản phẩm tiềm năng 5 sao 1 sản phẩm, sản phẩm 4 sao 23 sản phẩm và sản phẩm 3 sao 186 sản phẩm.

Tham gia vào thực hiện chương trình trên trong 3 năm qua, toàn tỉnh có 231 chủ thể đăng ký tham gia theo kế hoạch triển khai của UBND tỉnh. Trong đó, số lượng chủ thể có sản phẩm được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP là 189 chủ thể (bao gồm: 65 Hợp tác xã, 30 doanh nghiệp vừa và nhỏ, 6 tổ hợp tác, 88 hộ gia đình sản xuất kinh doanh). Đồng thời, có 50 hợp tác xã, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất được củng cố, kiện toàn khi tham gia  OCOP và có 43 hợp tác xã, doanh nghiệp được phát triển mới (vượt 55,00 % so với mục tiêu của Đề án).

Đến cuối năm 2019, doanh thu trung bình của sản phẩm OCOP, đạt 649 triệu/sản phẩm/năm, lợi nhuận đạt 181 triệu/sản phẩm/năm. Tổng doanh thu của các sản phẩm (106 sản phẩm) đạt 68,8 tỷ/năm (tăng 31,8% so với trước khi tham gia  OCOP), lợi nhuận đạt 19,2 tỷ /năm (tăng 34,0% so với trước khi tham gia OCOP).

Để hỗ trợ cho chương trình, các cấp chính quyền từ tỉnh đến các huyện, thành phố trên địa bàn Quảng Nam cũng tập trung triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm; đồng thời xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Qua đó đã phát triển được 19 điểm, trung tâm OCOP ở cấp huyện; 12 điểm OCOP và 1 trung tâm OCOP (huyện Tiên Phước) được ngân sách nhà nước hỗ trợ; 1 trung tâm OCOP (huyện Tây Giang) do dự án Trường Sơn Xanh hỗ trợ; 1 điểm do Bộ Công Thương hỗ trợ.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, việc triển khai thực hiện OCOP giai đoạn 2018-2020 tại Quảng Nam vẫn còn những tồn tại, hạn chế: Nhận thức ở một số cấp ủy, chính quyền địa phương có lúc, có nơi còn chưa thật sự sâu sắc; việc triển khai chu trình OCOP thường niên có nơi chưa đảm bảo; hồ sơ đánh giá, phân hạng chưa được cải tiến, chưa áp dụng công nghệ trong đánh giá, lưu trữ hồ sơ; công tác xúc tiến thương mại OCOP còn chưa mạnh; sản phẩm 3 sao OCOP là phổ biến, sản phẩm 4 sao chưa nhiều, sản phẩm 5 sao mới được 1 sản phẩm trình về Trung ương đánh giá, phân hạng; công tác phát triển hệ thống các đối tác tư vấn OCOP còn chưa mạnh…

Hội nghị đã xác định nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung trong giai đoạn 2021-2025 là tiếp tục đưa Chương trình OCOP trở thành một chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn và đô thị của Quảng Nam trong tiến trình thực hiện xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng thời, tiếp tục củng cố, nâng cấp hơn 200 sản phẩm OCOP đã có từ năm 2018-2020, phát triển mới ít nhất 200 sản phẩm (tập trung vào đa dạng hóa, chế biến sâu theo chuỗi các sản phẩm chủ lực cấp huyện, tỉnh và các sản phẩm thế mạnh khác). Đến năm 2025, mỗi xã có tối thiểu/bình quân 2 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên; có ít nhất 5 sản phẩm chủ lực cấp tỉnh, đạt 5 sao, phát triển theo chuỗi giá trị, liên kết chặt chẽ, quy mô lớn và ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản trị chất lượng, tham gia thị trường xuất khẩu; doanh số bán hàng OCOP đạt trên 300 tỉ đồng, gấp trên 4 lần so với năm 2020; lợi nhuận đạt trên 80 tỉ đồng.

Phát triển mới ít nhất 80 tổ chức kinh tế tham gia OCOP; duy trì tốt chu trình OCOP thường niên; có hệ thống xúc tiến và quảng bá sản phẩm OCOP Quảng Nam; phát triển thương hiệu OCOP Quảng Nam…/.

Tin, ảnh: Đình Tăng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực