Đây là định hướng lớn được Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Kon Tum xác định tại Chương trình số 50-CTr/TU mới đây nhằm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị “về phương hướng phát triển kinh tế- xã hội và bảo đảm quốc phòng- an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Cụ thể, trong mục tiêu chung của Chương trình kể trên, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Kon Tum đặt ra định hướng: “Xây dựng tỉnh Kon Tum ổn định, phát triển toàn diện, bền vững; trở thành cực phát triển quan trọng của vùng Tây Nguyên với đa ngành nghề, đa lĩnh vực: Nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, đô thị và nông thôn. Trong đó, chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; quản lý, bảo vệ, nâng cao chất lượng rừng gắn với sinh kế của người dân; tăng cường thu hút công nghiệp chế biến; phát huy tiềm năng, lợi thế về du lịch; đẩy mạnh phát triển đô thị, xây dựng nông thôn mới; lấy đầu tư nâng cấp, mở rộng kết cấu hạ tầng giao thông làm động lực để đẩy nhanh kết nối với các trung tâm kinh tế lớn, tăng cường liên kết vùng; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; tăng cường hội nhập và phát triển; bảo vệ môi trường, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu”.
|
Hạ tầng đô thị TP Kon Tum đang không ngừng phát triển và hoàn thiện.
|
Chương trình cũng đặt ra các mục tiêu cụ thể đến năm 2030 như: tốc độc tăng trưởng GRDP bình quân của tỉnh giai đoạn 2021- 2025 đạt trên 10%/năm; giai đoạn 2026- 2030 đạt trên 9,5%/năm. Cơ cấu các ngành kinh tế: Công nghiệp- Xây dựng, Dịch vụ và Nông- Lâm- Thủy sản giai đoạn 2021- 2025 lần lượt là 32- 33%, 42- 43% và 19- 20%; giai đoạn 2026- 2030 lần lượt là 33- 35%, 43- 45% và 17- 18%. Đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người của tỉnh đạt trên 110 triệu đồng/người; thu ngân sách nhà nước đạt trên 7.800 tỷ đồng; tỷ lệ đô thị hoá đạt khoảng 50- 52%: tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới khoảng 90%, trong đó tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao khoảng 30%.
Giai đoạn 2021- 2030, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt 6,5%/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 3-4%/năm. Đến năm 2030, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt khoảng 45%; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt khoảng trên 60%; tỷ lệ cơ sở giáo dục đạt chuẩn quốc gia: Mầm non trên 60%; tiểu học trên 80%, trung học cơ sở trên 65% và trung học phổ thông trên 65%; đạt 40 giường bệnh, 12 bác sĩ trên 10.000 dân; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 100%.
Đến năm 2030, tỷ lệ chủ phủ rừng đạt 64%; tỷ lệ sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh của dân cư đô thị đạt 96%, ở nông thôn đạt 99%; tỷ lệ rác thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gôm và xử lý theo quy định đạt 95%. Đạt 100% đối với các chỉ tiêu: Tỷ lệ chất thải rắn nguy hại phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ, cơ sở y tế được thu gôm xử lý; tỷ lệ khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường.
Trên cơ sở của các mục tiêu cụ thể và tầm nhìn chung đó, hiện HĐND và UBND tỉnh Kon Tum cũng đã xây dựng các kế hoạch, định hướng lớn để chỉ đạo các địa phương, đơn vị cụ thể hoá, triển khai thực hiện nhằm sớm đưa Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chương trình của Tỉnh uỷ đi vào cuộc sống.
Đồng thời với đó, trong thời gian vừa qua, Tỉnh uỷ Kon Tum cũng đã chỉ đạo các cấp uỷ, các cơ quan, địa phương trong tỉnh tiến hành tổng kết, đánh giá thực tiễn công tác và kết quả các mặt kinh tế- xã hội, văn hoá, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị… trên địa bàn, nhất là kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVI của Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 để có cơ sở nhận định tổng quan cũng như xây dựng và điều chỉnh các cơ chế, chính sách, các mục tiêu chỉ tiêu, giải pháp để phấn đấu thực hiện trong những năm đến nhằm thực hiện thành công và hiệu quả Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trên địa bàn tỉnh.
|
Cùng với cao su, sắn, sâm Ngọc Linh, dược liệu, rau, hoa xứ lạnh, các sản phẩm chế biến từ nông nghiệp, vùng chuyên canh nguyên liệu cà phê tại Kon Tum hiện đã định hình và phát huy hiệu quả. |
Theo đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Kon Tum, với vị trí chiến lược của Tây Nguyên nói chung, trong đó có Kon Tum, thời gian qua các cấp uỷ, địa phương, đơn vị trong toàn tỉnh đã bám sát những định hướng của Trung ương và thực tiễn địa phương để lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiều chương trình, dự án, kế hoạch đề ra, qua đó góp phần từng bước đưa Kon Tum phát triển mạnh mẽ, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển chung của vùng Tây Nguyên. Đặc biệt, quy mô nền kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng; trong đó tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) hằng năm tăng trưởng khá, bình quân giai đoạn 2021-2022 đạt 8%/năm; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng đều qua các năm (năm 2021 đạt 3.659 tỷ đồng, năm 2022 đạt 4.050 tỷ đồng); thu nhập bình quân đầu người tăng từ 43,2 triệu đồng cuối năm 2020 lên 52,44 triệu đồng vào cuối năm 2022.
Cùng với tăng trưởng, cơ cấu kinh tế của tỉnh cũng chuyển dịch tích cực, giảm dần tỷ trọng nhóm ngành nông nghiệp, tăng tỷ trọng nhóm ngành công nghiệp-xây dựng, thương mại-dịch vụ.
Cạnh đó, môi trường đầu tư tại Kon Tum luôn được cải thiện, đạt được nhiều kết quả khả quan, đáng kể là chỉ số PCI năm 2022 do VCCI công bố ngày 11/4/2023, tỉnh Kon Tum đạt 64,89 điểm, tăng 24 bậc so với năm 2021, xếp thứ 37/63 tỉnh, thành phố trên cả nước, đứng thứ hai khu vực Tây Nguyên. Từ những nỗ lực này, đến nay nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong và nước ngoài đã đến khảo sát, tìm kiếm cơ hội đầu tư tại tỉnh.
Trong khi đó, kết cấu hạ tầng đô thị được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm. Mạng lưới giao thông với các tỉnh trong vùng và Duyên hải miền Trung được kết nối, đồng thời thông thương với các nước bạn Lào, Campuchia và các tỉnh Đông Bắc Thái Lan.
Trên cơ sở sự phát triển của nền kinh tế, đời sống văn hoá và tinh thần của nhân dân các dân tộc trên địa bàn không ngừng được nâng cao. Đến năm 2021, hộ nghèo trên địa bàn tỉnh còn 6,33%; từ năm 2005 tại tỉnh Kon Tum đã không còn hộ đói….
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình phát triển, tỉnh Kon Tum cũng còn nhiều khó khăn, thách thức, trong đó cơ cấu kinh tế còn nhiều bất cập, quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế chưa bền vững, bộc lộ nhiều hạn chế; trình độ và mặt bằng dân trí vẫn còn thấp, nhất là trong cộng đồng đồng bào các dân tộc thiểu số và tại các xã vùng cao, vùng sâu; kỹ thuật canh tác nông, lâm nghiệp còn lạc hậu; tình trạng độc canh và quảng canh vẫn phổ biến; chất lượng nguồn nhân lực thấp, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao….
Trước thực tế đó, theo đồng chí Dương Văn Trang, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Kon Tum thì, Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị “về phương hướng phát triển kinh tế- xã hội và bảo đảm quốc phòng- an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” ra đời sẽ là cơ hội, đồng thời là định hướng lớn rất quan trọng để Kon Tum phát triển.
|
Phiên chợ sâm Ngọc Linh và các cây dược liệu gắn với du lịch đang là định hướng nhiều tiềm năng cho Kon Tum tiếp tục phát triển bền vững. |
“Xác định rõ tầm quan trọng đó, Ban Thường vụ Tỉnh uỷm Tỉnh uỷ Kon Tum đang tập trung chỉ đạo các cấo uỷ, địa phương, cơ quan, đơn vị chú trọng quan tâm nghiên cứu, vận dụng đúng đắn, sáng tạo chủ trương, nghị quyết của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 23-NQ/TW vào điều kiện thực tế của địa phương, đơn vị. Quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện đồng bộ, phù hợp với thực tiễn, có trọng tâm, trọng điểm, sâu sát với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, năng động, sáng tạo, tích cực, có bước đi phù hợp, phát huy mọi nguồn lực; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, kịp thời xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và những vấn đề phát sinh”- đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Kon Tum nhấn mạnh và cho biết thêm: Tỉnh uỷ cũng đặt ra yêu cầu trong quá trình lãnh, chỉ đạo, các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị cần kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với tăng cường, bảo đảm quốc phòng an ninh, giữ vững ổn định chính trị; độc lập, tự chủ với tăng cường đối ngoại, hội nhập quốc tế; thực hiện công bằng xã hội; phát huy tối đa nội lực gắn với huy động các nguồn lực từ bên ngoài; thường xuyên sâu sát cơ sở, gần dân, sát dân, tăng cường đối thoại, lắng nghe và kịp thời giải quyết các vấn đề bức xúc, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của nhân dân. Quan tâm chăm lo và nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân; chú trọng công tác củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, nhất là công tác cán bộ; xử lý nghiêm, kịp thời cán bộ, công chức vi phạm pháp luật, thiếu tinh thần trách nhiệm; lắng nghe và đồng hành với doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong quá trình phát triển.
Chia sẻ thêm về những nhiệm vụ đã và đang được tỉnh Kon Tum nỗ lực thực hiện, qua đó góp phần thực hiện thành công Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Lê Ngọc Tuấn cho rằng, từ những tiềm năng, lợi thế của mình, tỉnh Kon Tum đã tập trung dồn sức đầu tư xây dựng ba vùng kinh tế động lực là Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y (huyện Ngọc Hồi), Khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen (huyện Kon Plông) và TP Kon Tum. Với quyết tâm và sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, diện mạo của ba vùng kinh tế đã hiện hữu, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển, đồng thời sẽ tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa trong những năm đến. Ngoài ra, hiện tại Kon Tum cũng đã hình thành nhiều vùng chuyên canh nguyên liệu về cà phê, cao su, sắn, sâm Ngọc Linh, dược liệu, rau, hoa xứ lạnh, các sản phẩm chế biến từ nông nghiệp. Kết cấu hạ tầng thiết yếu, nhất là vùng sâu, vùng xa ngày càng được hoàn thiện, nâng cao. Đặc biệt, tỉnh Kon Tum cũng đang xúc tiến, tập trung thu hút đầu tư để trở thành vùng dược liệu trọng điểm của quốc gia, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương trong thời gian đến./.