|
Sau sự cố bị sà lan va phải, cầu Tam Bạc đã được lực lượng chức năng sửa chữa xong và đưa vào sử dụng trở lại từ 10h45 ngày 7/7. (Ảnh: VNR) |
Ngày 8/7, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) có báo cáo gửi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và các cấp có thẩm quyền về sự cố phương tiện thủy va vào dàn chủ nhịp 2 cầu Tam Bạc (còn gọi là cầu Quay cũ, thành phố Hải Phòng) xảy ra tối ngày 6/7 vừa qua.
Trước đó, lúc 19h ngày 6/7, phương tiện vận tải đường thủy đã va vào nhịp 2 cầu Tam Bạc Km99+250 tuyến đường sắt Gia Lâm - Hải Phòng, gây hư hỏng kết cấu nhịp 2, nhịp 3 và đường sắt trên cầu, phải phong tỏa khu gian Thượng Lý - Hải Phòng để xử lý.
Trước thời điểm xảy ra sự cố khoảng 20 phút, đoàn tàu khách HHP2 do đầu máy 904 kéo 18 toa xe, trọng lượng 691 tấn, chở 474 hành khách, xuất phát tại Ga Hải Phòng. Tuy nhiên, sau khi tàu chạy qua cầu Tam Bạc mới xảy ra sự cố nên không có thiệt hại về người.
Sau khi nhận được thông tin về sự cố, VNR đã làm việc với cơ quan chức năng của TP. Hải Phòng, đồng thời tổ chức sửa chữa, khắc phục. Đến 10h45 ngày 7/7, cầu đường sắt Tam Bạc hoạt động bình thường trở lại.
Trước đó, cầu Tam Bạc cũng đã bị phương tiện vận tải đường thủy đâm va vào tháng 10/2020, gây hư hỏng kết cấu nhịp 2, nhịp 3 và đường sắt trên cầu. Sau sự cố này, VNR đã báo cáo và được Bộ Giao thông Vận tải cho phép thực hiện dự án sửa chữa, khắc phục các hư hỏng của cầu Tam Bạc.
Hiện tại, tình hình giao thông đường thủy tại cầu Tam Bạc đang diễn biến rất phức tạp, đe dọa trực tiếp đến an toàn công trình.
Để đảm bảo an toàn công trình đường sắt, an toàn giao thông vận tải đường sắt, đường thủy, phòng ngừa, ngăn chặn, tránh lặp lại các sự cố tương tự, VNR kiến nghị Bộ GTVT cho phép đơn vị phối hợp với Cục Đường sắt Việt Nam và các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát lại quy mô dự án sửa chữa cầu Tam Bạc để bổ sung (nếu có) các hạng mục công trình bị hư hỏng do sự cố ngày 6/7 vừa qua. Cùng với đó, kiến nghị lập dự án xây dựng cổng hạn chế chiều cao tại vị trí thượng và hạ lưu các cầu đường sắt bị hạn chế tĩnh không thông thuyền nói chung và cầu đường sắt Tam Bạc nói riêng để ngăn các phương tiện giao thông thủy không va trực tiếp vào cầu.