Tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng cho ngành thép

Thứ hai, 15/07/2024 15:53
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang tiến hành mở rộng điều tra và áp dụng các biện pháp chống bán phá giá đối với thép cuộn cán nóng (HRC) từ Trung Quốc khi xu hướng nhập khẩu HRC tăng cao đe dọa sản xuất trong nước. Không ngoại lệ, việc điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại của Việt Nam đã góp phần bảo vệ, tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng cho ngành sản xuất thép trong nước.
Nhu cầu thép cuộn cán nóng tại Việt Nam khoảng 12 - 13 triệu tấn/năm (Ảnh: VSA)

Tràn lan thép giá rẻ nhập khẩu

Trong suốt các tháng 4 và 5, dù liên tục phải thực hiện giảm giá song các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước vẫn đối diện những khó khăn từ áp lực cạnh tranh quá lớn cả về số lượng và giá cả của thép nhập khẩu, nhất là lượng thép HRC Trung Quốc.

Dẫn số liệu mới nhất do cơ quan Hải quan công bố mới đây, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) Nghiêm Xuân Đa đã lên tiếng cảnh báo việc nhập khẩu thép HRC có sự gia tăng mạnh khiến các nhà sản xuất thép Việt Nam đối diện với nguy cơ mất thị trường trong nước. Cụ thể, theo số liệu thống kê của ngành Hải quan, tháng 4/2024, lượng thép HRC nhập khẩu vào Việt Nam đạt mức 890.000 tấn, gấp 1,5 lần lượng sản xuất của các doanh nghiệp tại Việt Nam.

Tiếp đó, chỉ trong tháng 6/2024, Việt Nam đã nhập khẩu 886.000 tấn thép HRC, bằng 151% lượng thép được sản xuất bởi các doanh nghiệp trong nước. Đặc biệt, lượng thép được nhập khẩu có nguồn gốc từ Trung Quốc có tỷ lệ lớn, chiếm 77%. Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2024, sản lượng thép HRC nhập khẩu lên đến gần 6 triệu tấn, tăng 32% so cùng kỳ năm 2023. Tính ra, lượng nhập khẩu này bằng 173% so sản xuất trong nước. Trong đó, lượng thép nhập về từ Trung Quốc chiếm 74%, còn lại là từ Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và các nền kinh tế khác. Giá trị kim ngạch nhập khẩu thép HRC 6 tháng đạt 3,46 tỷ USD, riêng thép HRC nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm 2,5 tỷ USD.

Đại diện VSA cho rằng, trong 6 tháng đầu năm 2024, lượng thép HRC nhập khẩu vẫn tiếp tục tăng mạnh, gấp 1,7 lần sản xuất trong nước, là vấn đề rất đáng báo động.

Còn theo đại diện của một số doanh nghiệp sản xuất thép trong nước, việc thép nhập khẩu tiếp tục vào Việt Nam với số lượng lớn, nhất là loại thép HRC, mà không phải chịu bất kỳ biện pháp phòng vệ thương mại nào là một nghịch lý. Chưa kể, xu hướng thép nhập khẩu từ Trung Quốc có dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh về giá. Với mặt hàng thép HRC, giá nhập khẩu thép HRC từ Trung Quốc luôn thấp hơn giá bình quân so các thị trường khác từ 45 - 108 USD/tấn. Cụ thể, giá nhập khẩu bình quân thép HRC từ Trung Quốc trong tháng 6/2024 là 560 USD/tấn. Nếu so sánh riêng với thép HRC nhập từ Hàn Quốc, thép HRC nhập khẩu từ Trung Quốc thấp hơn đến 123 USD/tấn.

Đây cũng là lý do mà không ít doanh nghiệp sản xuất thép cho rằng, gia tăng nhập khẩu thép, chắc chắn ngành sản xuất trong nước sẽ gặp khó, từ đó không tự chủ được sản xuất các sản phẩm hạ nguồn khác. Thép HRC là nguyên liệu thượng nguồn sản xuất các sản phẩm tôn thép mạ kẽm, mạ lạnh, mạ màu, ống thép, các sản phẩm thép khác được sử dụng trong nhiều ứng dụng của ngành xây dựng, cơ khí và các ngành công nghiệp khác.

Trong khi đó, theo phân tích của VSA, nhu cầu thép HRC tại Việt Nam khoảng 12-13 triệu tấn/năm. Công suất của các nhà máy sản xuất thép HRC trong nước hiện khoảng 9 triệu tấn. Việc thép nhập khẩu ồ ạt tràn vào nội địa, sản lượng nhập có thời điểm gấp gần 200% sản xuất trong nước khiến thị phần bán hàng thép HRC của doanh nghiệp trong nước mất vào tay hàng nhập khẩu. Thị phần bán hàng thép HRC của một số doanh nghiệp trong nước như: Hòa Phát hay Formosa cũng giảm từ mức 42% năm 2021 xuống 30% vào 2023.

Cần có các biện pháp “cứng rắn” phù hợp thông lệ quốc tế

Với vai trò cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, đại diện Bộ Công Thương cho rằng, việc điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại tiếp tục được đẩy mạnh đã góp phần bảo vệ, là đã tạo lập lại môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các ngành sản xuất trong nước trong bối cảnh nhiều hàng hóa nhập khẩu có dấu hiệu bị bán phá giá hoặc được trợ cấp, gây thiệt hại nghiêm trọng cho một số ngành sản xuất trong nước.

Theo Bộ Công Thương, thép là một trong những mặt hàng bị điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất trên thế giới. Số liệu thống kê của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho thấy, tính đến hết tháng 6/2022, các quốc gia và vùng lãnh thổ đã tiến hành khoảng 2.500 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại với các sản phẩm kim loại cơ bản, bao gồm thép, chiếm tới hơn 30% tổng số vụ việc điều tra phòng vệ thương mại.

Cũng tính đến hết tháng 5/2024, trong tổng số 252 vụ việc nước ngoài điều tra phòng vệ thương mại với Việt Nam có khoảng 30% vụ việc liên quan các sản phẩm thép. Các sản phẩm thép bị điều tra khá đa dạng, gồm thép mạ, thép không gỉ cán nguội, thép phủ màu, ống thép, mắc áo bằng thép, đinh thép,… Những vụ kiện này hầu hết xảy ra ở các thị trường xuất khẩu thép chủ lực của Việt Nam như: Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU), Úc…, trong đó Hoa Kỳ là nước điều tra nhiều nhất với Việt Nam.

Ở chiều ngược lại, Bộ Công Thương đang thẩm định hồ sơ của các doanh nghiệp sản xuất thép HRC trong nước đề nghị điều tra áp thuế chống bán phá giá với thép HRC nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ. Thời gian thẩm định theo quy định là 45 ngày kể từ ngày chính thức tiếp nhận hồ sơ đầy đủ (14/6/2024).

Giống như Việt Nam, cơ quan chức năng của Chính phủ Thái Lan cũng đang điều tra, xem xét mở rộng các biện pháp chống bán phá giá mới với thép HRC nhập khẩu từ Trung Quốc do thép nhập khẩu giá rẻ tràn ngập khiến doanh nghiệp của quốc gia này chỉ sản xuất được 30% công suất, thấp hơn mức trung bình 58% của Đông Nam Á.

Về vấn đề này, theo Cục trưởng Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) Trịnh Anh Tuấn, nhờ việc áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại hợp lý, phù hợp với cam kết quốc tế, bên cạnh việc các ngành sản xuất trong nước được bảo vệ trước những hành vi cạnh tranh không công bằng còn tạo điều kiện để các ngành sản xuất trong nước phát triển, tạo thêm việc làm và giá trị gia tăng cho nền kinh tế. Đặc biệt, ở góc độ tiêu dùng, các biện pháp phòng vệ thương mại trong dài hạn giúp cho nền kinh tế không bị phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu, đem lại sự ổn định và chống chịu tốt hơn trước các tác động và cú sốc từ bên ngoài.

Ông Trịnh Anh Tuấn cho rằng, trong nhiều trường hợp, việc áp dụng phòng vệ thương mại đối với các nguyên liệu cơ bản cũng giúp tăng khả năng tận dụng cam kết trong các hiệp định thương mại tự do. Đồng thời, làm giảm nguy cơ Việt Nam bị nước ngoài điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại do ta đã chủ động và bảo vệ được nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước. Bên cạnh đó, các biện pháp phòng vệ thương mại đã áp dụng đóng góp hàng nghìn tỷ đồng tiền thuế thu được vào ngân sách nhà nước. Trong thời gian tới, Cục Phòng vệ thương mại sẽ tiếp tục đẩy mạnh công hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng vệ thương mại thông qua việc xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định 10/2018/NĐ-CP trên cơ sở tổng kết thực tiễn công tác phòng vệ thương mại trong 5 năm qua. Đồng thời, hoàn thành 2 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại mới, 5 vụ việc rà soát các biện pháp phòng vệ thương mại đã có trong kế hoạch công tác năm một cách công bằng, minh bạch, đánh giá kỹ tất cả các yếu tố và tuân thủ đúng các quy định hiện hành.

Các diễn biến mới về hàng rào xuất nhập khẩu trên thế giới này cũng được dự báo sẽ khiến nhiều sản phẩm thép từ Trung Quốc, trong đó có thép HRC sẽ gia tăng mạnh xuất khẩu vào Việt Nam để giải phóng hàng tồn kho. Điều này cũng đòi hỏi các cơ quan quan quản lý Nhà nước Việt Nam cần có các biện pháp “cứng rắn” để ngăn chặn tình trạng đi đường vòng, né thuế để đẩy hàng tồn kho, gây bất lợi cho các nhà sản xuất trong nước.

Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam Phan Đăng Tuất cho rằng, các doanh nghiệp trong nước cần và mong ngóng các quyết sách nhanh hơn, phản ánh với biến động của thị trường nhanh nhất. Cứ nhìn các nước xung quanh như Thái Lan, Indonesia có sản lượng thấp hơn Việt Nam, lượng nhập khẩu ít hơn sản xuất trong nước cũng đã dùng biện pháp tự vệ thương mại để bảo vệ sản xuất thép từ thượng nguồn và thấy ngay tầm quan trọng của việc bảo vệ sản xuất trong nước của nhiều quốc gia.

Theo ông Phan Đăng Tuất, việc các doanh nghiệp sản xuất thép lớn của Việt Nam chủ động lên tiếng, yêu cầu mở cuộc điều tra đòi áp thuế chống bán phá giá thép HRC Trung Quốc khi đối diện nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh từ hàng hóa nhập khẩu cho thấy sự chủ động của các doanh nghiệp trong nước. Trong bối cảnh kinh tế thị trường, nếu các cuộc điều tra, rà soát này dẫn đến việc áp dụng một biện pháp phòng vệ thương mại, biện pháp đó phải được áp dụng đúng đối tượng, đúng mức độ, bảo vệ được các ngành sản xuất trong nước nhưng có tính đến các tác động kinh tế - xã hội và phù hợp thông lệ quốc tế sẽ là nền tảng tạo sân chơi bình đẳng cho doanh nghiệp phát triển./.

Minh Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực