Thu ngân sách 5 tháng giảm 5,9%

Thứ sáu, 12/06/2020 19:05
(ĐCSVN) – Ngày 12/6, Bộ Tài chính cho biết, tổng thu cân đối ngân sách nhà nước (NSNN) tháng 5 ước đạt 70,4 nghìn tỷ đồng. Tính chung thu 5 tháng chỉ đạt 577 nghìn tỷ đồng, bằng 38,2% dự toán, giảm 5,9% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong đó, thu nội địa tháng 5 ước đạt 56,5 nghìn tỷ đồng (xấp xỉ 4,5% dự toán, giảm khoảng 31 nghìn tỷ đồng so với tháng 4 và chỉ bằng 65,4% mức thu tháng 5 năm 2019). Lũy kế 5 tháng ước đạt 480,5 nghìn tỷ đồng, bằng 38% dự toán, giảm 5,9% so cùng kỳ năm 2019 (cùng kỳ năm 2019 đạt 43,5% dự toán, tăng 13,9%).

Tổng cục Thuế cho biết đã xử lý việc gia hạn cho người nộp thuế đúng chế độquy định, đảm bảo kịp thời; Tăng cường kiểm tra, giám sát, tránh việc lợi dụng chính sách để trục lợi từ NSNN. 

Thu từ dầu thô tháng 5 ước đạt 1,5 nghìn tỷ đồng, giảm khoảng 1 nghìn tỷ đồng so với tháng 4. Lũy kế 5 tháng thu ước đạt 19,84 nghìn tỷ đồng, bằng 56,4% dự toán, giảm 17,8% so với cùng kỳ năm 2019. Giá dầu thô thanh toán 5 tháng đầu năm bình quân đạt 52 USD/thùng, thấp hơn 8 USD/thùng so với giá dự toán, bằng khoảng 78,5% so với cùng kỳ năm 2019; Sản lượng ước đạt 3,94 triệu tấn, bằng 43,7% kế hoạch, bằng 78% so với cùng kỳ năm 2019.

Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu cũng giảm mạnh. Tháng 5 ước đạt 12,3 nghìn tỷ đồng (tổng số thu thuế đạt 21,7 nghìn tỷ đồng, giảm khoảng 1,6 nghìn tỷ đồng so tháng trước, hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ 9,4 nghìn tỷ đồng). Lũy kế thu 5 tháng đạt ước đạt 76,2 nghìn tỷ đồng, bằng 36,7% dự toán, giảm 23,4% so với cùng kỳ năm 2019, trên cơ sở tổng số thu thuế ước đạt 123,94 nghìn tỷ đồng, bằng 36,7% dự toán, giảm 16,9% so với cùng kỳ năm 2019; Hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ khoảng 47,7 nghìn tỷ đồng.

 Ảnh minh họa (Ảnh: M.P)

Ở chiều ngược lại, tổng chi NSNN tháng 5 ước đạt 130,3 nghìn tỷ đồng. Luỹ kế chi 5 tháng đạt 603,4 nghìn tỷ đồng, bằng 34,5% dự toán, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó: chi đầu tư phát triển đạt 122,24 nghìn tỷ đồng, bằng 26% dự toán, tuy có khá hơn về tiến độ so với năm 2019, song vẫn ở mức thấp so với yêu cầu; chi trả nợ lãi đạt 49 nghìn tỷ đồng, bằng 41,5% dự toán; chi thường xuyên đạt 428,7 nghìn tỷ đồng, bằng 40,6% dự toán.

Theo Bộ Tài chính, các nhiệm vụ chi ngân sách trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm được thực hiện theo dự toán và tiến độ triển khai nhiệm vụ chuyên môn của các đơn vị sử dụng ngân sách, đáp ứng các nhiệm vụ đảm bảo an sinh xã hội.

Đáng chú ý, để phòng, chống dịch COVID-19,  ngân sách Trung ương (NSTW) và ngân sách địa phương (NSĐP) đã tăng chi cho các hoạt động y tế, bảo đảm vệ sinh môi trường và các hoạt động hỗ trợ kiểm soát, phòng, chống dịch. Căn cứ Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, tính đến hết ngày 29/5/2020, các địa phương đã ban hành quyết định phê duyệt danh sách đối tượng và kinh phí với tổng số tiền khoảng 12,1 nghìn tỷ đồng (chủ yếu phê duyệt đủ cho đối tượng người có công, bảo trợ xã hội và người nghèo, cận nghèo). Các đối tượng là lao động, vẫn đang tiếp tục rà soát để ban hành các quyết định hỗ trợ sau. Tổng hợp số liệu từ Kho bạc Nhà nước (KBNN) các địa phương, đến hết ngày 29/5/2020 tất cả 63/63 địa phương đã thực hiện rút tiền từ KBNN để hỗ trợ 8,98 triệu người, với tổng số chi từ NSNN là 9.418 tỷ đồng

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cho biết trong 5 tháng đầu năm, NSTW đã trích dự phòng để bổ sung 2,8 nghìn tỷ đồng cho Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và 169,6 tỷ đồng tạm cấp cho 07 địa phương để triển khai các hoạt động phòng chống dịch COVID-19; hỗ trợ 530 tỷ đồng cho 8 địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn và 339 tỷ đồng cho một số địa phương thực hiện chính sách phòng chống dịch tả lợn Châu Phi và khôi phục sản xuất sau thiên tai, dịch bệnh. Ngoài ra, thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã xuất cấp 12,76 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để khắc phục hậu quả thiên tai, cứu trợ, cứu đói cho nhân dân trong dịp giáp hạt đầu năm 2020.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương vẫn được đảm bảo. Tính đến ngày 25/5/2020, Bộ Tài chính đã thực hiện phát hành gần 58,82 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ theo kế hoạch năm 2020 để chi trả nợ trái phiếu đến hạn và để nhận nợ với Bảo hiểm xã hội Việt Nam theo Nghị quyết của Quốc hội (9.090 tỷ đồng), với kỳ hạn bình quân 15,38 năm, lãi suất bình quân 3,06%/năm (bình quân năm 2019 là 3,01%/năm)./.

M.P

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực