|
Các đồng chí chủ trì Diễn đàn (Ảnh: Thế Dương). |
Thị trường năng lượng cạnh tranh - tất yếu trong phát triển năng lượng bền vững
PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, mấu chốt của cạnh tranh là giá (cách định giá) tác động đến cung - cầu, do đó, cần một cách tiếp cận mới, theo hướng tư duy thị trường, hiện đại hoá, tầm nhìn năng lượng cạnh tranh, hydrogen, cơ hội thời đại và vị thế quốc gia mới. Theo đó, điều chỉnh chiến lược phát triển năng lượng (điện) cả phía cung lẫn cầu trên căn bản giá cả, thị trường điều tiết, chủ động đẩy mạnh quá trình thị trường hoá điện/giá điện; giá điện theo thị trường, công bằng xã hội tách bạch vai trò của nhà nước và thị trường, trả lại vai trò doanh nghiệp đích thực cho EVN, cơ chế giá điện hai thành phần (giá công suất và giá điện năng) đặc biệt chủ động kế hoạch điều chỉnh giá điện theo mùa vụ, trừ trường hợp bất thường.
Tham luận tại Diễn đàn, PGS.TS Đinh Văn Châu, Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực khẳng định, Việt Nam hiện đang đối mặt với nhu cầu năng lượng ngày càng tăng để đáp ứng sự phát triển kinh tế đất nước trong giai đoạn tới. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định hiện nay và dự báo mức độ tăng trưởng kinh tế trong những năm tới, nhu cầu điện năng dự kiến sẽ tăng mạnh và đạt quy mô công suất gấp đôi vào khoảng 500.000MW vào năm 2050.
Cũng theo PGS.TS Đinh Văn Châu, sau 11 năm thị trường điện cạnh tranh đi vào vận hành, việc xây dựng thị trường điện được đánh giá là mang lại nhiều lợi ích cho ngành điện và xã hội. Việt Nam là quốc gia đi sau trong xây dựng và phát triển thị trường điện nên bài học của Việt Nam là bài học kinh nghiệm của các quốc gia đi trước, tránh được những sai lầm không đáng có, đồng thời học tập được những kinh nghiệm xây dựng, phát triển thị trường điện hiệu quả. PGS.TS Đinh Văn Châu khuyến nghị, để phát triển thị trường điện cạnh tranh hiệu quả, cần cải thiện chính sách, cơ chế; đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ thị trường điện cạnh tranh theo hướng đáp ứng yêu cầu ngày càng minh bạch thông tin.
Cũng tham luận tại Diễn đàn, ông Lê Anh Chiến, đến từ Ban Tuyên giáo Đảng uỷ Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) cho rằng, mục tiêu tổng quát của Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị là nhằm bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia; cung cấp đầy đủ năng lượng ổn định, có chất lượng cao với giá cả hợp lý cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống của nhân dân, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái; đồng thời, tiến hành chuyển đổi năng lượng, góp phần quan trọng đáp ứng mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Trên cơ sở đó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã và đang tập trung khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trong nước kết hợp với xuất, nhập khẩu năng lượng hợp lý; triệt để thực hành tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng; chủ động sản xuất được một số thiết bị chính trong các phân ngành năng lượng; nâng cấp, xây dựng lưới điện truyền tải, phân phối điện tiên tiến, hiện đại.
|
Các đại biểu tham dự Diễn đàn (Ảnh: Thế Dương). |
Phân tích về kinh tế tuần hoàn với thị trường năng lượng cạnh tranh, GS.TS Đỗ Thế Tùng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nêu rõ: Ở Việt Nam, việc ứng dụng, phát triển kinh tế tuần hoàn đi đôi với ứng dụng, phát triển năng lượng sinh khối có nhiều thuận lợi nhưng cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức; như: Nông nghiệp Việt Nam về cơ bản vẫn là nông nghiệp lạc hậu, phân tán, phần lớn vẫn là kinh tế hộ và hợp tác xã nông nghiệp nhỏ, trình độ công nghệ thấp; nhận thức của nông dân, kể cả phần lớn cán bộ quản lý kinh tế tại địa phương, về lĩnh vực này còn hạn chế; vốn tự có và khả năng tiếp cận tín dụng rất eo hẹp; khung pháp lý và chính sách về phát triển kinh tế tuần hoàn chưa hoàn thiện... Bởi vậy, phải nghiên cứu và thực hiện những biện pháp phù hợp để hỗ trợ nông dân giải quyết những khó khăn kể trên, nhất là phải đẩy mạnh phong trào hợp tác hóa nông nghiệp, thì mới có điều kiện cần và đủ để phát triển mạnh mẽ kinh tế tuần hoàn.
Đề cập tới các chính sách, quy phạm pháp luật liên quan, Luật sư Nguyễn Hải, Đoàn Luật sư Huế đề xuất nhóm giải pháp tổng thể và nhóm phát triển thị trường điện, trong đó, đề xuất các giải pháp về tổ chức, quản lý đối với ngành năng lượng theo hướng nâng cao năng lực bộ máy quản lý nhà nước đối với ngành năng lượng nhằm giải quyết kịp thời những vướng mắc và rào cản về mặt pháp lý.
Luật sư Nguyễn Hải cũng nêu ra một số giải pháp về thực hiện quy hoạch phát triển ngành năng lượng, về giá năng lượng, về ứng dụng khoa học, công nghệ. Đặc biệt, liên quan giải pháp phát triển thị trường điện, Luật sư Nguyễn Hải đề nghị cần hoàn thiện thị trường bán buôn điện cạnh tranh, đảm bảo thị trường bán buôn điện vận hành minh bạch, công bằng, hiệu quả; hoàn thiện các cơ chế vận hành của thị trường điện và hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ thị trường bán buôn điện, đảm bảo thị trường điện vận hành theo đúng mô hình thiết kế đã được phê duyệt cũng như hoàn chỉnh các quy định về đầu tư, sản xuất, truyền tải, phân phối, an toàn điện theo Luật Điện lực (sửa đổi năm 2024) theo hướng tinh gọn để nâng cao chuyển đổi số, các doanh nghiệp điện và người quản lý doanh nghiệp nâng cao tự chủ trong quản trị doanh nghiệp, công tác báo cáo thống kê, thu thập dữ liệu kiểm định thiết bị hệ thống cần thu thập, khai thác khoa học và đảm bảo an toàn thông tin. Xây dựng và vận hành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh trên cơ sở giải quyết các chế định mua bán điện trực tiếp, nâng cấp đổi mới mô hình quản trị doanh nghiệp bán lẻ điện.
Năng lượng xanh đang được coi là xu thế phát triển bền vững
TS Võ Thành Phong, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương nêu một số phương hướng phát triển nền kinh tế hydro, công nghệ xanh trong thời gian tới, trong đó, các hoạt động nghiên cứu, phát triển và ứng dụng về công nghệ liên quan đến “hydro xanh” sử dụng nguồn lực trong nước cần lồng ghép với hoạt động hợp tác quốc tế, nội dung nghiên cứu đặt trong điều kiện thực tiễn của cơ chế, chính sách trong nước để đảm bảo sự bền vững và lan tỏa. “Quá trình chuyển dịch năng lượng được thúc đẩy bởi hai yếu tố là cơ chế, chính sách và công nghệ, trong đó cơ chế, chính sách có vai trò dẫn dắt và chủ đạo. Trên cơ sở những kết quả nghiên cứu toàn diện ban đầu về cơ chế, chính sách, cần ưu tiên lựa chọn một số lĩnh vực phát triển “hydro xanh” để hướng đến những mục tiêu cụ thể, cũng như tổng quát. Các lĩnh vực được lựa chọn cần được đánh giá tổng thể trên cơ sở những kinh nghiệm quốc tế, điều kiện kinh tế - xã hội, tự nhiên của Việt Nam.
Liên quan tới phát triển năng lượng tái tạo, PGS.TS Phạm Thị Thanh Bình, Khoa Kinh tế, Đại học Mở Hà Nội cho hay, năm 2021, Việt Nam xếp thứ 31 trong danh sách các quốc gia có độ thu hút cao về các cơ hội đầu tư và triển khai trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Tính riêng đối với chuyển dịch 2 ngành điện gió và điện mặt trời, tiềm năng đóng góp vào GDP cả nước lên tới 70 - 80 tỷ USD. Nhiều dự án nhà máy điện tại Việt Nam có sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân trong nước và nước ngoài. Đặc biệt, hoạt động đầu tư nước ngoài vào các dự án nguồn điện đầu tư theo hình thức BOT (Build - Operate – Transfer) đã làm giảm áp lực vốn cho Chính phủ trong những dự án kết cấu hạ tầng quan trọng, cần vốn lớn, công nghệ phức tạp như các dự án nguồn điện, góp phần quan trọng vào việc cung ứng điện cho hệ thống điện quốc gia. Việt Nam áp dụng cơ chế hỗ trợ giá điện cố định (FIT) là công cụ chính sách phổ biến được sử dụng ở hầu hết các nước trên thế giới. Thực tế đã chứng minh cơ chế giá FIT là công cụ hữu hiệu thúc đẩy phát triển nhanh nguồn điện năng lượng tái tạo, đặc biệt đối với những thị trường mới như Việt Nam. Từ những kết quả bước đầu, PGS.TS Phạm Thị Thanh Bình đề nghị cần chuyển sang cơ chế đấu thầu để khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài. Nhà đầu tư được chọn lựa để phát triển sẽ là nhà đầu tư đưa ra giá bán điện từ dự án điện năng lượng tái tạo thấp nhất. Cùng với đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền và phổ biến kiến thức đến với mọi người dân về tầm quan trọng, hiệu quả kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường của việc phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo trong quá trình phát triển bền vững. Từ đó, có những hành động thiết thực đóng góp cho việc phát triển và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo; giáo dục ý thức tiết kiệm năng lượng, sử dụng nguồn năng lượng sạch cho người dân.
Đề cập tới công tác truyền thông, báo chí về thị trường năng lượng cạnh tranh, TS Nguyễn Minh Phong, nguyên Phó Vụ trưởng, Phó Ban Tuyên truyền lý luận Báo Nhân Dân nhận định: Thực tế cho thấy, người làm công tác truyền thông về thị trường năng lượng cạnh tranh không chỉ có kỹ năng làm báo thông thường, mà phải có kiến thức về chính trị, chính sách công, có phong cách làm việc sát thực tiễn, gắn bó, đồng hành với người dân và doanh nghiệp; đồng thời, có khả năng tham mưu xây dựng các kế hoạch truyền thông bám sát cuộc sống của người dân và doanh nghiệp để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của họ, phản ánh được ý kiến của đông đảo các nhà khoa học, chính khách và nhân dân trong quá trình xây dựng và ban hành chính sách liên quan thị trường năng lượng cạnh tranh; cũng như có kỹ năng sáng tạo các sản phẩm truyền thông đa phương tiện để thực hiện thông tin hai chiều giữa người dân và Nhà nước một cách hiệu quả nhất.
|
Đồng chí Phan Xuân Thuỷ, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu bế mạc Diễn đàn (Ảnh: Thế Dương) |
Bế mạc Diễn đàn, đồng chí Phan Xuân Thuỷ, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng địnhh: Với hơn 40 tham luận được gửi tới Diễn đàn và các ý kiến tham luận trực tiếp đã cùng trao đổi tập trung vào 3 nhóm vấn đề: Thứ nhất, khẳng định vai trò thiết yếu, đặc biệt quan trọng của ngành năng lượng và sự cần thiết phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh trong đời sống kinh tế - xã hội Việt Nam. Các ý kiến tham luận đã nhấn mạnh tinh thần của Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó khẳng định tầm quan trọng của việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, là nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội, ưu tiên phát triển năng lượng nhanh và bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái, gắn với quốc phòng, an ninh và thúc đẩy tiến bộ xã hội. Phát triển năng lượng phải phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và xu thế hội nhập quốc tế, nhanh chóng xây dựng một thị trường năng lượng đồng bộ, minh bạch, cạnh tranh và đa dạng. Đặc biệt, khuyến khích sự tham gia của kinh tế tư nhân, loại bỏ các biểu hiện bao cấp, độc quyền và cạnh tranh không lành mạnh trong ngành năng lượng.
Thứ hai, đánh giá thực trạng thị trường năng lượng Việt Nam, nhất là từ khi có Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 2233/QĐ-TTg, ngày 28/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án Phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó nhận diện những kết quả đạt được; những khó khăn, hạn chế trong xu thế tất yếu của phát triển năng lượng cạnh tranh của kỷ nguyên số và kinh tế xanh, bền vững hiện nay.
Nhiều ý kiến dành sự quan tâm về những thách thức trong việc đảm bảo an ninh năng lượng ở Việt Nam, như: Thách thức trong chuyển dịch năng lượng hướng tới phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050; nguy cơ thiếu hụt điện năng; thiếu tính đa dạng hóa các nguồn năng lượng; công tác triển khai quy hoạch các phân ngành năng lượng còn nhiều hạn chế, bất cập; bất cập trong chính sách giá… Theo đó, Việt Nam cần ưu tiên phát triển năng lượng nhanh và bền vững, đi trước một bước gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm quốc phòng, an ninh, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội trong suốt quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Thứ ba, đề xuất, kiến nghị giải pháp thúc đẩy thị trường năng lượng cạnh tranh trong thời gian tới. Trên cơ sở quán triệt quan điểm, định hướng của Đảng về Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng như bối cảnh, yêu cầu và sự cần thiết phải phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh, các ý kiến tham luận đã đề xuất các giải pháp đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh phù hợp với thực tiễn của từng ngành, từng địa phương. Theo đó, để bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia trước yêu cầu toàn cầu hóa, cần đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế hướng vào những ngành có mức sử dụng năng lượng thấp, thực hiện chuyển đổi mô hình kinh tế đất nước theo hướng tăng trưởng xanh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp. Đẩy mạnh tiết kiệm năng lượng; phát triển năng lượng tái tạo và thực hiện dự trữ năng lượng; đẩy mạnh tìm kiếm thăm dò các nguồn tài nguyên năng lượng, phát triển năng lượng gắn với bảo vệ môi trường; thực hiện chính sách giá điện bảo đảm tính đúng, tính đủ theo cơ chế thị trường; duy trì an ninh năng lượng trong bối cảnh biến đổi khí hậu; phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hoá các loại hình năng lượng; phát triển năng lượng tái tạo cần đi đôi với phát triển kinh tế tuần hoàn. Tăng cường phối hợp giữa các ban, bộ, ngành, địa phương và thực hiện tốt công tác tuyên truyền để thay đổi tư duy, nhận thức trong sản xuất, sử dụng năng lượng bảo đảm an ninh năng lượng trong tình hình mới…
Cũng theo đồng chí Phan Xuân Thuỷ, năng lượng xanh đang được coi là xu thế phát triển bền vững của toàn cầu, Việt Nam - với những lợi thế về tự nhiên, con người và chính trị, hoàn toàn có thể trở thành một điểm sáng trong chuyển đổi năng lượng khu vực và toàn cầu. Tuy nhiên, để làm được điều này, chúng ta cần có một chiến lược phát triển năng lượng toàn diện, đồng bộ, bảo đảm sự tham gia của tất cả các bên liên quan.
“Diễn đàn rất có ý nghĩa, được tổ chức ngay sau Hội nghị Trung ương khoá XIII đề ra chủ trương phát triển hạ tầng năng lượng quốc gia đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, tái khởi động chương trình điện hạt nhân” – đồng chí Phan Xuân Thuỷ nhấn mạnh./.