Thúc đẩy nông hộ tham gia chuỗi cung ứng chè bền vững và chất lượng

Thứ ba, 28/02/2017 18:42
(ĐCSVN) - Sáng 28/2, tại Hà Nội, Hiệp hội chè Việt Nam phối hợp cùng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức Hội nghị phát triển chè bền vững lần thứ 5 và ra mắt dự án “Thúc đẩy các nông hộ chè tham gia vào chuỗi cung ứng chè bền vững và chất lượng – giai đoạn 2”.

Quang cảnh Hội nghị (Ảnh: BT)

Phát biểu tại Hội nghị, ông Lê Văn Đức – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, trong năm 2016, ngành chè Việt Nam đạt mức xuất khẩu 223 triệu USD, so với các ngành hàng khác tuy không cao nhưng đã góp phần giải quyết nhiều công tác liên quan đến khu vực nông thôn, đặc biệt là cho bà con vùng miền núi phía Bắc. Đồng thời, chè cũng là ngành đạt khá nhiều tiến bộ trong các khâu về giống, kỹ thuật, sử dụng phân bón; đồng thời thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư, sản xuất. Tuy nhiên, cũng theo Phó Cục trưởng Lê Văn Đức, hiện nay, ngành chè của Việt Nam chất lượng còn chưa cao; sản xuất chè an toàn chưa sâu rộng và giá trị gia tăng còn hạn chế.

Nhằm góp phần nâng cao chất lượng chè của Việt Nam, Dự án thúc đẩy nông hộ chè tham gia vào chuỗi cung ứng chè bền vững và chất lượng – giai đoạn 2 (VUI) và Dự án “Chất lượng và bền vững của ngành chè Việt” (IDH) đã được triển khai thực hiện.

Với dự án VUI (thời gian thực hiện từ tháng 7/2016 đến tháng 12/2017), được tài trợ từ tổ chức IDH Hà Lan (Tổ chức sáng kiến thương mại bền vững Hà Lan), Tập đoàn Unilever và Bộ NN&PTNT do Hiệp hội chè Việt Nam thực hiện, hướng tới mục tiêu đào tạo, tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật cho 15 nhà máy cùng 16.500 nông hộ trồng chè về nông nghiệp bền vững; sản lượng đạt khoảng 25.000 tấn chè được sản xuất có trách nhiệm, trong đó khoảng 15.000 tấn được chứng nhận theo tiêu chuẩn yêu cầu, tiếp cận thị trường thế giới và cung ứng cho Tập đoàn Unilever.

Với Dự án IDH (thời gian thực hiện từ tháng 9/2015 đến tháng 9/2017) - được tài trợ 40% kinh phí từ tổ chức IDH Hà Lan, 60% là các doanh nghiệp tham gia đóng góp nhằm xây dựng và áp dụng mô hình Agri-team (đội bảo vệ thực vật tập trung) giúp doanh nghiệp kiểm soát việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tại vùng trồng chè; tư vấn cho doanh nghiệp về loại thuốc thay thế đúng, thường xuyên cập nhật tình hình (dư lượng thuốc bảo vệ thực vật) tại các thị trường lớn và các vấn đề liên quan đến kỹ thuật nông nghiệp. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp mua đồ bảo hộ bình phun đúng, kiểm tra dư lượng tại các phòng thí nghiệm quốc tế trước và sau khi phun thuốc thử nghiệm, hỗ trợ mua thuốc đúng.

Theo đại diện các doanh nghiệp, việc tham gia các dự án đã giúp thay đổi nhận thức cho người trồng chè, giúp đảm bảo an toàn thực phẩm; đồng thời công lao động giảm nhưng chất lượng cao hơn, góp phần bảo vệ môi trường và đưa ngành chè phát triển bền vững. Đại diện Tập đoàn Unilever Việt Nam cho biết, trước khi triển khai các dự án, mỗi năm Unilever chỉ nhập được khoảng 4.500-5.000 tấn chè Việt Nam. Nhưng đến nay, Unilever đã nhập được khoảng 11.000 tấn. Qua các mô hình hợp tác công-tư, hy vọng thời gian tới chất lượng chè Việt Nam tiếp tục được nâng cao và Unilever có thể nhập được 20.000 tấn chè từ Việt Nam.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp nhằm thực hiện dự án hiệu quả, đồng thời góp phần đưa chất lượng chè của Việt Nam ngày càng tốt hơn. Trong đó, có thể kể đến các hình thức phối hợp hoạt động hiệu quả giữa nhà máy và nông dân với quan hệ sản xuất không còn là mua-bán mà là mối quan hệ phân công: nhà máy và nông dân sẽ làm những công việc riêng với tính chất hoạt động sản xuất tập trung. Đồng thời, với việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, sẽ có yêu cầu về chất lượng vườn chè cho các nông dân về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, từ đó, nông dân sẽ tự ý thức về việc xây dựng vườn chè khỏe mạnh và ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật./.

 

 

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực