Những năm qua, đặc biệt là năm 2016, Du lịch Quảng Nam tiếp tục khẳng định là ngành kinh tế mũi nhọn, thế mạnh của địa phương.
Gắn liền với những khắc nghiệt do thiên tai mang lại, lịch sử phát triển của Quảng Nam từ sau ngày giải phóng (29/3/1975) đến nay cũng có nhiều thăng trầm nhưng không ít vinh quang, ngọt ngào bởi thành quả phấn đấu, nỗ lực không mệt mỏi của các cấp uỷ đảng, chính quyền và người dân “Xứ Quảng” này. Đặc biệt, trong thời gian 20 năm Quảng Nam được tái lập sau sự kiện chia tách với Đà Nẵng (1/1/1997), người Quảng Nam hiện đang sống, làm việc tại quê nhà hay đang mưu sinh, học tập, công tác ở các nơi phương xa cũng đều tự hào về những bước chuyển mình đầy ấn tượng của quê hương.
Tại buổi họp báo thông tin tình hình kinh tế - xã hội cuối năm 2016 vừa qua, phát biểu với báo giới, đồng chí Đinh Văn Thu, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã tự hào khẳng định: “Quảng Nam bây chừ (bây giờ) không còn nghèo khó như xưa đâu! Hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội đang phát triển khá đồng bộ, đều khắp giữa đồng bằng và miền núi, giữa cánh Tây với cánh Đông của tỉnh. Ngoài tuyến Quốc lộ 1A đang được mở rộng, tuyến đường ven biển, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đoạn qua Quảng Nam, đường Hồ Chí Minh từ Đà Nẵng đi Kon Tum qua Quảng Nam, sân bay Chu Lai, ga Tam Kỳ…. đang được đầu tư, mở rộng và từng bước phát huy vai trò là “huyết mạch” thúc đẩy nền kinh tế - xã hội của Quảng Nam phát triển. Cùng với các tuyến giao thông quan trọng này, hàng trăm km đường bê-tông nối các khu dân cư, các khu công nghiệp, khu kinh tế, nhà máy sản xuất với các vùng cung cấp nguyên-nhiên liệu cũng như nơi tiêu thụ…. đang thực sự mở ra hướng phát triển mạnh mẽ, liên tục cho các vùng, miền của Quảng Nam”.
Cũng theo lời của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, khi Quảng Nam mới chia tách (1997), tỉnh chỉ là địa phương thuần nông, nguồn lực cho đầu tư phát triển gần như không có. Khi ấy, toàn tỉnh có 15 huyện, thị và ngân sách thu về chỉ vỏn vẹn hơn 127 tỷ đồng. “Với 127 tỷ đồng thu này thì chỉ riêng việc lo cho cái ăn, cái mặc của dân đã khó trong khi phải làm đường giao thông, xây trường học, xây bệnh viện, nhà văn hoá… - những nhu cầu cũng hết sức bức thiết mà cấp uỷ, chính quyền các cấp của tỉnh phải đau đầu vét óc suy nghĩ, trăn trở nhằm tìm hướng giải quyết. Và rồi, một quyết sách táo bạo đó là tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang phát triển công nghiệp, xây dựng và dịch vụ đã được Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đưa ra bàn thảo cùng nhiều cuộc hội thảo để lấy ý kiến các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học trước khi đưa vào Nghị quyết Đảng bộ tỉnh năm 2000. Hồi đó, đã không ít ý kiến tỏ ra nghi ngờ về quyết sách này nhưng với quyết tâm chính trị và sự đoàn kết, thống nhất đồng thuận của các cấp, các ngành và nhân dân toàn tỉnh, đến nay Quảng Nam đã chứng minh tính đúng đắn của sự chuyển hướng quan trọng này. Hiện tại, cùng với 2 khu công nghiệp lớn là Điện Nam - Điện Ngọc và Chu Lai, hơn 16 cụm công nghiệp vừa và nhỏ trải đều khắp các huyện, thị trên địa bàn tỉnh mỗi năm đóng góp vào ngân sách từ 17 đến 18.000 tỷ đồng. Riêng khu phức hợp Nhà máy ô tô Trường Hải mỗi ngày đóng góp vào ngân sách đến 30 tỷ đồng. Điều này cũng đồng nghĩa là mỗi năm Trường Hải đóng góp cho ngân sách tỉnh Quảng Nam khoảng 10.950 tỷ đồng”- đồng chí Đinh Văn Thu cho biết.
Thông tin thêm về tình hình phát triển kinh tế-xã hội của Quảng Nam trong 20 năm sau ngày tái lập tỉnh, đồng chí Nguyễn Hồng Quang, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: Trong những năm đầu tái lập tỉnh (1997- 2000), trong khi tập trung ổn định hệ thống cơ quan hành chính; tác động của khủng hoảng tài chính khu vực, lại liên tiếp xảy ra thiên tai,… gặp rất nhiều khó khăn. Với sự giúp đỡ kịp thời của trung ương, nhân dân cả nước, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Nam đã nỗ lực vượt khó, ổn định và phát triển kinh tế, từng bước cải thiện đời sống nhân dân: sản xuất nông nghiệp tăng trưởng ổn định, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu sản xuất; công nghiệp, du lịch đã có bước khởi sắc với việc hình thành khu công nghiệp đầu tiên (Điện Nam - Điện Ngọc); Khu Phố cổ Hội An và Khu Đền tháp Mỹ Sơn được UNESCO công nhận Di sản Văn Hoá thế giới, quảng bá và góp phần thúc đẩy phát triển du lịch; đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng, thu hút đầu tư các doanh nghiệp và đầu tư nước ngoài; thành lập trường Cao đẳng sư phạm Tỉnh, mở rộng mạng lưới trường học, y tế,… Kinh tế - xã hội của Tỉnh bắt đầu đi vào ổn định và đạt tốc độ tăng trưởng khá. Tổng sản phẩm trên địa bàn Tỉnh (GRDP) tăng bình quân thời kỳ này là 7,6%/năm (cả nước tăng bình quân gần 7%), trong đó khu vực nông lâm thuỷ sản tăng 2,4%/năm; khu vực CN-XD tăng 15,4%/năm; khu vực dịch vụ tăng 10,6%/năm. Qui mô nền kinh tế có bước phát triển đáng kể, giá trị GRDP năm 2000 tăng gấp hơn 1,2 lần so với năm 1997, trong đó khu vực nông lâm thuỷ sản tăng gấp 1,1 lần; khu vực CN-XD tăng gấp 1,5 lần và dịch vụ tăng gấp 1,3 lần. GRDP bình quân đầu người trong thời kỳ này tăng khá, năm 1997 đạt 2,2 triệu đồng/người/năm đến năm 2000 lên 3,1 triệu đồng/người/năm gấp hơn 1,4 lần và đạt mục tiêu đề ra.
Bước sang giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá (2001-2016), qui mô nền kinh tế Quảng Nam chuyển sang thời kỳ ổn định và phát triển bền vững. Tổng sản phẩm trên địa bàn tăng liên tục qua các năm, tốc độ tăng trưởng bình quân cả giai đoạn 2001-2016 là 12,32%/năm; trong đó khu vực Công nghiệp – Xây dựng tăng trưởng cao nhất bình quân 19,7%/năm, tiếp đến dịch vụ tăng 12,96%/năm. Mức đóng góp của các khu vực kinh tế vào tăng trưởng chung đã khẳng định vai trò của khu vực công nghiệp, dịch vụ đối với nền kinh tế địa phương.
Hiện nay, Khu Kinh tế mở Chu Lai với quả tim là Khu phức hợp sản xuất ô tô Trường Hải đang là điểm sáng của ngành công nghiệp Khu vực Kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước
Cùng với những chuyển biến tích cực trên, cơ cấu kinh tế của Quảng Nam trong thời kỳ này cũng đã có sự chuyển dịch khá nhanh theo hướng giảm dần tỷ trọng nông lâm thuỷ sản, tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp, dịch vụ. Trong 15 năm (2001-2016), tỷ trọng của khu vực Công nghiệp - Xây dựng đã không ngừng tăng lên: Năm 2001 chiếm 26,9%; năm 2006 chiếm 35,5%; năm 2010 chiếm 39,4%; năm 2016 chiếm 47,8%. Tỷ trọng khu vực nông lâm thuỷ sản giảm từ 40,1% (năm 2001) xuống 29% (năm 2006), năm 2010 (22,4%) và năm 2014 (17%), năm 2015 (15,6%), năm 2016 (14%); khu vực dịch vụ tăng từ 33% (năm 2001) lên 35,4 % (năm 2006), năm 2010 (38,2%), năm 2014 (41,9%), năm 2015 (38,6%), năm 2016 (38%).
Trong khi đó, các lĩnh vực văn hoá - xã hội đạt nhiều kết quả tích cực, toàn diện. Giáo dục đào tạo, phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và khoa học công nghệ phát triển khá: 3 trường Đại học, 6 trường Cao đẳng, 4 trường Chuyên nghiệp, hàng năm đào tạo gần 26 nghìn sinh viên, học sinh (tốt nghiệp gần 9 nghìn sinh viên, học sinh); bước đầu đã đáp ứng một phần nguồn nhân lực của tỉnh (đặc biệt nguồn nhân lực cho lĩnh vực giáo dục và y tế).
Mạng lưới y tế tuyến tỉnh nhanh chóng hoàn thiện, mở rộng quy mô bệnh viện đa khoa tỉnh, bệnh viện Đa khoa trung ương (450 giường bệnh), nâng cấp mở rộng các bệnh viện tuyến Tỉnh, huyện; xây dựng mới 5 bệnh viện tư nhân (trên 500 giường bệnh); hệ thống các trường học, y tế cơ sở (100% cấp xã có trạm y tế);…
Các lĩnh vực văn hoá, thông tin; thể dục thể thao; dân số, kế hoạch hoá gia đình, trẻ em được quan tâm thực hiện tốt. Tỉnh cũng đã đẩy mạnh đào tạo nghề giải quyết việc làm; đầu tư hạ tầng nông thôn, miền núi; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ các đối tượng chính sách, xã hội và giảm nghèo đáng kể. Thực hiện cải cách thủ tục hành chính; nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, quản lý điều hành của hệ thống chính quyền các cấp; đào tạo và nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ đã có bước trưởng thành vượt bậc; tăng cường quản lý, quyết liệt kiểm soát và bảo vệ tài nguyên; ứng phó hiệu quả với tác động của biến đổi khí hậu và phòng tránh thiên tai.
Một góc TP.Tam Kỳ- Đô thị loại 2 thuộc tỉnh Quảng Nam ngày nay
Với những chính sách hợp lý, giai đoạn 2001-2016 với mục tiêu đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đã mang lại những kết quả vượt bậc trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Nam; kinh tế tăng trưởng cao trên 2 con số (+12,3%), cơ cấu chuyển dịch theo hướng tích cực, quy mô kinh tế mở rộng nhanh chóng, hiệu quả đầu tư được cải thiện; bảo đảm an sinh xã hội, phát triển văn hoá xã hội, miền núi, giảm nghèo; chính trị xã hội ổn định, công tác đối ngoại được tăng cường.
Khẳng định những thành tựu đạt được qua 20 năm tái lập tỉnh, đồng chí Đinh Văn Thu, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhận định: Với tư duy sáng tạo, đoàn kết thống nhất, nỗ lực vượt qua khó khăn, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Nam đã tạo nên những chuyển biến, những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, củng cố vững chắc quốc phòng an ninh, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên ở tầm cao mới.
“Những thành công trong 20 năm sau ngày tái lập tỉnh đều bắt nguồn từ công sức của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Nam đã nỗ lực phấn đấu liên tục. Thành công đó cũng chính là thể và lực mới để Quảng Nam tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hoá – hiện đại hoá, tăng cường đầu tư khai thác tốt hơn tiềm năng hiện có, mở rộng hợp tác, liên kết khu vực và quốc tế, phát triển nhanh và năng động trong vùng kinh tế trọng điểm Miền Trung trong thời gian tới. Từ những thành công đã qua, Quảng Nam tự hào và với thế mới, lực mới, cán bộ và nhân dân toàn tỉnh quyết tâm phấn đấu xây dựng đưa quê hương cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 như tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XXI (nhiệm kỳ 2015-2020) đã xác định”- đồng chí Đinh Văn Thu, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chia sẻ thêm./.