|
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu kết luận hội nghị. |
Theo báo cáo của Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Mạnh Hồng, thực hiện Chương trình 02 của Thành ủy Hà Nội, đến hết năm 2017, toàn bộ 21/21 xã của huyện đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; thu nhập bình quân đầu người năm 2019 đạt 63 triệu đồng (cao nhất trong số các huyện của Hà Nội); tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện chỉ còn 0,58%.
Đối với các tiêu chí của huyện nông thôn mới, đến nay, huyện Thạch Thất có 07 tiêu chí đạt, 02 tiêu chí cơ bản đạt. Trong đó, huyện tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất theo đúng quy hoạch, đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi. Đến nay, toàn huyện có 100% diện tích gieo cấy bằng giống lúa năng suất, chất lượng, năng suất lúa bình quân năm 2019 đạt 62,7 tạ/ha. Huyện cũng đẩy mạnh việc áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất, tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu làm đất, thu hoạch đạt 98%.
Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, trên địa bàn huyện đã hình thành các vùng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư quy mô vừa và nhỏ ở các xã: Yên Trung, Yên Bình, Đồng Trúc, Bình Yên, Tân Xã, Cần Kiệm. Đến nay, toàn huyện có 05 mô hình sản xuất theo hướng công nghệ cao, 06 mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu dùng. Ngoài ra, toàn huyện có 700ha diện tích cây ăn quả các loại. Huyện đặt mục tiêu, đến tháng 8/2020, sẽ hoàn thiện hồ sơ đề nghị Thành phố, Ban Chỉ đạo Trung ương xét công nhận huyện Thạch Thất đạt chuẩn nông thôn mới.
Về công tác phục vụ Nhân dân đón Tết, huyện đã thực hiện chi trả các chế độ chính sách, tặng quà Tết đến các đối tượng đảm bảo đúng kế hoạch. An ninh trật tự trên địa bàn trong dịp Tết được đảm bảo. Công tác tuyển quân được tập trung chỉ đạo... Huyện cũng chỉ đạo tập trung thu hoạch cây vụ Đông và chuẩn bị sản xuất vụ Xuân đảm bảo kế hoạch. Đến nay, diện tích đổ ải đạt gần 76%; diện tích đã gieo cấy đạt gần 17%.
Đối với công tác phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona, huyện đã thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Trung ương, Thành phố; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền; phun hóa chất khử khuẩn tại các trường học; giám sát chặt chẽ, theo dõi và cách ly lao động là người nước ngoài tại các khu công nghiệp trên địa bàn. Đến nay, trên địa bàn huyện chưa ghi nhận trường hợp nào dương tính với vi rút Corona.
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu đánh giá, huyện Thạch Thất đã có nhiều cố gắng trong xây dựng nông thôn mới. Huyện đã triển khai các nhiệm vụ từ những ngày đầu, tuần đầu của năm 2020. Thạch Thất cần tập trung hoàn thiện các tiêu chí để quý II/2020, thành phố trình trung ương công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Huyện cần có kế hoạch thực hiện các tiêu chí chi tiết. Trước mắt, huyện tập trung cho sản xuất vụ xuân; phòng chống dịch bệnh. Thành phố sẽ yêu cầu các công ty thủy lợi tích cực trong công tác chống hạn, cấp đủ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng ghi nhận sự chỉ đạo quyết liệt, toàn diện các nhiệm vụ của huyện Thạch Thất. Nhấn mạnh mục tiêu hàng đầu là trong năm nay, huyện Thạch Thất phải đạt chuẩn nông thôn mới để chào mừng đại hội đảng bộ các cấp, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị huyện cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng còn thiếu, đồng thời, làm tốt hơn công tác vệ sinh môi trường; huy động sự tham gia tích cực hơn của các đoàn thể trong việc trồng hoa, cây xanh, tạo cảnh quan sạch đẹp..., nâng cao đời sống nhân dân.
Đặc biệt, với tinh thần "chống dịch như chống giặc", huyện cần tiếp tục triển khai mạnh mẽ các giải pháp phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona, cũng như các dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, xác định đây là một nhiệm vụ trọng tâm trong sản xuất, phát triển nông nghiệp. Huyện cũng cần làm tốt công tác tuyên truyền, huy động nguồn lực trong dân để duy trì, nâng cao các tiêu chí nông thôn mới.
|
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng kiểm tra sản xuất tại xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất. |
Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình 02 của Thành ủy Hà Nội cũng lưu ý huyện quan tâm hơn công tác quy hoạch, đảm bảo hệ thống hạ tầng phải đồng bộ với quá trình phát triển đô thị. Bên cạnh việc phát triển các làng nghề, huyện cũng cần phát triển các khu, cụm công nghiệp để chuyển dịch lao động, tạo việc làm, nâng cao thu nhập người dân gắn với bảo vệ môi trường. Đối với các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, Thạch Thất cần rà soát, nâng cao chất lượng các tiêu chí, phân công rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ trách nhiệm. Huyện cần quan tâm đưa quy hoạch đi trước một bước, đồng bộ với các tiêu chí trở thành quận trong tương lai. Huyện cần chọn được điểm nhấn trong xây dựng nông thôn mới…
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cũng đề nghị, trước mắt, huyện tập trung làm tốt công tác giao nhận quân; lãnh đạo, tổ chức tốt đại hội các chi, đảng bộ; đại hội đảng bộ cơ sở, tiến tới đại hội đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025; tập trung tuyên truyền, tạo không khí thi đua sôi nổi, gắn với tiếp tục triển khai Nghị quyết 15-NQ/TU ngày 4-7-2017 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở Đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc thành phố Hà Nội” và Chỉ thị 15-CT/TU ngày 16-12-2016 về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn thành phố Hà Nội”.
Trước khi làm việc với lãnh đạo huyện Thạch Thất, đoàn đã thăm, kiểm tra mô hình mạ khay, máy cấy và mô hình trồng khoai tây vụ xuân trên địa bàn xã Hương Ngải. Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đã thăm hỏi, chúc mừng năm mới một số nông dân và thành viên Hợp tác xã nông nghiệp xã Hương Ngải./.