Thuỷ điện Trung Sơn và mục tiêu cung cấp điện năng giá rẻ, an toàn

Thứ ba, 03/12/2013 10:45
(ĐCSVN) - Ngày 1/12, công trình Thủy điện Trung Sơn - dự án thủy điện quy mô trung bình với tổng mức đầu tư 410,68 triệu USD đã tiến hành ngăn sông Mã đợt 1. 

Dự án Thủy điện Trung Sơn được xây dựng trên dòng chính sông Mã thuộc địa phận xã Trung Sơn, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Đây là dự án đầu tư đầu tiên của Ngân hàng Thế giới hỗ trợ Việt Nam về xây dựng thuỷ điện. Dự kiến, Dự án sẽ hoàn thành vào năm 2017, giúp Việt Nam đảm bảo an ninh năng lượng bằng cách bổ sung thêm 260MW công suất phát điện đáp ứng chương trình mở rộng hệ thống điện. Nó cũng giúp đáp ứng nhu cầu sử dụng năng lượng của Việt Nam khi nền kinh tế đang có dấu hiệu phục hồi. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, tiêu thụ điện ở Việt Nam tăng bình quân 15% hàng năm trong các năm qua. Việc thiếu hụt điện thường xuyên đã ảnh hưởng tới các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ và nhiều hộ gia đình vẫn chưa có điện. Việt Nam đang phát triển một loạt các nguồn điện, trong đó bao gồm thủy điện, nhằm đáp ứng nhu cầu này với dự kiến đạt công suất lắp đặt 39GW đến năm 2020 so với 15,8 GW năm 2008.

 
 Ảnh minh hoạ (Ảnh: NHTG)

Dự án Thủy điện Trung Sơn được Ban Giám đốc Ngân hàng Thế giới phê duyệt vào ngày 26/4/2011. Để hỗ trợ Việt Nam xây dựng Nhà máy, Ngân hàng Thế giới hỗ trợ một khoản tài chính dưới dạng khoản vay 330 triệu USD có thời gian đáo hạn là 27 năm và thời gian ân hạn 6 năm. Khoản vay này bao gồm hỗ trợ tài chính cho mua thiết bị, công trình xây dựng và hỗ trợ kỹ thuật.

Với mục tiêu phát triển của dự án là cung cấp điện năng giá rẻ, an toàn và bền vững về xã hội và môi trường, các lợi ích trực tiếp bao gồm: Cải thiện điều kiện sống cho hơn 2.000 người dân di dời khỏi khu vực dự án; các hoạt động phục hồi sinh kế cho hơn 7.000 người bị ảnh hưởng bởi dự án; 2 triệu USD cho các chương trình bảo vệ môi trường (EMP), trong đó có 700.000 USD để bảo vệ 3 khu bảo tồn đa dạng sinh học gần khu vực Dự án; tham vấn liên tục với người dân về những mong muốn và ưu tiên của họ liên quan tới thay đổi xã hội; cơ hội việc làm cho công nhân Việt Nam trong thời gian xây dựng; cải tạo đường sá đi lại cho người dân và các khu vực lân cận, bao gồm đường vận hành dài 25 km nối với khu vực Dự án; tăng lượng điện cung cấp cho Việt Nam thêm 1.019GW mỗi năm; đồng thời tránh được 1 triệu tấn phát thải CO2 mỗi năm; kiểm soát lũ thông qua công suất hồ chứa đạt 112 triệu m3.

Nhìn chung, Dự án thủy điện Trung Sơn là một dự án thủy điện với quy mô trung bình được thiết kế kỹ càng và có quá trình chuẩn bị dự án tuân theo các quy tắc thực hành tốt của quốc tế về thiết kế kỹ thuật, phân tích các phương án chọn lựa và đặc biệt là các yếu tố về môi trường, xã hội và an toàn đập. Việt Nam đã đưa vào quy hoạch dự kiến xây dựng một loạt các dự án thủy điện có quy mô trung bình trong những năm tới đây, và dự án thủy điện đầu tiên với hỗ trợ tài chính của Ngân hàng Thế giới có thể được coi là một điển hình để những dự án thủy điện sau này có thể làm theo. Dự án thủy điện Trung Sơn cũng thể hiện về cách thức thủy điện có thể hỗ trợ cho quá trình phát triển của Việt Nam phát triển một cách tiết kiệm, bền vững về môi trường và xã hội.

Dự án đã được chuẩn bị kỹ lưỡng và có 4 phương án địa điểm được nghiên cứu trước khi lựa chọn Trung Sơn vì đây là phương án gây ra ít tác động về môi trường và xã hội nhất. Đập sẽ được xây trên sông Mã thuộc địa phận xã Trung Sơn. Về tổng thể, công trình đập và hồ chứa nước cần khoảng 1.500 ha đất tại xã Trung Sơn và một số xã phụ cận. Tuy nhiên, vì hồ chứa nước được xây trên một hẻm núi khá dốc nên chỉ có khoảng 309 ha đất nông nghiệp sẽ bị ngập. Dự tính khoảng 509 hộ gia đình cần di chuyển sẽ nhận được hỗ trợ từ Kế hoạch tổng thể về Tái định cư và Phát triển sinh kế (RLDP) trong khi tổng số 5.602 người chịu ảnh hưởng của dự án sẽ nhận được đền bù cho việc mất đất và sinh kế. Cải thiện sinh kế sau tái định cư là một trong những thử thách quan trọng nhất trong các dự án thủy điện và RLDP phản ánh những mỗi quan tâm này bằng việc thiết kế những gói hỗ trợ phù hợp với nhu cầu của mỗi cộng đồng khác nhau.

Ngoài ra, Dự án còn mang lại những lợi ích về môi trường đáng kể vì nó giúp giảm phát thải lượng khí nhà kính (GHGs) so với các nhà máy điện có cùng qui mô hoạt động bằng nhiên liệu hóa thạch. Ngoài công trình đập còn có các công trình dân sinh khác gồm 20,4 km đường từ Co Lương, tỉnh Hòa Bình đến vị trí đập ở bản Co Me, tỉnh Thanh Hóa, đường dây truyền tải điện dài 65km và một khu lán trại tạm tại công trường thi công cho 4.000 công nhân. Kế hoạch môi trường của dự án cũng được Ban quản lý dự án đặc biệt quan tâm, gồm các nội dung như: Các tác động đối với chất lượng nước thượng và hạ lưu, thủy văn, sức khỏe, nghề cá, rừng, động vật hoang dã và đất canh tác; tác động của khu lán trại tạm của 4.000 công nhân trong giai đoạn thi công; tác động của các hạng mục phụ trợ trong đó có đường vào công trường; tác động gián tiếp đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên, khu bảo tồn và đa dạng sinh học của vùng…/.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực