Tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp hàng hải

Thứ sáu, 22/03/2024 17:56
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng kiến nghị các bộ, ngành, doanh nghiệp tiếp tục đồng hành với Bộ Giao thông vận tải thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hàng hải, đường thuỷ nội địa.
 Toàn cảnh Hội nghị. 

Ngày 22/03 tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Giao thông vận tải tổ chức Hội nghị đối thoại doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng hải và đường thủy nội địa năm 2024. Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, khoảng 350 đại diện cho các doanh nghiệp cảng biển và chuyên gia, báo chí cùng tham dự.

Hội nghị nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hàng hải, đường thuỷ nội địa như giá vận tải, phát triển cảng biển xanh…

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Xuân Sang thông tin: Vận tải hàng hóa năm 2023 đạt 2.344 triệu tấn, tăng 15,4% còn luân chuyển hàng hóa đạt 490 tỷ tấn tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, vận chuyển hàng hóa đường thủy 476 triệu tấn (tăng 18,7%) và đường biển 116 triệu tấn (tăng 7,8%). Lũy kế 02 tháng đầu năm 2024 ước đạt 416 triệu tấn tăng 13,9%; luân chuyển hàng hóa ước đạt 88 tỷ tấn tăng 14% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, vận chuyển hàng hóa đường thủy, đường biển tăng trưởng ấn tượng nhất với tỷ lệ lần lượt là 21%, 18,1% so với cùng kỳ.

Ông Nguyễn Xuân Sang nhìn nhận về ưu điểm Việt Nam là một quốc gia ven biển, với lợi thế có bờ biển dài, gần các tuyến hàng hải quốc tế, hệ thống sông ngòi dày đặc, ngành hàng hải và đường thuỷ nội địa có vai trò quan trọng trong lĩnh vực giao thông vận tải nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung.

 “Bộ Giao thông vận tải luôn đồng hành lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp, hiệp hội để tiếp tục đồng hành, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp hàng hải và đường thủy nội địa” - Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang nói.

Ông Nguyễn Lê Chơn Tâm, đại diện Hiệp hội Cảng biển Việt Nam, Tổng giám đốc Cảng Sài Gòn cho rằng, điều kiện cần và đủ để có cảng trung chuyển đầu tiên tại Việt Nam là phải có đối tác phù hợp; đúng vị trí gần với các tuyến đường hàng hải chính toàn cầu, dễ dàng tiếp cận bằng các dịch vụ trung chuyển và biển sâu, yếu tố địa lý thuận lợi, nước sâu >15,5m tiếp nhận tàu post-panamax, bãi có thể mở rộng, trang thiết bị công suất lớn và đúng thời điểm.

Ông Nguyễn Lê Chơn Tâm cho hay, hiệp hội Cảng biển Việt Nam đề xuất Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải bổ sung quy hoạch và xây dựng chiến lược cho khu vực cảng, phát triển cảng xanh; thiết lập cơ chế hỗ trợ chính sách, thu hút vốn đầu tư; cải tạo mở rộng hệ thống sông ngòi, có cơ chế phát triển giao thông thủy nội địa.

Đưa ra ý kiến của mình, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải - Bộ Giao thông vận tải chia sẻ, cần hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, đổi mới cơ chế chính sách, đẩy mạnh cải cách hành chính; tham mưu đề xuất xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ ưu đãi cho lĩnh vực đường thủy nội địa; nghiên cứu triển khai xã hội hóa, kêu gọi nguồn vốn ODA để đầu tư vào các công trình, dự án; nâng cấp chất lượng hiệu quả công tác quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt; tập trung xử lý các điểm nghẽn trên tuyến luồng nội địa; đôn đốc các địa phương triển khai hiệu quả công tác quản lý nhà nước…

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại hội nghị. 

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh, thời gian tới, Bộ tập trung khai thác hiệu quả vận tải biển nội địa nhằm giảm tải cho đường bộ, góp phần giảm chi phí vận tải và điều tiết hợp lý cơ cấu thị phần của các loại hình vận tải. Phát huy tối đa lợi thế về vị trí của các cảng biển, đặc biệt là cảng cửa ngõ quốc tế để thu hút các tàu trọng tải lớn vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu đi các tuyến vận tải biển xa; Đẩy nhanh thủ tục tàu thuyền ra, vào cảng, tối ưu hóa công tác xếp, dỡ hàng hóa, thực hiện các giải pháp cho tàu lớn vào cảng nhằm giảm thời gian và tăng cường hiệu quả hoạt động tàu thuyền trong bối cảnh giá cước vận chuyển trên các tuyến trên tăng cao; Xem xét nghiên cứu giải pháp tăng cường công tác quản lý giá dịch vụ tại cảng biển, giá các loại thu đối với hàng hoá tại cảng biển, nghiên cứu bổ sung quy định về quản lý tuyến vận tải nhằm tạo môi trường kinh doanh minh bạch cho doanh nghiệp hoạt động và phát triển...

Ông Nguyễn Văn Thắng kiến nghị các bộ, ngành tiếp tục đồng hành với Bộ Giao thông vận tải thực hiện các giải pháp, cụ thể như: Bộ Kế hoạch và Đầu tư hỗ trợ trong công tác thực hiện các quy hoạch ngành, các chính sách về đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cảng biển, cảng thủy nội địa, đội tàu vận tải; Bộ Tài chính xem xét bổ sung các quy định về tăng cường quản lý giá dịch vụ, phụ thu đối với hàng hóa tại cảng biển, phí lệ phí; đồng thời tiếp tục cải cách thủ tục hải quan, đặc biệt tại các cảng biển trung chuyển nước sâu, khu vực cảng mở; Bộ Công Thương thực hiện các giải phát nhằm thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics và giảm chi phí logistics, tạo thuận lợi cho vận tải hàng hóa hoạt động hiệu quả; UBND các tỉnh thành nghiên cứu xem xét ban hành các chính sách hỗ trợ trong công tác bố trí vị trí đổ thải cho hoạt động nạo vét được thuận lợi, đạt tiến độ đề ra, bảo đảm cho tàu thuyền hoạt động an toàn.

Về phía các doanh nghiệp, cùng đồng hành với các Bộ ngành, địa phương và Hiệp hội thực hiện các giải pháp nêu trên, tiếp tục đóng góp các sáng kiến mới để thúc đẩy phát triển ngành hàng hải, đường thuỷ nội địa; đồng thời cần tuân thủ các quy định pháp luật trong quá trình hoạt động, đặc biệt trong lĩnh vực giá, phí và lệ phí.

Những kiến nghị, đề xuất của các hiệp hội, doanh nghiệp là nguồn tham khảo quan trọng để Bộ Giao thông vận tải cùng các Bộ, ngành liên quan xây dựng, ban hành hoặc tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics, vận tải biển, đường thủy nội địa, khai thác hiệu quả kết cấu hạ tầng cảng biển, cảng đường thủy nội địa./.

 

Tin,ảnh: CM

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực