Tăng diện tích lúa để nắm bắt thời cơ xuất khẩu gạo

Thứ ba, 01/08/2023 22:12
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Nhằm nắm bắt cơ hội xuất khẩu gạo đang rất thuận lợi hiện nay, ông Nguyễn Như Cường – Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, hiện nay, đã bố trí nâng diện tích sản xuất lúa vụ Thu Đông tại Đồng bằng sông Cửu Long từ 650.000 ha nâng lên 700.000 ha. Dự kiến sản lượng lúa năm nay sẽ đạt trên 43 triệu tấn lúa, kỳ vọng xuất khẩu gạo vượt kỷ lục năm ngoái.
 Tăng diện tích lúa vụ Thu Đông vùng Đồng bằng sông Cửu Long để nắm bắt thời cơ tăng tốc xuất khẩu gạo (Ảnh: B.T)

Trước những biến đổi liên tục về tình hình xuất khẩu gạo trong thời gian gần đây trên thế giới như việc Nga chính thức rút khỏi Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen; Ấn Độ và UAE tạm dừng xuất khẩu gạo,…đang tạo cơ hội cho xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Như Cường – Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, theo kế hoạch năm 2023, chúng ta gieo cấy 7,1 triệu ha lúa với sản lượng khoảng trên 43 triệu tấn. Cho đến thời điểm này, qua công tác kiểm tra tại các tỉnh Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung bộ, Đồng bằng sông Cửu Long, Tây nguyên cho thấy sinh trưởng phát triển của cây lúa tốt.

Theo ông Nguyễn Như Cường, nếu như không có điều kiện thời tiết bất thường như: mưa, bão hoặc dịch bệnh trên diện rộng, vụ Hè Thu, vụ Mùa năm nay sẽ là năm được mùa kỷ lục. Mục tiêu đạt trên 43 triệu tấn về sản lượng hoàn toàn có thể đạt được.

Để đạt được điều này, ông Nguyễn Như Cường cho hay, từ bây giờ đến trong vòng 3 tháng, về phía cơ quan quản lý chuyên môn, Cục Trồng trọt đang phối hợp cùng với Cục Bảo vệ thực vật, Cục đê điều và Phòng chống thiên tai, Cục Thủy lợi,…làm việc với các địa phương kiểm tra, đánh giá quá trình sinh trưởng phát triển của cây lúa, nguồn nước, các giải pháp ứng phó cũng như chuẩn bị kế hoạch sản vụ Đông Xuân 2023-2024.

Nhận định hiện nay, ngành hàng lúa gạo đang có điều kiện rất thuận lợi để tăng tốc xuất khẩu, ông Nguyễn Như Cường cho biết: “Nhằm nắm bắt thời cơ, chúng tôi đã bố trí nâng diện tích sản xuất vụ Thu Đông tại Đồng bằng sông Cửu Long, theo kế hoạch ban đầu từ 650 nghìn ha nâng lên 700 nghìn ha. Đây là thời cơ cho xuất khẩu gạo của chúng ta, nếu không tranh thủ, chúng ta sẽ bỏ lỡ”.

Ông Nguyễn Như Cường cũng nhấn mạnh, nếu như năm ngoái, sản lượng lúa của chúng ta đạt 42,7 triệu tấn, xuất khẩu đạt 7,13 triệu tấn gạo thì năm nay, dự kiến sản lượng sẽ đạt từ 43,1-43,2 triệu tấn, có kịch bản còn dự báo sẽ đạt hơn, kỳ vọng chúng ta sẽ xuất khẩu gạo vượt kỷ lục năm ngoái.

Trước những biến động của thị trường gạo thế giới, để khẳng định vai trò quan trọng, giữ vững vị thế và uy tín của ngành hàng gạo Việt Nam trong chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu và góp phần đảm bảo an ninh lương thực của thế giới theo các cam kết của Việt Nam, Bộ NN&PTNT đã có Tờ trình số 5146/TTr-BNN-VP gửi Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác xuất khẩu gạo trong tình hình mới.

Theo đó, nội dung của Chỉ thị là những nhiệm vụ cụ thể của các Bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội Lương thực Việt nam và những vấn đề cần tập trung chỉ đạo quyết liệt nhằm về tăng cường công tác xuất khẩu gạo trong bối cảnh hiện nay.

Cụ thể, Bộ NN&PTNT theo dõi, dự báo và nắm chắc tình hình sản xuất, tăng cường phòng chống sinh vật gây hại, chủ động ứng phó với các diễn biến bất lợi của thời tiết để bảo vệ an toàn các vụ sản xuất đảm bảo mục tiêu 43 triệu tấn lúa của năm 2023. Chỉ đạo các địa phương bám sát đồng ruộng, tổ chức sản xuất đúng theo các hướng dẫn kỹ thuật để đảm bảo năng suất, sản lượng theo kế hoạch.

Đồng thời, chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương có liên quan xử lý kịp thời các rào cản kỹ thuật để đảm bảo tăng khối lượng và mở rộng thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam. Chỉ đạo các cơ quan kiểm dịch thực vật tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc xuất khẩu gạo, giảm tối đa thời gian kiểm tra, hoàn tất thủ tục trên cơ sở đảm bảo tuân thủ đúng quy định của Việt Nam và nước nhập khẩu.

Bộ Công Thương tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu gạo trên cơ sở theo dõi chặt chẽ và dự báo sát tình hình xuất, nhập khẩu; nhu cầu tiêu thụ; giá cả lương thực trong khu vực và trên thị trường thế giới để có các biện pháp chủ động, linh hoạt điều tiết việc kinh doanh, xuất nhập khẩu gạo để đảm bảo nâng cao hiệu quả xuất khẩu.

Cùng với đó, chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan củng cố các thị trường truyền thống, chủ lực, tận dụng tối đa lợi thế của các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết để gia tăng giá trị xuất khẩu. Phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ NN&PTNT chủ động đàm phán để đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, tận dụng cơ hội chiếm lĩnh các thị trường mới, tiềm năng để tăng cường tính cạnh tranh cho ngành hàng gạo Việt Nam. Kịp thời phối hợp với các cơ quan liên quan hỗ trợ, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong nhập khẩu các nguyên liệu đầu vào phục sản xuất nông nghiệp như giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật … để đảm bảo các điều kiện sẵn sàng cho sản xuất.

Đối với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn theo dõi, bám sát đồng ruộng; chủ động và linh hoạt trong điều hành sản xuất lúa gạo đảm bảo đạt và vượt các mục tiêu năng suất, sản lượng theo kế hoạch trên cơ sở tuân thủ đúng các quy định kỹ thuật và an toàn thực phẩm của Việt Nam cũng như nước nhập khẩu. Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn trong sản xuất, kinh doanh lúa gạo. Chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền để tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc trong sản xuất lúa gạo đảm bảo việc sản xuất, lưu thông, xuất khẩu gạo được thông suốt. Chủ động nắm bắt tình hình, thông tin mới, ứng phó kịp thời với các tình huống phát sinh tại địa phương để thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu gạo.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam chủ động nắm bắt các thông tin về thị trường lúa gạo thế giới, nhu cầu và năng lực của các thương nhân xuất, nhập khẩu gạo để thông tin kịp thời đến cơ quan quản lý nhà nước có liên quan và cộng đồng sản xuất, kinh doanh lúa gạo tại Việt Nam. Tích cực tham gia, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại ngành hàng gạo, đặc biệt là đối với các thị trường quốc tế để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, tăng kim ngạch và nâng cao lợi thế cạnh tranh của ngành hàng gạo Việt Nam./.

B.T

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực