Sơn La: Sử dụng vốn vay tín dụng chính sách hiệu quả để thoát nghèo và làm giàu trên mảnh đất quê hương

Thứ hai, 21/09/2020 17:17
(ĐCSVN) – Trong hành trình 20 năm “chung tay xóa đói giảm nghèo” của Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) nói chung và Sơn La nói riêng, tính đến nay đã là thế hệ thứ ba vay và sử dụng nguồn vốn vay tín dụng chính sách. Họ là những người trẻ, có khát khao khẳng định bản thân và khát vọng làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.

Khác với thế hệ ông bà, bố mẹ mình, họ đã có sự thay đổi về tư duy và nhận thức về vay vốn, trả vốn, về kế hoạch sử dụng vốn vay và nhu cầu được tái sử dụng nguồn vốn vay sau khi đáo hạn để công cuộc thoát nghèo bền vững, thực sự bước chân vào con đường “làm giàu” cho gia đình, làng xóm và quê hương.

Đó là chia sẻ của ông Hoàng Xuân Trường, Giám đốc NHCSXH tỉnh Sơn La khi trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam nhân dịp đoàn công tác khảo sát về chất lượng của hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh những ngày trung tuần tháng 9/2020.

 Giám đốc NHCSXH tỉnh Sơn La Hoàng Xuân Trường (Ảnh: HNV)

Phóng viên (PV): Xin ông cho biết kết quả hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh trong suốt thời gian qua, đặc biệt là trong 8 tháng của năm 2020?

Giám đốc Hoàng Xuân Trường: Những năm gần đây, Sơn La có nhiều khởi sắc trong phát triển kinh tế - xã hội và là một trong những vùng đất có nhiều đổi thay từ nguồn vốn tín dụng chính sách. 

Có thể thấy, trong gần 20 năm qua, đặc biệt 8 tháng đầu năm 2020, dù gặp phải thời tiết nắng nóng, gay gắt, dịch bệnh COVID-19 tác động, nhưng với quyết tâm vượt mọi khó khăn, chủ động bám sát sự chỉ đạo của ngân hàng cấp trên và địa phương, toàn đơn vị vẫn dốc sức lực thực thi nhiệm vụ huy động, tạo lập được nguồn vốn lớn và tổ chức thực hiện hiệu quả 17 chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước, đáp ứng kịp thời, đầy đủ yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, giảm nghèo bền vững của địa phương và nhân dân.

Cụ thể, doanh số cho vay trong 8 tháng đầu năm 2020 ở Sơn La đạt 656 tỷ đồng, bằng 87,8% so với cùng kỳ năm 2019, doanh số thu nợ đạt trên 410 tỷ đồng bằng 106% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng dư nợ đến nay lên xấp xỉ 4.700 tỷ đồng với hơn 140.000 khách hàng còn dư nợ, đạt 98,8% kế hoạch năm và kéo số tiền nợ quá hạn xuống còn 0,08% tổng dư nợ.

Toàn bộ nguồn vốn do huy động, tạo lập được kể cả nguồn ngân sách từ UBND tỉnh, huyện ủy thác là 127 tỷ đồng, tăng 74 tỷ đồng bởi đơn vị đã triển khai tốt Chỉ thị 40 của Ban Bí thư TW Đảng về tín dụng chính sách xã hội. Những cán bộ tín dụng chính sách chẳng quản ngại suối sâu, đèo cao, thiên tai, dịch bệnh, bền bỉ chuyển tải nhanh chóng, an toàn về các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn ở 5 huyện nghèo 30a (Phù Yên, Bắc Yên, Mường La, Quỳnh Nhai, Sốp Cộp) và đến tận nơi ở của các đối tượng là hộ nghèo, gia đình đồng bào Thái, Tày, Mông, Dao… khắp địa bàn rộng lớn tại 12 huyện, thành phố với 204 xã, phường, thị trấn trực thuộc.

PV: Ông có thể chia sẻ rõ hơn về những thành quả mà nguồn vốn tín dụng chính sách đã mang lại cho mảnh đất Sơn La, thưa ông?

Giám đốc Hoàng Xuân Trường: Như đã đề cập ở trên, từ nguồn vốn tín dụng chính sách, thời gian qua đã có khoảng 17.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo ở Sơn La có điều kiện chủ động sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập tạo việc làm mới, xây dựng công trình nước sạch, nhà ở vững chắc; đầu tư chăn nuôi được 21.000 con trâu, bò; mở rộng, thâm canh 15.637 ha vườn cây ăn quả đặc sản như xoài, chanh leo lòng vàng, thanh long ruột đỏ. Đặc biệt, đồng vốn chính sách đã hỗ trợ các huyện nghèo và 112 xã đặc biệt khó khăn khai hoang, phục hóa 610 ha ruộng nước, 600 ha ruộng bậc thang, xây dựng mô hình chăn nuôi lợn thịt hướng nạc, nuôi cá lồng bè, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 35,44% năm 2016 xuống còn 29,7% năm 2019. Năm 2018, Sơn La còn có hai huyện là Phù Yên, Quỳnh Nhai thoát ra khỏi danh sách huyện nghèo 30a cũng có sự góp phần tích cực của nguồn vốn chính sách.

 Một phiên giao dịch tại điểm giao dịch xã Yên Sơn, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La

đầu tháng 9/2020 (Ảnh: HNV)

Đơn cử như Nậm Lạnh là xã biên giới của huyện Sốp Cộp, để thực hiện công tác giảm nghèo có hiệu quả, cấp ủy, chính quyền xã đã tích cực tuyên truyền để cán bộ, nhân dân nhận thức rõ và đúng về chính sách ưu đãi giảm nghèo của Đảng, Chính phủ, từ đó giúp hộ nghèo, gia đình đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn mạnh dạn vay vốn chính sách, sử dụng vốn vay cải tạo đất đồi, lập vườn trồng cây ăn quả và xây dựng các mô hình chăn nuôi đại gia súc. Nhờ đồng vốn chính sách, Nậm Lạnh chuyển đổi được 124 ha cây ăn quả, phát triển đàn trâu bò trên 4.300 con.

Hay cùng với Sốp Cộp, huyện Yên Châu cũng tích cực triển khai các biện pháp xóa đói giảm nghèo, trong đó chú trọng khích lệ nhân dân vay vốn, sử dụng vốn chính sách phát triển các loại xoài, thanh long, rau an toàn theo công nghệ Viet Gap. Với nguồn vốn hoạt động trên 360 tỷ đồng, NHCSXH tiếp sức cho miền đất đỏ Yên Châu nằm trong vùng động lực kinh tế của tỉnh phát huy thế mạnh nông, lâm nghiệp, tạo khí thế cho phong trào nông dân thi đua sản xuất giỏi sôi nổi và làm xuất hiện nhiều tấm gương tiên tiến về sử dụng vốn vay hiệu quả, thoát nghèo nhanh, làm giàu chính đáng.

Rồi cả với địa bàn Thuận Châu, huyện đã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội đến các tầng lớp nhân dân; quan tâm triển khai việc huy động nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội. Giai đoạn 5 năm (2015-2020), huyện Thuận Châu đã huy động được trên 1,5 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang Phòng Giao dịch NHCSXH huyện để cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn vay vốn phát triển sản xuất. Từ năm 2014 đến 6/2019, toàn huyện có 23.756 lượt hộ được vay vốn ưu đãi; trong đó, có 15.377 số hộ nghèo được vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất; 805 học sinh, sinh viên vay vốn để học tập; 702 lao động được vay, tạo công ăn việc làm mới; 576 hộ nghèo vay vốn làm nhà theo Chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở; 7.286 hộ gia đình được vay vốn để đầu tư xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh môi trường. Qua kiểm tra đánh giá, hầu hết các hộ vay đều đúng đối tượng và sử dụng đúng mục đích, phát huy được hiệu quả, góp phần tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống của người dân.

PV: Có thể thấy, công cuộc xóa đói giảm nghèo của tỉnh Sơn La đã đạt được những thành tựu to lớn với sự góp sức không kém phần quan trọng của nguồn vốn tín dụng chính sách. Vậy, trong thời gian tới, NHCSXH sẽ tiếp tục đồng hành như thế nào với bà con nông dân trên địa bàn tỉnh, thưa ông?

 Vốn tín dụng chính sách giúp nhiều hộ gia đình trên địa bàn tỉnh có đời sống ấm no, sung túc (Ảnh: HNV)

Giám đốc Hoàng Xuân Trường: Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Sơn La đã đánh giá cao hoạt động của NHCSXH và tầm quan trọng của nguồn vốn tín dụng chính sách trong công cuộc chung tay góp phần “xóa đói giảm nghèo” của tỉnh trong suốt thời gian qua. Tới đây, chúng tôi, toàn hệ thống tín dụng chính sách từ cấp tỉnh xuống các cấp cơ sở sẽ vẫn quyết tâm nỗ lực, nêu cao tinh thần trách nhiệm, cùng các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh tiếp tục đảm bảo 100% hộ nghèo và các đối tượng chính sách có đủ điều kiện và nhu cầu đều được tiếp cận thuận lợi với các sản phẩm, dịch vụ của NHCSXH.

Ngoài hoạt động hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn Sơn La, NCHSXH Sơn La còn cử cán bộ tăng cường để thực hiện củng cố chất lượng hoạt động tại Phòng giao dịch NHCSXH huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) theo chỉ đạo của NHCSXH Trung ương. Theo đó, chúng tôi đã cử 6 đồng chí vào hoạt động tăng cường cơ sở, trong đó có 1 giám đốc Phòng Giao dịch, 1 Tổ trưởng tín dụng và 4 cán bộ tín dụng, bắt đầu tăng cường từ tháng 7/2019 với nhiệm vụ thực hiện củng cố chất lượng tín dụng, bước đầu đã thu về kết quả bước đầu đáng khích lệ. Các hộ vay đã tham gia sinh hoạt Tổ Tiết kiệm và vay vốn, thực hiện quy chế của Tổ, thường xuyên, tham gia tích cực vào các hoạt động của tổ chức Hội nhận ủy thác (Nông dân, Phụ nữ, Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên), tăng trưởng tín dụng đạt 4,6%, chất lượng tín dụng thay đổi theo chiều hướng tích cực, người dân đã vay vốn và trả lãi, trả gốc theo cam kết, người dân thực sự có nhu cầu vay vốn để thoát nghèo...

Thêm vào đó, tiếp tục phát huy các thuận lợi đã có từ trước để chất lượng tín dụng và tăng trưởng tín dụng chính sách ngày càng hiệu quả, bền vững. Đó là: Tranh thủ sự ủng hộ và hoạt động sát sao của Ban đại diện tỉnh với các điều chỉnh hợp lý trên từng địa bàn của tỉnh, yêu cầu nhân rộng các mô hình sản xuất kinh doanh giỏi của tỉnh từ nguồn vốn tín dụng chính sách, giao cho 4 tổ chức hội nhận ủy thác của NHCSXH hàng năm tổng kết mô hình để chia sẻ kinh nghiệm, đưa ra các bài học từ đó nghiên cứu phương thức, cách làm hiệu quả. Song song đó là siết chặt sự gắn kết giữa các Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn với các hộ vay, xem nhau như người nhà của nhau để vừa tạo sự yên tâm, tín nhiệm vừa kiểm tra, giám sát nguồn vốn vay và hoạt động vay vốn của các hộ. Bên cạnh đó là sự thuận tiện và tiếp cận các thủ tục vay vốn dễ dàng cũng như sự đoàn kết, thống nhất, chung sức chung lòng của tất cả các cấp NHCSXH từ cơ sở lên tỉnh trong quá trình triển khai các chương trình.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông và mong hiệu quả của các chương trình tín dụng chính sách sẽ ngày càng được mở rộng, tăng cường trên địa bàn tỉnh./.

 

 

Lê Anh (thực hiện)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực