Toàn cảnh Thành phố Thái Nguyên (Ảnh: theo kinhtedothi.vn)
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên.
Thông báo nêu rõ, để phát huy kết quả đã đạt được, khắc phục tồn tại, hạn chế, khai thác tiềm năng, lợi thế, có giải pháp đột phá thực hiện quyết liệt mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, xây dựng tỉnh Thái Nguyên phát triển nhanh, bền vững, toàn diện, cần tập trung thực hiện tốt tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, hoàn thành vượt mức các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra cho năm 2018; rà soát lại các chỉ tiêu kinh tế - xã hội cho cả giai đoạn 2015-2020 để bổ sung nhiệm vụ với yêu cầu cao hơn, tầm nhìn dài hơn, phấn đấu đạt và vượt mức tăng trưởng kinh tế mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ của tỉnh đã đề ra.
Tập trung thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội theo hướng hiện đại, bền vững, có độ mở cao, kết nối với trong nước và quốc tế, phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch ở phía Bắc; đa dạng hóa nền kinh tế với 3 trụ cột là: phát triển công nghiệp công nghệ cao, với nòng cốt là công nghiệp điện tử, công nghiệp phụ trợ có liên quan; phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch; phát triển các dịch vụ, nhất là du lịch, giáo dục, đào tạo, y tế trở thành ngành quan trọng của địa phương. Tỉnh phải có tầm nhìn là một trung tâm công nghiệp, dịch vụ và sáng tạo hàng đầu ở phía Bắc.
Phát huy vai trò của doanh nghiệp FDI lớn, trong đó có tập đoàn Samsung, để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tạo lan tỏa tích cực, thu hút nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước vào những ngành công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, xây dựng liên kết bền vững và nâng cao năng lực tham gia vào mạng sản xuất đối với cộng đồng doanh nghiệp trong nước, liên kết chặt chẽ giữa khu vực FDI và khu vực dân doanh. Chú ý giải quyết các vấn đề xã hội đặt ra trong quá trình phát triển công nghiệp như học sinh nghỉ sớm để làm công nhân, lao động nhiều tuổi khó tiếp cận việc làm...
Tăng cường công tác thu ngân sách nhà nước, nuôi dưỡng nguồn thu, phấn đấu trước năm 2020 tỉnh tự cân đối ngân sách. Phát triển kinh tế - xã hội phải đi đôi với bảo vệ môi trường; thúc đẩy quá trình đô thị hóa đồng bộ, chất lượng với quy hoạch không gian đô thị có tầm nhìn xa, đồng bộ với quá trình công nghiệp hóa. Coi đô thị hóa là một động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng và phát triển của tỉnh.
Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng phát huy lợi thế tự nhiên, xây dựng các sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Đặc biệt phát triển sản phẩm chè Thái Nguyên có thương hiệu, giá trị gia tăng cao, không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu ở khu vực và trên thế giới.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao các chỉ số cạnh tranh còn yếu. Chú trọng phát triển doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; tổ chức xúc tiến đầu tư, có cơ chế chính sách thông thoáng thu hút các nhà đầu tư tiềm năng, chiến lược trong và ngoài nước; tăng cường đối thoại để giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, người dân.
Chú trọng đầu tư hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực cho du lịch, tăng cường công tác truyền thông quảng bá, khai thác các danh lam thắng cảnh như: Khu du lịch Quốc gia Hồ Núi Cốc, Khu di tích lịch sử ATK ... kết nối du lịch liên vùng, các trung tâm du lịch, thị trường lớn và quốc tế để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Đẩy mạnh đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là đào tạo nghề, tạo việc làm cho người lao động là người dân địa phương; kết nối các trường đại học, trung tâm dạy nghề với các khu công nghiệp, các doanh nghiệp; quan tâm phát triển nhà ở, trường học, bệnh viện, thiết chế công đoàn phục vụ đời sống của công nhân lao động tại các khu công nghiệp; tăng cường đoàn kết trong đồng bào các dân tộc, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, không để xảy ra điểm nóng về dân tộc, tôn giáo trên địa bàn. Giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Về đầu tư, khai thác điểm du lịch Hồ Núi Cốc, tỉnh sử dụng số vốn đã được ngân sách Trung ương hỗ trợ, chủ động bố trí nguồn ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện. Trên cơ sở đề xuất của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái nguyên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan liên quan xem xét, đề xuất việc hỗ trợ cho tỉnh thực hiện dự án phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách Trung ương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Về trạm thu phí BOT Quốc lộ 3 Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn), Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên, các Bộ, cơ quan liên quan và nhà đầu tư khẩn trương thống nhất phương án về trạm thu phí để hoàn vốn cho dự án, tránh lãng phí và phát sinh tăng chi phí đầu tư, đảm bảo hài hòa lợi ích nhà nước, nhà đầu tư, người dân, không để xảy ra tình trạng mất an ninh trật tự trong khu vực khi đưa trạm thu phí vào hoạt động và thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng những vấn đề vượt thẩm quyền./.