4 đột phá đó là: Thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch là trọng tâm; hoàn thiện cơ chế, chính sách và nâng cao năng lực cạnh tranh; hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, đầu tư đồng bộ hiện đại với trọng tâm là hệ thống giao thông; đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và chuyển đổi số.
|
Quang cảnh Hội nghị (Ảnh: MPI) |
Ngày 30/11, tại Hà Nội, Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh tổ chức thẩm định Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Quốc Phương, Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh, chủ trì phiên họp. Về phía tỉnh Bắc Kạn có đồng chí Nguyễn Đăng Bình, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn cùng với các sở ,ban, ngành, đại diện cơ quan tổ chức lập quy hoạch tỉnh.
Công tác quy hoạch tốt thực sự dẫn dắt “cuộc chơi” trong nền kinh tế thị trường
Trao đổi trước thềm Hội nghị, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh khẳng định, công tác lập quy hoạch đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung, của từng ngành, từng vùng, từng địa phương nói riêng. Công tác quy hoạch phải phát huy, khai thác được các tiềm năng, lợi thế của địa phương, sẵn sàng ứng phó với các thách thức mới, thì chúng ta mới xây dựng được con đường phát triển trong tương lai.
“Công tác quy hoạch tốt là khi thực sự dẫn dắt được cuộc chơi trong nền kinh tế thị trường có sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, nếu thất bại là chưa thực hiện được đầy đủ vai trò dẫn dắt, kiến tạo của Nhà nước”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng cũng lưu ý rằng, việc lập quy hoạch thời kỳ 2021–2030 cần nhận diện các yếu tố mới trong điều kiện hoàn cảnh mới để chủ động ứng phó với các thách thức. Từ bối cảnh mới, chúng ta nhận ra đâu là cơ hội mới, thách thức mới, để có được tư duy mới, tầm nhìn mới, tạo dựng không gian phát triển mới, động lực phát triển mới cho tỉnh và đất nước.
Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương, Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh, hội nghị thẩm định hôm nay cho ý kiến thẩm định báo cáo quy hoạch tỉnh, tỉnh Bắc Kạn cần tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện, nâng cao chất lượng quy hoạch trước khi trình Thủ tướng Chính phủ.
|
Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn là tiền đề để Bắc Kạn thực hiện mục tiêu từ một tỉnh còn nhiều khó khăn từng bước trở thành tỉnh phát triển khá của vùng (Ảnh: PV) |
Để Bắc Kạn thực hiện mục tiêu từ một tỉnh còn nhiều khó khăn từng bước trở thành tỉnh phát triển khá của vùng
Bắc Kạn là một tỉnh nằm về phía Đông Bắc của vùng Trung du và Miền núi phía Bắc. Diện tích tự nhiên toàn tỉnh 4.859,96 km2, đứng thứ 10/14 địa phương trong Vùng. Toàn tỉnh có 8 đơn vị hành chính trực thuộc gồm 01 thành phố (Thành phố tỉnh lỵ Bắc Kạn) và 07 huyện (Pác Nặm, Ba Bể, Ngân Sơn, Bạch Thông, Chợ Đồn, Chợ Mới và Na Rì).
Là trung tâm trung chuyển của các tỉnh vùng Đông Bắc thông qua QL3 và tuyến cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên – Bắc Kạn – Cao Bằng trong tương lai, Bắc Kạn có hệ sinh thái tự nhiên đa dạng, diện tích đất lâm nghiệp lớn, tỷ lệ che phủ rừng cao (trên 73%); khoáng sản phong phú đặc biệt là khoáng sản chì, kẽm; và tài nguyên du lịch phong phú: Vườn Quốc gia Ba Bể, văn hóa đa dạng các dân tộc. So sánh một số chỉ số phát triển của tỉnh năm 2021 so với 2020 thấy rõ, PCI tăng 11 bậc, chuyển đổi số tăng 8 bậc, cải cách hành chính tăng 5 bậc.
Theo chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Đăng Bình, để triển khai thực hiện Luật Quy hoạch 2017, Nghị định 37/2019/NĐ-CP “Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch” và Quyết định số 907/QĐ-TTg ngày 29/06/2020 của Thủ tướng chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn, UBND tỉnh đã khẩn trương triển khai lập Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2021 –2030, tầm nhìn đến năm 2050; tổ chức khảo sát, thu thập thông tin, số liệu, xây dựng nội dung quy hoạch.
Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn là một nội dung rất quan trọng của tỉnh, là cơ sở để lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý toàn diện, thống nhất trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, hội nhập, đối ngoại trên địa bàn; là căn cứ để hoạch định chính sách, xây dựng kế hoạch đầu tư và kiến tạo động lực phát triển, là tiền đề để Bắc Kạn thực hiện mục tiêu từ một tỉnh còn nhiều khó khăn từng bước trở thành tỉnh phát triển khá của vùng./.