Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp ở ĐBSCL (Ảnh: K.V)
Theo Cục Chế biến nông lâm sản và nghề muối (Bộ Nông ngiệp và Phát triển nông thôn), công nghệ, thiết bị cho chế biến gạo của Vùng đã có nhiều tiến bộ; nhưng trong chế biến, việc đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật về độ đồng đều, độ khô của lúa làm chưa tốt; lúa có độ ẩm cao, nhiều tạp chất nên chất lượng gạo thấp. Do đó, cần đổi mới công nghệ đồng bộ để giảm tổn thất sau thu hoạch; chú trọng yếu tố giống và kỹ thuật canh tác nhằm nâng cao chất lượng hạt lúa, nâng cao chất lượng gạo.
Hiện nay, tổng công suất của hệ thống kho chứa lúa gạo hiện nay ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long là vào khoảng 6,7 triệu tấn. Toàn Vùng hiện có khoảng 560 cơ sở chế biến gạo quy mô công nghiệp, tổng năng lực xay xát khoảng 13 triệu tấn sản phẩm/năm.
Những năm qua, việc đưa cơ giới hóa vào thu hoạch lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long đã được chú trọng, từ đó, góp phần vào giảm thiểu thiệt hại năng suất sau thu hoạch. Với 1,5 triệu ha đất lúa, vào mỗi vụ thu hoạch rộ, nhu cầu sử dụng máy thu hoạch của nông dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long là rất lớn.
Hiện toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long có hơn 9 nghìn máy gặt đập liên hợp, theo khảo sát của Phân viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, tổn thất sau thu hoạch lúa gạo tại đây từ 13% đến 14%, tương đương mỗi năm thiệt hại khoảng 635 triệu USD (khoảng 12.700 tỷ đồng). Theo đó, khâu phơi sấy mất 4,2%, thu hoạch mất 3%, xay xát 3%, bảo quản 2,6%, vận chuyển 0,9%. Ngoài ra, tổn thất các phụ phẩm khác của lúa gạo cũng lên đến 50%. Chính vì vậy, việc đưa cơ giới hóa vào thu hoạch lúa gạo ở khu vực này là rất cần thiết.
Ðể đẩy nhanh tiến trình cơ giới hóa trong sản xuất lúa, Chính phủ đã có nhiều chính sách nhằm hỗ trợ nông dân mua máy móc phục vụ sản xuất. Các địa phương cũng tùy theo nhu cầu, điều kiện mà có cơ chế hỗ trợ nông dân. Lãnh đạo Viện lúa Ðồng bằng sông Cửu Long khẳng định, cơ giới hóa trong sản xuất lúa, bảo quản sau thu hoạch là điều kiện bắt buộc trong giai đoạn hiện nay nhằm giảm thất thoát sau thu hoạch. Các nước sản xuất lúa gạo lớn trên thế giới tổn thất sau thu hoạch từ 4% đến 6%, còn tại Ðồng bằng sông Cửu Long đặt mục tiêu giảm thất thoát sau thu hoạch xuống còn từ 6% đến 8%. Khi cơ giới hóa toàn bộ khâu thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp sẽ giảm tỷ lệ thất thoát từ 2% đến 3%.
Chính vì vậy, những năm gần đây, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã có bước chuyển biến mạnh mẽ trong việc đưa cơ giới và các tiến bộ khoa học kỹ thuật, giống lúa tốt vào đồng ruộng nhằm từng bước nâng cao sản lượng và chất lượng lúa gạo.
Tất cả các khâu trong quy trình sản xuất lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long như làm đất, bơm tưới, thu hoạch, chế biến và bảo quản sau thu hoạch đều được cơ giới hóa, nhất là khâu thu hoạch lúa. Chính vì vậy, Nhà nước đã thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất nhằm khuyến khích và hỗ trợ nông dân đầu tư mua máy gặt đập liên hợp để khắc phục tình trạng khan hiếm lao động và giảm tỷ lệ thất thoát trong khâu thu hoạch. /…