Kỷ niệm 70 năm giải phóng huyện Thường Tín (28/8/1954 - 28/8/2024), 20 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004 - 13/10/2024), tối 11/10, tại Hà Nội, Sở Công Thương Hà Nội, UBND huyện Thường Tín khai mạc Festival làng nghề, thiết kế sáng tạo và Triển lãm các sản phẩm OCOP, thủ công mỹ nghệ (TCMN) và làng nghề huyện Thường Tín năm 2024.
|
Các đại biểu thực hiện nghi thức nhấn nút khai mạc sự kiện. |
Phát biểu khai mạc sự kiện, ông Nguyễn Đình Thắng – Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, thực hiện Kế hoạch số 227/KH-UBND ngày 11/10/2021 của UBND Thành phố thực hiện Chương trình 04-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025”, Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương xây dựng và thực hiện Kế hoạch phát triển Trung tâm Thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch tại các huyện, thị xã.
Năm 2023, Thành phố đã công nhận Mô hình Trung tâm Thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch cấp xã cho 10 đơn vị trên địa bàn các quận, huyện. Trong đó, Trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề gắn với du lịch xã Duyên Thái thuôc huyện Thường Tín đạt mô hình 3 sao.
Thành phố đã triển khai hỗ trợ các mô hình được công nhận thông qua các hoạt động thông tin, tuyên truyền, nâng cao năng lực, kết nối sản phẩm OCOP trên địa bàn, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm; hình thành các tour, chương trình du lịch liên kết với các Trung tâm Thiết kế, sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch; lồng ghép quảng bá các Trung tâm này tại các văn phòng công ty du lịch và đại lý lữ hành trong và ngoài nước.
|
Ông Nguyễn Đình Thắng - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội khai mạc Festival làng nghề và Triển lãm các sản phẩm OCOP, thủ công mỹ nghệ và làng nghề huyện Thường Tín năm 2024. |
Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết thêm, Triển lãm các sản phẩm OCOP, thủ công mỹ nghệ và làng nghề huyện Thường Tín năm 2024 là sự kiện thứ hai trong chuỗi các sự kiện để quảng bá, giao thương kết nối các sản phẩm OCOP, làng nghề phục vụ du lịch thuộc Kế hoạch Phát triển Trung tâm Thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch tại các huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2024. Sự kiện là nơi giới thiệu, quảng bá các sản phẩm đặc sắc, tiêu biểu làng nghề huyện Thường Tín, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm thủ công mỹ nghệ, OCOP, làng nghề, xây dựng chuỗi liên kết từ thiết kế sáng tạo, sản xuất - chế biến, tiêu thụ sản phẩm tại thị trường khách du lịch trong nước và quốc tế trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các làng nghề gắn với hoạt động du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nông thôn trong kinh tế tuần hoàn, góp phần xây dựng thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
|
Trao công nhận Trung tâm Thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề gắn với du lịch xã Duyên Thái. |
Ông Bùi Công Thản - Phó Chủ tịch huyện Thường Tín cho biết, huyện hiện có 50 làng nghề được UBND Thành phố công nhận là làng nghề truyền thống và làng nghề Hà Nội, có 81 làng có nghề. Nhiều làng nghề nổi tiếng hình thành lâu đời, gắn bó với người dân địa phương qua hàng trăm năm. Các làng nghề Thường Tín có tính sáng tạo cao, nhiều mẫu mã sản phẩm thủ công đa dạng, giàu bản sắc văn hóa như, làng thêu Thắng Lợi, Quất Động, điêu khắc Nhân Hiền, lược sừng Thụy ứng, chăn ga gối đệm Tiền Phong... Đặc biệt, làng nghề thêu phục chế trang phục cung đình ở Đông Cửu, xã Dũng Tiến được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia; làng nghề sơn mài Hạ Thái được vinh danh là làng nghề tiêu biểu cấp Thành phố, là Điểm du lịch làng nghề từ năm 2019. Cùng đó Thường Tín đã được Thành phố Hà Nội công nhận 3 Điểm du lịch làng nghề, 1 khu du lịch (Hồng Vân).
Nghề truyền thống và làng nghề của huyện, không chỉ đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân, còn có rất nhiều sản phẩm, tác phẩm tiêu biểu có giá trị cao về kinh tế, mỹ thuật, kỹ thuật, đã tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước, đạt những giải thưởng cao. Lịch sử hình thành và phát triển làng nghề lâu đời đã hun đúc lên những nghệ nhân, mỗi nghệ nhân là một kho tàng sống về kiến thức sản xuất và văn hóa nghề. Hiện nay huyện Thường Tín hiện có 3 Nghệ nhân nhân dân, 5 nghệ nhân ưu tú, 32 nghệ nhân Hà Nội. Đây là những cá nhân tiêu biểu đang giúp gìn giữ, phát huy nghề truyền thống của cha ông. Huyện cũng đã kêu gọi đầu tư và xây dựng 5 cụm công nghiệp làng nghề Duyên Thái, Ninh Sở, Tiền Phong, Vạn Điểm, Văn Tự. Các cụm công nghiệp này đang hoạt động hiệu quả, tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng ngàn lao động địa phương.
Với mục tiêu trở thành quận của Thủ đô Hà Nội vào năm 2030, sự kiện Festival không chỉ mang tính chất kỷ niệm mà còn nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của huyện Thường Tín trong phát triển kinh tế – xã hội, gắn với việc bảo tồn và phát triển văn hóa. Các hoạt động sẽ bao gồm Triển lãm trưng bày sản phẩm làng nghề, chương trình biểu diễn văn hóa văn nghệ, và các hoạt động đấu giá sản phẩm, tạo không khí sôi động cho cộng đồng - Ông Bùi Công Thản chia sẻ.
|
Một khu giới thiệu sản phẩm TCMN tại Festival huyện Thường Tín. |
Với quy mô 60 gian hàng, Festival làng nghề giới thiệu và trưng bày đa dạng nhiều sản phẩm độc đáo thuộc các nhóm ngành nghề như sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ... Các sản phẩm của làng nghề đa dạng nhiều chủng loại, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt và có thế mạnh cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước, bao gồm sản phẩm may mặc; sản phẩm gốm sứ; sản phẩm dệt và thêu ren truyền thống; đồ gỗ phục vụ tiêu dùng và xây dựng; sản phẩm cơ khí; chế biến nông sản thực…
Tại sự kiện nhiều sản phẩm TCMN tiêu biểu, chất lượng cao của vùng đất trăm nghề được sự quan tâm của công chúng như: Tranh thêu tay làng nghề Quất Động, Thắng Lợi; vật dụng trang trí nội thất của làng sơn mài Hà Thái (xã Duyên Thái), sản phẩm mỹ nghề sừng Thụy Ứng (xã Hòa Bình); hoa cây cảnh xã Hồng Vân, Vân Tảo. Cùng đó là các sản phẩm TCMN tiêu biểu khác của làng nghề Thường Tín như đồ gỗ làng Nhị Khê (xã Nhị Khê); sản phẩm điêu khắc ở các làng Nhân Hiền (xã Hiền Giang), Định Quán (xã Tiền Phong); sản phẩm gỗ xã Vạn Điểm, Thống Nhất, Tô Hiệu; mây tre đan xã Ninh Sở... Thông qua Festival và Triển lãm, các tổ chức, cá nhân có thể tiếp cận, tìm hiểu, kết nối các hoạt động thiết kế sáng tạo, phát huy những ý tưởng, thiết kế ra những mẫu sản phẩm mới, có giá trị kinh tế, kỹ thuật, mỹ thuật đáp ứng và phù hợp với nhu cầu, thị hiếu khách hàng; từ đó có thể phát triển, hình thành điểm đến về thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch.
Festival làng nghề và Triển lãm các sản phẩm OCOP, thủ công mỹ nghệ và làng nghề huyện Thường Tín năm 2024 diễn ra đến hết ngày 14/10/2024 tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao thông tin huyện Thường Tín./.