Quyết liệt gỡ khó cho sản xuất, tiêu thụ nông sản các tỉnh phía Nam

Thứ ba, 27/07/2021 16:43
​(ĐCSVN) - Tổ Công tác 970 đề nghị các địa phương phía Nam công bố thời gian, sản lượng, chủng loại nông sản thu hoạch để tham gia mạnh mẽ vào các diễn đàn kết nối cung - cầu. Đồng thời, chỉ đạo ngành chức năng hỗ trợ tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến vận chuyển nguyên vật liệu, bố trí nhân công lao động... để đảm bảo mục tiêu vừa duy trì sản xuất vừa đáp ứng yêu cầu về phòng chống dịch.
 Hàng hóa nông sản, thực phẩm của nông dân Bình Định gửi tặng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (Nguồn ảnh: TTXVN)

Theo Tổ Công tác 970 (Tổ Công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố phía Nam trong điều kiện dịch COVID-19) của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cập nhật về nguồn cung cấp hàng hóa nông sản tại các tỉnh phía Nam, tính đến 15 giờ chiều ngày 26/7/2021, có tổng 414 đầu mối cung cấp nông sản và thực phẩm đăng kí với Tổ công tác của Bộ. Trong đó, gồm: rau củ 103 đầu mối; trái cây 107 đầu mối; thủy hải sản 159 đầu mối; lương thực 25 đầu mối; các mặt hàng khác 20 đầu mối.

Cho đến nay, nguồn cung dồi dào và có nhiều dấu hiệu dư thừa ở một số ngành hàng. Hiện các tỉnh đã triển khai tháo gỡ những khó khăn, do đó, lưu thông tạm ổn nên lượng hàng về các đầu mối tăng.

Dự báo nguồn cung tiếp tục tăng ở các nhóm sản phẩm: dưa leo, rau ăn lá, khoai lang tím, dứa, nhãn, chanh, cá nước ngọt và tôm nước mặn, thịt gà lông trắng,...Cụ thể, thống kê sản lượng cung ngày 25/7 của 388 đầu mối: Tôm nước mặn 1.983 tấn, nhãn 1.832 tấn, dưa leo 120 tấn, cá nước ngọt 620 tấn, khoai lang 596 tấn, chanh 243 tấn, rau ăn lá 185 tấn.

Triển khai kết nối tiêu thụ, trong ngày 26/7, Tổ Công tác đã hỗ trợ kết nối trên 28 đơn hàng gồm các sản phẩm: Xoài cát chu, rau ăn lá, thịt chim cút, cá nước mặn, các sản phẩm khô và mắm.

Hiện Tổ Công tác 970 đang phối hợp các địa phương xử lý các khó khăn khi người dân đi thu hoạch, vận chuyển hàng hóa và giúp một số tỉnh về phương pháp thống kê số liệu đầu mối kinh doanh nông sản. Tổ cũng đang phối hợp giải quyết các khó khăn liên quan đến: Xe vận chuyển đăng ký mã QR trên hệ thống của Bộ Giao thông vận tải bị treo 8 tiếng, chưa xử lý được; nhiều tỉnh, thành áp dụng hình thức hạn chế ra đường từ sau 18 giờ, trong khi đó, các mặt hàng đặc thù phải vận chuyển ban đêm như thịt heo, gà… gặp khó khăn.

Một số cơ sở nuôi trồng thủy sản, đặc biệt nuôi cá tra đang gặp vướng mắc ở khâu thu hoạch cá giống, cá thịt do cần phải tập trung số lượng công nhân vượt quá quy định của ngành y tế.

Bên cạnh đó, báo cáo của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam trong ngày 26/7 tới Tổ công tác cho biết, việc vận chuyển hàng hóa, thu mua mủ cao su tiểu điền gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó, giấy thông hành, giấy xét nghiệm âm tính trong vòng 3 ngày; lái xe từ thành phố Hồ Chí Minh về tới địa phương phải cách ly 21 ngày, khiến các đơn vị vận tải không dám vận chuyển.

Thực tế, vấn đề của ngành cao su cũng là vấn đề chung cần được giải quyết đối với nhiều ngành hàng khác khi được phản ánh qua Tổ công tác.

Trước tình hình thực tế trên, Tổ Công tác 970 của Bộ NN&PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phía Nam quan tâm triển khai những công việc cấp bách. Cụ thể, với lúa Hè Thu, các địa phương cần tạo điều kiện và tổ chức thu hoạch tập trung, giám sát, phân luồng phương tiện cơ giới hoạt động để thu hoạch thuận lợi.

Đối với cây ăn trái thu hoạch theo mùa, cập nhật và tổng hợp tình hình tại các địa phương, hỗ trợ doanh nghiệp và nhà vườn tuân thủ quy định, tổ chức thu hoạch nhanh, gọn và kết nối với nơi tiêu thụ.

Đối với rau, củ, quả, thực phẩm, kết hợp với thương lái, doanh nghiệp, siêu thị, cửa hàng tiện ích,… tại địa phương tiêu thụ. Riêng vùng nguyên liệu sản lượng lớn cần kết nối qua hệ thống phân phối trong tỉnh, ban ngành, doanh nghiệp và chủ động kết nối các doanh nghiệp cung ứng ngoài tỉnh.

Tổ Công tác cũng đề xuất các địa phương công bố thời gian, sản lượng, chủng loại thu hoạch để tham gia mạnh mẽ vào các diễn đàn kết nối cung - cầu. Quan tâm, động viên các doanh nghiệp và chỉ đạo tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 và giám sát việc tuân thủ mô hình sản xuất “3 tại chỗ”, “một cung đường – 2 địa điểm” theo nguyên tắc ưu tiên đảm bảo sức khỏe, tính mạng của người lao động là trước hết và trên hết theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Tổ Công tác 970 đề nghị các địa phương chỉ đạo ngành chức năng liên hệ từng doanh nghiệp đang gặp khó khăn trên địa bàn nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn về vận chuyển nguyên vật liệu, bố trí nhân công lao động duy trì sản xuất; hướng dẫn thực hiện các quy định về phòng chống dịch tại các doanh nghiệp để đảm bảo mục tiêu vừa duy trì sản xuất, đáp ứng yêu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, vừa đảm bảo các yêu cầu về phòng chống dịch. Đáng chú ý, ưu tiên hướng dẫn xét nghiệm và tiêm vắc-xin cho công nhân tại các nhà máy chế biến thủy sản, các đầu mối, thương lái thu gom thủy sản nhằm giảm việc đi lại, chi phí dịch vụ, góp phần duy trì sản xuất trước mắt và lâu dài, ổn định chuỗi sản xuất, chế biến và xuất khẩu thủy sản.

Tổ Công tác 970 đề nghị Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo để nắm bắt, đánh giá tình hình sản xuất, kinh doanh của các ngành hàng mang tính đặc thù như ngành cao su nhằm có những biện pháp tháo gỡ kịp thời. Đây là những ngành hàng có tỷ trọng xuất khẩu cao, lực lượng công nhân đông, địa bàn sản xuất trên nhiều tỉnh, nhà máy chế biến rải rác, không nằm trong các khu công nghiệp tập trung./.

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực