Thành phố Hồ Chí Minh: “Vươn vai” để sánh ngang thế giới

Thứ sáu, 02/06/2017 16:54
(ĐCSVN) - Với đặc trưng của một đô thị Nam Bộ vùng sông nước “trên bến - dưới thuyền”, Sài Gòn trước đây và Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay đang chuyển mình mạnh mẽ, “vươn vai” xứng tầm đầu tàu kinh tế, sánh ngang với các đô thị lớn trên thế giới.

Tiến ra biển lớn

Với hàng loạt những dự án hạ tầng (giao thông, đô thị) quy mô lớn, Thành phố (TP) Hồ Chí Minh đang chuyển mình theo hướng văn minh - hiện đại nhưng vẫn không làm mất đi bản sắc riêng của vùng đất Nam Bộ “trên bến - dưới thuyền” với những con người hào sảng.

Là một đô thị rộng lớn, quy mô đất đai hơn 2.000 km2 trải dài từ Tây sang Đông gắn liền với biển, dân số hơn 10 triệu người, TP. Hồ Chí Minh đang bước vào thời kỳ và cơ hội phát triển rực rỡ, sớm lấy lại danh hiệu “Hòn ngọc Viễn Đông”.

TP. Hồ Chí Minh đang “vươn vai”, chuyển mình mạnh mẽ. 

Theo đồ án phát triển không gian đô thị đến năm 2025, TP. Hồ Chí Minh sẽ phát triển theo cả 4 hướng: Đông, Tây, Nam, Bắc. Đặc biệt là hướng Nam, tiến ra Biển Đông với 4 trụ cột: TP.Hồ Chí Minh - Đồng Nai - Bà Rịa Vũng Tàu - Long An.

Chiến lược phát triển TP. Hồ Chí Minh tiến ra Biển Đông đi theo 3 bước: Thứ nhất, KCX Tân Thuận (quận 7) quy mô 300ha; KCN Hiệp Phước (Nhà Bè) quy mô 932ha (2 giai đoạn) và KCN Long Hậu (Cần Giuộc - Long An) quy mô gần 142ha; thứ hai, Khu đô thị Phú Mỹ Hưng (quận 7) với quy mô 600ha; Khu đô thị Hiệp Phước (Nhà Bè) với quy mô 1.354ha và Khu đô thị Nam TP. Hồ Chí Minh (bao gồm quận 7, quận 8, Nhà Bè và một phần huyện Bình Chánh) với quy mô hàng nghìn ha; thứ ba, cảng Cát Lái (quận 2) - cảng container quốc tế lớn và hiện đại nhất Việt Nam, tốp 25 cảng hàng đầu thế giới; cảng Hiệp Phước (Nhà Bè) được quy hoạch thành cảng container tầm cỡ thế giới với tổng công suất dự kiến đạt 1,5 triệu TEU/năm sau khi hoàn tất. Các cơ sở hạ tầng này hiện đã có sẵn hoặc đang được triển khai.

Đặc biệt, thực hiện chiến lược kinh tế biển của cả nước, TP. Hồ Chí Minh đã nạo vét luồng Soài Rạp và đã đưa vào sử dụng giai đoạn 2, có ý nghĩa rất quan trọng, tác động lớn đến khối lượng hàng xuất nhập khẩu qua cụm cảng mà Thành phố quản lý, khai thác.

Như vậy, trong tổng thể định hướng nêu trên, Nhà Bè có một vị trí cực kỳ quan trọng, là "yết hầu" để TP. Hồ Chí Minh tiến ra Biển Đông. Nằm ở trung tâm của Bình Chánh và Cần Giờ, Nhà Bè được bảo vệ bởi không gian rộng lớn đảm bảo điều kiện tốt về môi trường sống. Địa phương này cũng sở hữu quỹ đất khá dồi dào để có thể mở rộng, xây mới đường giao thông và xây dựng các khu đô thị, dịch vụ mới hoàn toàn.

Cũng trong đồ án này, lần đầu tiên TP. Hồ Chí Minh định hướng phân vùng phát triển đô thị với 3 khu vực: Khu vực nội thành, Khu vực nội thành phát triển mở rộng và Khu vực các huyện ngoại thành. Đây là những điểm nổi bật mà các đồ án trước chưa đề cập tới.

Phát triển đô thị đa cực

Nhằm đáp ứng quy mô dân số và tầm vóc của một đô thị lớn của cả khu vực, nhiều năm qua, lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh luôn theo đuổi định hướng xây dựng, phát triển đô thị đa cực, tận dụng lợi thế vùng, bao gồm: Trung tâm hiện hữu tại khu nội thành cũ nằm trên địa bàn quận 1, 3 và một phần quận 4, Bình Thạnh có quy mô 930ha; Khu đô thị Nam thành phố với trung tâm là Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng (quận 7); 3 khu đô thị mới khác là Khu đô thị cảng Hiệp Phước, Khu đô thị mới Thủ Thiêm và Khu đô thị mới Tây Bắc.

Bên cạnh đó, Thành phố còn có 11 dự án khu đô thị mới quy mô từ 200 ha trở lên và 44 dự án khu dân cư, khu đô thị mới có quy mô dưới 200 ha, với tổng diện tích đất lên tới 23.370 ha. Các khu đô thị mới đã và đang được đầu tư phát triển, góp phần đáng kể vào công cuộc công nghiệp hóa và hiện đại hóa Thành phố.

Đa dạng hóa loại hình nhà ở

Với chủ trương xây dựng TP. Hồ Chí Minh là “ngôi nhà chung” của cả nước, kêu gọi và khuyến khích người tài đến sinh sống, làm việc và cống hiến cho thành phố, lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh đã tận dụng mọi nguồn lực từ nhà nước đến tư nhân, cả trong và ngoài nước để đầu tư phát triển nhà ở. Qua nhiều giai đoạn khó khăn, đến nay, TP. Hồ Chí Minh đã xây dựng được bộ mặt đô thị khang trang, hiện đại, dần thay thế các khu nhà lụp xụp, nhà trên và ven kênh rạch, cũng như các khu nhà cũ, xuống cấp, hư hỏng.

Hạ tầng phát triển đồng bộ, hiện đại không thua kém các thành phố trong khu vực và thế giới.

Bên cạnh ưu tiên các loại hình nhà ở bình dân, tầm trung, nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu về nhà ở của đại bộ phận người có thu nhập trung bình, thấp, TP. Hồ Chí Minh cũng khuyến khích các loại hình nhà ở cao cấp như: Biệt thự, nhà vườn, nhà liên kế, căn hộ dịch vụ và nhất là loại nhà chung cư…; qua đó, xuất hiện hàng loạt nhà cao tầng, cao ốc chọc trời với kiến trúc đẹp, hiện đại, bắt kịp xu hướng của các đô thị lớn trên thế giới. Nhiều tuyến phố mới, khu nhà mới được hình thành, hoặc tuyến phố cũ được chỉnh trang lại, góp phần đáng kể làm thay đổi diện mạo của Thành phố sau hơn 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Rõ ràng, TP. Hồ Chí Minh hôm nay đã thật sự chuyển mình mạnh mẽ, tự tin sánh ngang với các đô thị lớn trên thế giới. Thành phố giờ đã mang vóc dáng của một đô thị văn minh - hiện đại, đồng thời vẫn giữ được đặc trưng của một đô thị vùng sông nước Nam Bộ “trên bến - dưới thuyền”. 

Đặc biệt, điều mà TP. Hồ Chí Minh khiến thế giới ngưỡng mộ, đó là sự nghĩa tình của người dân nơi đây, hiếu khách, chan hòa với tất cả du khách, không phân biệt họ đến từ đâu. Có thể nói, “nghĩa tình” đã trở thành đặc trưng trong văn hóa ứng xử, trong tư duy hành động của người dân TP. Hồ Chí Minh và cũng là một động lực quan trọng tạo nên sự đoàn kết, thống nhất, đồng lòng, hiệp lực, nhất là trong những lúc khó khăn.

TP. Hồ Chí Minh đang chuyển mình mạnh mẽ,  quyết tâm phấn đấu vươn lên xứng đáng là đầu tàu kinh tế của cả nước, là Thành phố "văn minh - hiện đại - nghĩa tình", Thành phố Anh hùng, Thành đồng của Tổ quốc./.

Bài và ảnh: TS. Lê Bá Chí Nhân

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực