Trong năm 2017, dự báo tình hình thị trường xuất khẩu lúa gạo gặp nhiều khó khăn do áp lực cạnh tranh (Ảnh: KL)
Dự báo nguồn cung dồi dào Bộ Công Thương cho biết, nhiều quốc gia nhập khẩu, trong đó có các thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Malaysia đang tăng cường năng lực sản xuất trong nước, hướng đến tự chủ về lương thực, đa dạng hóa nguồn cung, thay đổi chính sách và phương thức nhập khẩu; xây dựng hàng rào kỹ thuật và tăng cường kiểm tra việc đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn, an toàn thực phẩm. Thương mại gạo thế giới diễn biến ngày càng phức tạp, khó đoán định.
Gạo là lương thực thiết yếu của nhiều quốc gia đồng thời là mặt hàng đảm bảo an ninh lương thực nên Chính phủ nhiều quốc gia rất quan tâm đến chính sách quản lý, điều hành và nhập khẩu mặt hàng này. Cùng với việc giảm thuế nhập khẩu, các nước gia tăng các hàng rào kỹ thuật để bảo hộ sản xuất trong nước, yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng ngày càng khắt khe hơn. Nhiều nước nhập khẩu gạo có xu hướng đàm phán hạn chế, giữ bảo hộ đối với mặt hàng gạo nội địa. Do vậy, mặc dù thuế nhập khẩu vào các nước được cam kết giảm, tiến tới dỡ bỏ song khả năng tiếp cận thị trường gặp nhiều khó khăn.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, năm 2017 được dự báo là năm tiếp tục khó khăn và cạnh tranh gay gắt đối với xuất khẩu gạo của Việt Nam. Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) dự báo sản lượng gạo toàn cầu đạt 480,1 triệu tấn, tăng gần 2% so với năm 2016; thương mại gạo toàn cầu đạt 41,5 triệu tấn, tăng 3%; tồn kho gạo cuối năm đạt mức 118 triệu tấn, tăng 1%. Năm 2017, dự báo nguồn cung gạo toàn cầu tiếp tục dồi dào trong khi nhu cầu thị trường chưa rõ nét.
Kết thúc năm 2016, Thái Lan còn tồn kho 8,39 triệu tấn, chưa kể lượng gạo từ các vụ mới năm 2016. Với mục tiêu giải quyết hết gạo cũ tồn kho trong kho quốc gia trong nửa đầu năm 2017, Thái Lan sẽ đẩy mạnh bán ra thông qua các đợt đấu thầu, làm gia tăng cạnh tranh giá.
Tình hình quan hệ thương mại gạo của Trung Quốc với các nước xuất khẩu gạo, cũng như tình hình thời tiết, mức độ hiện thực hóa chính sách tự cung cấp lương thực và đa dạng hóa nguồn cung tại các thị trường truyền thống trọng điểm của Việt Nam như Philippines, Indonesia, Malaysia dự báo sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Hoàn thiện 3 “trụ cột” chính
Trong xu thế diễn biến thị trường gạo thế giới ngày càng khó khăn, cạnh tranh gay gắt, việc gia tăng sản lượng gạo hàng hóa tạo áp lực tiêu thụ và ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả xuất khẩu. Vì vậy, theo ý kiến của các chuyên gia, cần phát triển sản xuất lúa gạo dựa trên cơ sở nâng cao chất lượng, hiệu quả, đồng thời giảm sản lượng gạo xuất khẩu hàng năm.
Theo Bộ Công thương, để giảm chi phí, tăng hiệu quả xuất khẩu gạo, nâng cao thu nhập và ổn định đời sống của người nông dân, cần cơ cấu lại sản xuất, định vị sản lượng lúa gạo hàng hóa hợp lý, gắn với nâng cao chất lượng, giá trị, xây dựng thương hiệu, gắn sản xuất với thị trường.
Trong đó, để thực hiện được nhiệm vụ trên, cần tập trung hoàn thiện 3 “trụ cột”: chuẩn bị nguồn hàng; phát triển thị trường và tổ chức xuất khẩu. Về chuẩn bị nguồn hàng, cần có nguồn gạo hàng hóa xuất khẩu với chất lượng tốt, phù hợp với quy định, tiêu chí, yêu cầu an toàn thực phẩm, thị hiếu tiêu dùng của từng thị trường. Cần cụ thể hóa chủ trương tái cơ cấu ngành lúa gạo bằng việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất các chủng loại thóc, gạo hàng hóa theo hướng gắn với lợi thế cạnh tranh của các vùng và mùa vụ sản xuất; chú trọng thúc đẩy sản xuất các sản phẩm có giá trị, thương hiệu để tăng giá trị và hiệu quả xuất khẩu.
Tập trung triển khai tổ chức sản xuất trong nước theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc. Tăng cường liên kết sản xuất và tiêu thụ và xuất khẩu; gắn công tác quy hoạch và áp dụng quy trình sản xuất phù hợp với nhu cầu, thị hiếu và quy định của thị trường. Nâng cao ý thức về an toàn thực phẩm đối với sản phẩm thóc, gạo hàng hóa xuất khẩu của các thành phần tham gia chuỗi giá trị, từ người sản xuất đến thương lái, nhà máy xay xát trung gian và các thương nhân xuất khẩu.
Trong phát triển thị trường, theo Bộ Công Thương, cần tăng cường công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm gạo để củng cố thị trường, mở đường cho xuất khẩu gạo; tham gia ngày càng sâu vào chuỗi cung ứng, phân phối gạo và sản phẩm chế biến từ gạo. Nỗ lực phát triển thị trường, tích cực đàm phán mở cửa thị trường kết hợp các biện pháp kỹ thuật tháo gỡ rào cản, tạo điều kiện thâm nhập và mở rộng thị trường đồng thời củng cố các thị trường trọng điểm, truyền thống. Giảm bớt sự phụ thuộc vào một số thị trường nhất định, tận dụng cơ hội từ các thị trường ngách (hướng tới một nhóm khách hàng chuyên biệt) nhằm hạn chế rủi ro trước những biến động của thị trường.
Với khâu tổ chức xuất khẩu, tiếp tục nâng cao chất lượng công tác điều hành xuất khẩu cũng như sự phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan, các địa phương, hiệp hội và các doanh nghiệp xuất khẩu. Chú trọng công tác thông tin thị trường, dự báo, cân đối cung - cầu và nguồn thóc, gạo hàng hóa xuất khẩu; tăng cường đánh giá sát thực nguồn cung trong nước, rà soát nhu cầu tiêu dùng nội địa. Quản lý hoạt động xuất, nhập khẩu gạo qua biên giới; tăng cường cảnh báo, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho thương nhân trong hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo. Đồng thời, nâng cao năng lực cạnh tranh; xây dựng, củng cố đội ngũ thương nhân đáp ứng yêu cầu hội nhập.
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hàng năm, cả nước sản xuất được khoảng 7 - 7,5 triệu tấn gạo hàng hóa xuất khẩu, chưa kể lượng gạo tồn kho chuyển sang từ năm trước. Năm 2017, dự báo sản lượng thóc đạt 44,892 triệu tấn, tăng 1,165 triệu tấn so với năm 2016; tổng lượng gạo hàng hóa phục vụ xuất khẩu năm 2017 khoảng gần 9 triệu tấn (bao gồm cả lượng gạo tồn kho năm 2016 chuyển sang khoảng 0,9 triệu tấn). Riêng lượng gạo hàng hóa vụ Đông Xuân 2016 - 2017 đã khoảng 3,625 triệu tấn./. |