Ảnh minh họa (Ảnh: BT)
Theo Cục Trồng trọt, đến thời điểm hiện nay, lúa vụ Hè Thu ở các tỉnh phía Bắc Trung bộ đang trong giai đoạn vào chắc, trà lúa mùa đã và đang trổ bông, một số diện tích lúa Hè Thu sớm chuẩn bị cho thu hoạch. Với lúa vụ Mùa các tỉnh Đồng bằng sông Hồng và Trung du miền núi phía Bắc, trà Mùa sớm đã chín sáp, trà Mùa trung đã và đang trổ bông. Diện tích cấy muộn và phục hồi sau bão đã kết thúc đẻ nhánh, bước vào phân hóa đòng. Đây là giai đoạn hết sức mẫn cảm với sâu bệnh hại lúa, lúa đã có lá đòng và lá công năng.
Cùng với đó, thời tiết vụ Mùa 2016 có nhiều diễn biến phức tạp, các cơn bão số 1, số 2, số 3 đều ảnh hưởng tới các tỉnh khu vực phía Bắc; dự báo vẫn còn những đợt mưa lớn kèm theo dông, gió mạnh có sấm sét là điều kiện thuận lợi cho bệnh bạc lá phát sinh gây hại.
Theo báo cáo của các địa phương các tỉnh Bắc bộ, diện tích lúa bị nhiễm bệnh bạc lá đã lên tới hàng chục nghìn ha, cao hơn so với năm trước, đặc biệt ở một số tỉnh, thành phố như Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Hải Phòng, Bắc Ninh, Ninh Bình, Hà Nội. Dự báo bệnh bạc lá có nguy cơ lây lan trên diện rộng; một số loại sâu bệnh hại khác như rầy nâu, sâu đục thân, sâu cuốn lá cũng đang phát sinh gây hại.
Để đảm bảo sản xuất lúa vụ Hè Thu, vụ Mùa và vụ Đông thắng lợi, hạn chế tối đa thiệt hại do sâu bệnh và điều kiện bất thuận của thời tiết, Cục Trồng trọt đề nghị các Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố phía Bắc tập trung tuyên truyền, hướng dẫn nông dân tuyệt đối không bón bổ sung đạm đơn cho lúa. Tập trung bón thúc kali cho diện tích lúa mới bước vào phân hóa đòng để tránh gây tình trạng non hóa bộ lá; nhất là lá công năng, khi gặp mưa rào, gió mạnh lá dễ bị tổn thương và là cơ hội để bệnh bạc lá phát sinh, lây lan gây hại mạnh. Với diện tích lúa đã có triệu chứng bệnh bạc lá, tuyên truyền nông dân sử dụng một số loại thuốc đặc hiệu, phun theo hướng dẫn của ngành bảo vệ thực vật. Tuyệt đối không sử dụng thuốc tràn lan, kết hợp nhiều loại thuốc gây lãng phí và ô nhiễm môi trường.
Đây là thời kỳ quan trọng có tính quyết định năng suất của lúa vụ Hè Thu, vụ Mùa, đề nghị các địa phương chỉ đạo quyết liệt, tăng cường công tác thông tin, truyền thông, tập huấn và cử cán bộ kỹ thuật xuống cơ sở, bám sát đồng ruộng, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, dịch hại, sinh trưởng của cây trồng, hướng dẫn nông dân các biện pháp kỹ thuật phòng trừ, ngăn chặn hiệu quả dịch hại.
Bên cạnh đó, rà soát, điều chỉnh kế hoạch sản xuất gieo trồng cây vụ Đông, cân đối diện tích đất lúa, đất chuyên màu để bố trí nhóm cây vụ Đông ưa ấm, ưa lạnh cho phù hợp theo kế hoạch đề ra. Đồng thời, tập trung chỉ đạo thu hoạch nhanh, gọn diện tích trà lúa vụ Hè Thu, vụ Mùa sớm theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, thu đến đâu trồng rau màu đến đó, đảm bảo gieo trồng vụ Đông trong khung thời vụ tốt nhất. Ưu tiên mở rộng tối đa diện tích ngô, đậu tương.
Ngoài ra, chủ động phối hợp với các Viện nghiên cứu, Doanh nghiệp thực hiện mô hình hoàn thiện các gói kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất cho một số loại cây trồng chủ lực như ngô, rau, khoai tây,…để phổ biến cho nông dân. Xây dựng các chính sách hỗ trợ nhằm thúc đẩy sản xuất vụ Đông phát triển theo lợi thế của từng địa phương./.