Tập trung cho xuất khẩu trái cây Việt

Thứ tư, 14/09/2016 16:47
(ĐCSVN) - Trong điều kiện cạnh tranh gay gắt trên thị trường xuất khẩu lúa gạo nói riêng và nông sản Việt nói chung hiện nay, việc tập trung cho xuất khẩu trái cây nước ta đang được xem như là một giải pháp tìm đầu ra cho nông sản.

Nhiều tín hiệu khả quan

Nhãn Hưng Yên đã xuất khẩu sang Mỹ (Ảnh: HNV)

Gần đây, những thông tin thị trường đã củng cố thêm sự lạc quan của nhiều người về chỗ đứng của trái cây Việt Nam, thậm chí nhiều ý kiến thống nhất cao rằng thời điểm trái cây “lên ngôi” đã đến gần.

Theo khảo sát của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), mặc dù ngành rau quả ít được quan tâm đầu tư nhưng kết quả xuất khẩu lại liên tục tăng trưởng hết sức ấn tượng. Cụ thể, năm 2013, xuất khẩu rau quả chỉ đạt 900 triệu USD nhưng đến năm 2014 đã đạt 1,47 tỷ USD và đến năm 2015 đạt 1,85 tỷ USD. Riêng trong khoảng thời gian từ ngày 1/1 đến hết tháng 7/2016, trị giá xuất khẩu rau quả đã đạt 1,37 tỷ USD và nhiều khả năng xuất khẩu trong cả năm 2016 sẽ đạt đến 2,5 tỷ USD, tăng khoảng 650 triệu USD so với năm 2015.

Thêm nữa, cũng theo Bộ NN&PTNT Việt Nam, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) vừa đề xuất xin ý kiến công chúng về việc sửa đổi các quy định cho phép trái xoài tươi của Việt Nam được nhập khẩu vào thị trường Mỹ. Với động thái này, có thể khẳng định gần như chắc chắn đến cuối năm nay xoài tươi sẽ là loại trái cây thứ 6 của Việt Nam được tiêu thụ tại thị trường Mỹ sau thanh long, chôm chôm, vải, nhãn và vú sữa.

Cộng với việc hiện nay, các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, EU, Úc đã mở cửa với hàng loạt trái cây đặc sản Việt Nam. Bộ Nông lâm ngư nghiệp Nhật cho biết sẽ mở cửa cho xoài cát của Việt Nam từ ngày 17/9. Đây là trái cây tươi thứ hai của nước ta được xuất khẩu vào thị trường cao cấp này sau trái thanh long.

Như vậy, không chỉ xoài mà hàng loạt trái cây Việt Nam khác như vải, vú sữa, thanh long, nhãn… cũng đã được xuất sang Mỹ, Úc, Hàn Quốc, New Zealand; trong số đó có vải thiều mà trước đây phụ thuộc gần như hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc thì giờ đây đã chinh phục được cả những thị trường rất khắt khe như Mỹ, Canada, Pháp… Mới đây, theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT Việt Nam), hơn 30 tấn vải thiều của Việt Nam đã được bán tại Úc và bước đầu nhận được phản hồi tích cực của người tiêu dùng.

Hứa hẹn những triển vọng mới tích cực

Bưởi Diễn được nhiều người ưa chuộng (Ảnh: HNV)

Số liệu thống kê của Cục Trồng trọt nêu rõ, diện tích cây ăn quả của Việt Nam hiện đạt 786 nghìn hécta, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng sản xuất cây ăn quả lớn nhất cả nước, đạt 298 nghìn hecta (chiếm 37,9%tổng diện tích cây ăn quả cả nước); vùng Đông Nam bộ đứng hàng thứ hai, với diện tích 187 nghìn hecta (chiếm 23,8% tổng diện tích cây ăn quả cả nước).

Những năm gần đây, diện tích cây ăn quả có tốc độ phát triển chậm (chỉ hơn 1%năm). Tuy nhiên, nhờ tác động của tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi giống cây trồng, sản xuất chuyên canh và trình độ canh tác của các nhà vườn được nâng cao… nên năng suất và sản lượng cây ăn quả tăng trưởng mạnh (3 – 4%/năm).

Các chủng loại trái cây được trồng khá tập trung ở các vùng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu: vải thiều; cam sành; chôm chôm, thanh long, bưởi, xoài, măng cụt, dứa… Ngoài ra, còn có một số loại cây ăn quả khác cũng có khả năng xuất khẩu tươi là sầu riêng cơm vàng hạt lép, vú sữa Lò Rèn, nhãn xuồng cơm vàng… Tuy nhiên, những loại này có diện tích và sản lượng còn khá ít ỏi, không đủ tiêu thụ nội địa và giá bán trong nước thậm chí còn cao hơn giá xuất khẩu.

Được biết, trong quy hoạch phát triển cây ăn trái, Bộ NN&PTNT chú trọng đến 12 loại chủ lực gồm thanh long, xoài, chôm chôm, sầu riêng, vú sữa, bưởi, nhãn, chuối, dứa, cam, mãng cầu và quýt. Tổng diện tích cây ăn quả chủ lực trồng tập trung dự kiến đến năm 2020 là 257 nghìn hecta, chiếm 52% tổng diện tích quy hoạch cây ăn trái ở Nam bộ, trong đó vùng ĐBSCL hơn 185 nghìn hecta, vùng Đông Nam bộ 72 nghìn hecta.

Với quy hoạch này, Bộ đang mở ra một triển vọng cho trái cây vào thời gian tới. Theo đó, Bộ đặt ra 2 mục tiêu: Một là, xây dựng ngành trái cây chủ lực trồng tập trung ở Nam bộ phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa lớn trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường trong nước và nước ngoài. Hai là, ít nhất 50% sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng GAP để có thể xuất khẩu.

Để đạt mục tiêu này, theo đánh giá của các chuyên gia nông nghiệp cũng như từ kinh nghiệm của nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nông nghiệp thì Nhà nước cần tạo điều kiện tốt hơn cho doanh nghiệp hợp tác với nhóm sản xuất (doanh nghiệp sẽ là chủ lực trong liên kết), có cơ chế phù hợp để mang lại lợi ích cao nhất cho người sản xuất.

Điều quan trọng nữa là vấn đề xây dựng thương hiệu để có thể đứng chân vào các thị trường nhiều cạnh tranh. Xây dựng rồi phải giữ vững và phát huy thương hiệu đó cũng là cả một quá trình. Chúng ta đều biết rằng, để trái cây đến với người tiêu dùng không dễ.

Thực tế, Úc là một trong những nước có các quy định về kiểm dịch ngặt nghèo nhất thế giới. Mở cửa được thị trường Úc là một phép thử quan trọng cho trái cây xuất khẩu Việt Nam. Hay như thị trường Mỹ ngoài các quy định về an toàn thực phẩm còn chịu sự cạnh tranh của nhiều nước vùng Caribê và Địa Trung Hải có cùng chủng loại trái cây vùng nhiệt đới như chúng ta.

Do đó, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại rõ ràng là đòn bẩy quan trọng. Hơn bao giờ hết, ngành nông nghiệp nói chung và ngành hàng rau quả nói riêng phải tập trung cao độ cho thực hiện các biện pháp cơ bản như: diệt khuẩn bằng chiếu xạ, xử lý nhiệt, phải trồng và chăm sóc theo các tiêu chuẩn quốc tế như Global GAP. Mặt khác, phải quy hoạch đồng bộ vùng nguyên liệu cho từng thị trường, từng hợp đồng xuất khẩu, đảm bảo xuất xứ địa lý của nhà vườn theo quy định.

Theo Tổ chức Lương nông của Liên hiệp quốc, nhu cầu tiêu thụ trái cây tươi trên thế giới tăng bình quân 3,6%/năm, nhưng mức cung chỉ mới đạt 2,8%. Đây là minh chứng rõ ràng cho sự tiềm năng của thị trường trái cây, nhất là với Việt Nam – một quốc gia được thiên nhiên ưu đãi về chủng loại trái cây phong phú, hấp dẫn cũng như đang hội nhập ngày càng sâu rộng với sự tham gia của hiệp định thương mại đã, đang và sẽ được ký kết./.

 

Lê Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực