Thúc đẩy khu vực miền Trung - Tây Nguyên phát triển trong điều kiện mới

Thứ hai, 27/06/2022 17:14
(ĐCSVN) - Hội thảo nhằm làm rõ bối cảnh, khơi thông các “điểm nghẽn”, khai thác và sử dụng các nguồn lực... từ đó đề xuất giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh, TP khu vực miền Trung - Tây Nguyên thích ứng an toàn, linh hoạt trong điều kiện mới.
 Đồng chí Hồ Quốc Dũng - Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định phát biểu chào mừng Hội thảo.

Ngày 27/6, tại thành phố Quy Nhơn, Tỉnh ủy Bình Định cùng Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản tổ chức hội thảo khoa học “Khơi thông nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh, thành phố miền Trung – Tây Nguyên trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch bệnh COVID-19”.

Hội thảo tập trung vào 3 nội dung chính gồm: Một số vấn đề lý luận chung về khơi thông nguồn lực phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội hiện nay; Những vấn đề thực tiễn trong khơi thông nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội ở các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung – Tây Nguyên; Những vấn đề phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Định trong bối cảnh mới.

Miền Trung – Tây Nguyên là khu vực có vị trí chiến lược về kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh trong chiến lược phát triển, bảo vệ Tổ quốc. Đây là địa bàn có diện tích lớn, trải dài, có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế gắn với biển và rừng. Con người miền Trung có tính cần cù, hiếu học, có ý chí và khát vọng vươn lên. 

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách, nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên và trên thực tế đã đạt được nhiều kết quả quan trọng: Kinh tế phát triển khá, chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng dịch vụ, công nghiệp, giảm tỷ trọng nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế; kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư, xây dựng; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao.

PGS.TS Đoàn Minh Huấn - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản và các đồng chí chủ trì tại Hội thảo.

Tuy nhiên, hiện nay, so với các tỉnh phía Bắc và phía Nam, miền Trung - Tây Nguyên vẫn là khu vực còn nhiều khó khăn. Trình độ, chất lượng, tốc độ phát triển kinh tế vẫn còn thấp, dưới tiềm năng, lợi thế phát triển và các nguồn lực được huy động. Liên kết vùng còn nhiều hạn chế. Trong vùng, không có địa phương nào đủ hấp lực để thu hút dòng vốn, dòng người, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển và lan tỏa giá trị, không gian phát triển. Những hạn chế và bất cập trên có nhiều nguyên nhân, như địa bàn có thời tiết khắc nghiệt, lãnh thổ trải dài, chia cắt, gây khó khăn trong việc tổ chức không gian phát triển kinh tế - xã hội; tiềm năng, thế mạnh của các địa phương có nhiều điểm tương đồng (đường bờ biển dài, tiềm năng phát triển du lịch tốt, hệ thống giao thông, cảng biển…), nên bị phân tán nguồn lực đầu tư. Mặt khác, thiếu cơ chế, chính sách mang tính đột phá để phát triển các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên.

Đặc biệt, liên kết vùng tại khu vực chưa mang lại nhiều kết quả. Mặc dù chủ trương liên kết vùng được xác định sẽ tạo điều kiện, không gian phát triển. Nhưng cho đến nay, các tỉnh, thành phố trong khu vực vẫn phát triển theo tư duy kinh tế địa phương, đồng thời xuất hiện những xung đột giữa lợi ích địa phương và lợi ích toàn vùng do sự thiếu tính liên kết trong phát triển. Các quy định hiện nay về liên kết tại khu vực chưa mang tính ràng buộc giữa các địa phương về việc phải thực hiện theo đúng quy hoạch phát triển của vùng, cơ chế quản lý điều phối vùng chưa chặt chẽ, đồng bộ khiến việc liên kết chưa hiệu quả. Hơn nữa, các nội dung để thực hiện các liên kết phát triển vùng, nhất là vấn đề liên kết hạ tầng, du lịch, công nghiệp, dịch vụ, cảng biển, sân bay chưa thống nhất, phần lớn mang tính tự phát, xuất phát từ lợi ích tự thân của từng ngành thay vì từ nhu cầu liên kết, phân chia nguồn lực hợp lý. Cạnh đó, chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao cũng chính là một trong những “điểm nghẽn” cản trở phát triển của khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Do đó, mặc dù các địa phương có nhiều thế mạnh mang tính đặc biệt nhưng chưa thể phát triển như mong muốn, chưa tạo ra thế mạnh trong liên kết vùng.

Đại dịch COVID-19 tác động nặng nề đến phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung, các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên nói riêng đã làm cho tốc độ phát triển chậm lại, ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt, đặc biệt với một số tỉnh, thành phố miền Trung dựa nhiều vào dịch vụ, du lịch. Điều đó đòi hỏi nhiều địa phương phải định hình, thay đổi tư duy, tầm nhìn, chiến lược phát triển, thích ứng an toàn, linh hoạt trong điều kiện mới.

Đứng trước khó khăn, hạn chế đó, để đưa miền Trung - Tây Nguyên có sự bứt phá mạnh mẽ trong thời gian tới, biến các thách thức thành cơ hội phát triển, đặc biệt là về kinh tế biển, cần khai thác, huy động và sử dụng tốt các nguồn lực cho quá trình phát triển như nguồn lực con người, sức mạnh văn hóa, ý chí, khát vọng vươn lên của con người miền Trung; khai thác, tận dụng tiềm năng, lợi thế về kinh tế biển, các di tích, danh thắng được thiên nhiên ban tặng; đồng thời, năng động, sáng tạo trong lựa chọn cách thức và con đường phát triển phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương mình. Bên cạnh đó, sự phát triển của một địa phương không thể có được nếu tách rời, thiếu phối hợp, thiếu liên kết với các địa phương khác. Miền Trung - Tây Nguyên trong chặng đường phát triển mới, thích ứng với dịch bệnh, có lẽ cần tìm một cách thức mới trong liên kết để có thể phát triển ngang tầm với tiềm năng và lợi thế của mình.

Quang cảnh tại Hội  thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng cho rằng: Hội thảo là hoạt động thiết thực, ý nghĩa nhằm triển khai, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và kết luận rất quan trọng của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về một số vấn đề phát triển kinh tế - xã hội trên tinh thần đổi mới tư duy, phương thức về phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh gắn với phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

“Kết quả Hội thảo là cơ sở khoa học giúp các tỉnh, thành phố miền Trung - Tây Nguyên khẩn trương xây dựng và tổ chức thực hiện các phương án, kịch bản cụ thể, sát thực với tình hình thực tế, mang tính khả thi cao để tiếp tục khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19, đẩy mạnh khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội , nhất là trong bối cảnh tình hình giá cả, thị trường đang có những diễn biến rất phức tạp. Từ đó, góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đảng bộ các tỉnh, thành trong khu vực và Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”- đồng chí Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh.

Nhân dịp Hội thảo lần này, Tỉnh ủy Bình Định và Tạp chí Cộng sản cũng ký kết Chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2022 - 2025./.

Tin, ảnh: Đình Tăng và CTV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực