Tăng cường kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông

Chủ nhật, 11/10/2020 09:54
(ĐCSVN) - Thông tin với Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, đại diện lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) cho biết, tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia về công tác kiểm soát tải trọng xe (KSTTX), các Sở Giao thông vận tải (GTVT), các Cục Quản lý đường bộ (QLĐB) đã và đang tích cực chủ động thực hiện công tác KSTTX.

Giảm mạnh vi phạm nhờ cân tự động

Nổi bật trong tháng vừa qua, các Trạm KTTTX lưu động, cố định, Thanh tra các Sở GTVT và Công chức Thanh tra các Cục QLĐB sử dụng cân xách tay đã tiến hành kiểm tra 12.907 xe, trong đó có 1.306 xe vi phạm, tước 464 giấy phép lái xe, xử phạt nộp kho bạc nhà nước 14,68 tỷ đồng.

Đặc biệt, bộ cân KTTTX tự động tại Km78+830/QL.1, TP. Hải Phòng đã cân cân kiểm tra tổng số 153.626 xe tải, trong đó có 298 xe (0,19%) vi phạm vượt khối lượng toàn bộ mức bị xử phạt theo quy định.

So sánh với kết quả của 7 tháng đầu năm, tổng số xe tải cân kiểm tra là 534.603 xe, trong đó có 36.881 xe (6,9%) vi phạm vượt khối lượng toàn bộ mức bị xử phạt theo quy định.

 Lực lượng thanh tra giao thông tiến hành cân tải trọng phương tiện.

Đánh giá về công tác đảm bảo KSTTX trong tháng 9 năm, ông Nguyễn Văn Huyện cho biết, đa số các địa phương tiếp tục bố trí lực lượng, kinh phí, duy trì hoạt động của các Trạm KTTTX lưu động, đồng thời lực lượng Thanh tra giao thông các Sở GTVT, Công chức Thanh tra các Cục QLĐB duy trì công tác KSTTX bằng cân xách tay, đã đạt được những kết quả khả quan, góp phần bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, an toàn giao thông, ngăn chặn tình trạng xe quá tải tái diễn trở lại;

Đối với bộ cân KTTTX tự động tại Km78+830/QL.1, TP. Hải Phòng, trong 52 ngày đầu đưa bộ cân vào hoạt động, số xe vi phạm mức bị xử phạt đã giảm 36 lần (từ 6,9% của 7 tháng đầu năm 2020 xuống còn 0,19%); Số xe vi phạm theo ngày đã giảm bình quân từ 176 xe/ngày xuống còn gần 5,7 xe/ngày.

Tuy nhiên, do lực lượng Thanh tra giao thông còn mỏng, phải thực hiện nhiều nhiệm vụ khác của địa phương, Thanh tra giao thông các Sở GTVT chỉ KSTTX trên các quốc lộ được ủy quyền quản lý và đường địa phương nên tình trạng xe quá tải vẫn tiếp diễn, lưu thông trên các quốc lộ và một số đường địa phương nơi có các mỏ vật liệu xây dựng, các dự án xây dựng, san lấp mặt bằng, nhà máy xi măng, khu công nghiệp…, tình trạng xe sang tải, dồn tải xung quanh khu vực các cảng nhỏ, bến thủy nội địa...;

Qua theo dõi và phản ánh của các cơ quan thông tin, báo chí và người dân về đường dây nóng của Tổng cục ĐBVN, tình trạng xe quá tải đã tái diễn trở lại và ngày càng gia tăng, tình trạng xe cơi nới kích thước thành thùng để chở hàng quá tải, lưu thông công khai trên một số quốc lộ, đường đô thị và đường địa phương đã tái diễn, gây hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông, mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường.

Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp

Về các giải pháp trong thời gian tới, Tổng cục ĐBVN đã đề nghị đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động chỉ đạo công tác phối hợp giữa các lực lượng Công an, Thanh tra giao thông, ngoài việc thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 32/CT-TTg về việc tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông. Đề nghị UBND các tỉnh, thành phố có nhiều xe quá tải lưu thông nêu trên chỉ đạo các lực lượng chức năng, các ngành, các cấp phối hợp xử lý, không để tái diễn tình trạng xe quá tải.

Tổng cục ĐBVN cũng đề nghị các địa phương tiếp tục tổ chức và triển khai công tác KSTTX trên địa bàn theo Chỉ thị số 03/CT-BGTVT ngày 12/3/2020 của Bộ GTVT, bố trí lực lượng, kinh phí, duy trì hoạt động của các Trạm KTTTX lưu động và sử dụng cân xách tay để thực hiện công tác KSTTX phù hợp với tình hình xe quá tải trên địa bàn; Ban An toàn giao thông cấp tỉnh chỉ đạo áp dụng biện pháp KSTTX ngay từ đầu nguồn hàng; đồng thời đề nghị UBND các địa phương chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu, đầu tư lắp đặt các Trạm KTTTX tự động như mô hình Trạm KTTTX do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ, lắp đặt trên QL.5, TP. Hải Phòng.

Các Sở GTVT, các Cục QLĐB cần chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông, Công chức Thanh tra: Tăng cường phối hợp với các Sở, ngành, UBND cấp huyện của địa phương, kiểm tra tại các cơ sở đầu nguồn hàng như các cảng, bến thủy nội địa, nhà máy, xí nghiệp trong các khu công nghiệp, các mỏ đá, mỏ vật liệu xây dựng, nhà máy xi măng... và trên các tuyến đường có nhiều xe quá tải lưu thông, đặc biệt là vào ban đêm; Thanh tra các Sở GTVT chủ động phối hợp với Công chức Thanh tra các Cục QLĐB để nâng cao hiệu quả công tác KSTTX.

Đồng thời, các Sở GTVT, các Cục QLĐB cần phối hợp với các cảng kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp không có Giấy phép lưu hành xe hoặc sử dụng Giấy phép lưu hành xe giả, sử dụng sà lan để đưa hàng siêu trường, siêu trọng ra khỏi cảng, sang tải, dồn tải, lưu thông trên đường bộ, đặc biệt là các cảng nhỏ, bến thủy nội địa tại TP. Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh; tăng cường kiểm tra các xe chở hàng siêu trường, siêu trọng không có Giấy phép lưu hành xe lưu thông trên các tuyến đường.

Mặt khác, Tổng cục ĐBVN đề nghị Sở GTVT, các Cục QLĐB tăng cường kiểm tra, xử lý các loại xe tải, sơmi rơmooc tự đổ, cơi nới thành thùng để chở hàng quá tải; tổng hợp các xe có kích thước thùng hàng vượt quá quy định gửi về Cục Đăng kiểm Việt Nam để xử lý theo quy định; Tăng cường quản lý, chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông nâng cao tinh thần trách nhiệm trong khi làm nhiệm vụ, nâng cao hiệu quả công tác; phòng ngừa sai phạm trong khi làm nhiệm vụ;...

Tổng cục ĐBVN cũng đề nghị Cục Đăng kiểm Việt Nam chỉ đạo các Trung tâm Đăng kiểm kiểm tra, rà soát các xe đầu kéo kéo theo sơmi rơ moóc được gắn bộ ben thủy lực và thùng hàng kiểu container 40 feet để chở hàng quá tải.

Tin, ảnh: Kim Cương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực