Tiếp tục nâng cao hiệu quả khai thác công trình thủy lợi

Thứ bảy, 27/01/2018 10:48
(ĐCSVN) - Năm 2017, bão, lũ liên tiếp xảy ra, ảnh hưởng nặng nề tới nước ta. Đối mặt với nhiều khó khăn, ngành thủy lợi đã nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ đề ra.


Đảm bảo cung cấp nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp là nhiệm vụ quan trọng của ngành thủy lợi (Ảnh: ML)

Nỗ lực khắc phục khó khăn

Mặc dù thiên tai diễn biến khốc liệt nhưng đứng trước tình thế khó khăn, để đảm bảo an toàn cho công trình và vùng hạ du hồ chứa, chủ động phòng, tránh úng, ngập; trước, trong mùa mưa lũ, ngành thủy lợi đã tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành theo thẩm quyền các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn. Đồng thời cử các đoàn công tác kiểm tra, phối hợp với địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp cắt lũ, giảm ngập vùng hạ du, bảo vệ sản xuất, dân sinh.

Trong đợt mưa lũ của bão số 12, chỉ tính riêng 4 hồ chứa thủy lợi lớn ở khu vực Trung Bộ đã cắt giảm được tổng lượng lũ là 631 triệu m3 (tổng số 1,27 tỷ m3 nước về hồ, chiếm tỷ lệ gần 50%).

Bên cạnh đó, triển khai nhiệm vụ thường xuyên, công tác vận hành hệ thống thủy lợi đã bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp trên phạm vi cả nước. Riêng 12 tỉnh, thành phố Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ bảo đảm đủ nước phục vụ gieo cấy khoảng 620.000 ha lúa, thời gian lấy nước rút ngắn 4,5 ngày so với kế hoạch với tổng lượng nước điều tiết từ các hồ chứa thủy điện là 4,67 tỷ m3.

Đặc biệt, ngày 19/6/2017 vừa qua, Luật Thủy lợi được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/7/2018. Luật Thủy lợi là khung pháp lý đầy đủ, khắc phục các bất cập hiện nay, bảo đảm công tác thủy lợi phát triển bền vững; thể chế hoá các chủ trương, đường lối đổi mới của Đảng, đóng góp quan trọng trong việc xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, có năng lực cạnh tranh cao trong hội nhập quốc tế, góp phần quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn nước, thích ứng với biến đổi khí hậu. Việc Luật Thủy lợi được thông qua là thành công lớn của ngành trong việc hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, làm cơ sở cho việc quản lý và điều hành của ngành thủy lợi.

Trong năm 2017, ngành thủy lợi đã rà soát, đánh giá các mô hình tổ chức hợp tác dùng nước, xây dựng kế hoạch hiện đại hóa hệ thống thủy lợi đặc trưng cho từng vùng, miền làm cơ sở để đào tạo, hướng dẫn các địa phương.

Song song với đó, triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, ngành thủy lợi đã xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện “Hoàn thiện hệ thống thủy lợi nội đồng”; “Hướng dẫn thực hiện tiêu chí về thủy lợi”. Hiện có 80% diện tích đất nông nghiệp được tưới tiêu chủ động, 70% số xã đạt tiêu chí thủy lợi; có 21.300 tổ chức thủy lợi cơ sở.

Tăng cường công tác đảm bảo an toàn công trình

Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được trong năm 2017, theo đánh giá của Tổng cục Thủy lợi, việc chỉ đạo thực hiện đề án tái cơ cấu ngành thủy lợi dù đã có nhiều chuyển biến nhưng chưa có giải pháp đẩy nhanh việc áp dụng rộng rãi trong thực tế ở các địa phương.

Cùng với đó, nguồn kinh phí còn hạn chế cũng là trở ngại trong việc chậm ban hành các hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật để kịp với yêu cầu thực tiễn. Nguồn nhân lực trong lĩnh vực quản lý, khai thác công trình thủy lợi còn hạn chế về trình độ, phân bố không hợp lý, rất thiếu cán bộ ở địa phương.

Cùng với đó, việc thiếu cơ chế, chính sách thu hút được doanh nghiệp, người dân tham gia đầu tư vào việc sử dụng nước tiết kiệm trong sản xuất nông nghiệp dẫn đến việc triển khai mở rộng diện tích tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, ứng dụng canh tác nông nghiệp công nghệ cao còn nhiều hạn chế.

Nhằm khắc phục những khó khăn còn tồn tại, theo Tổng cục Thủy lợi, trong năm 2018, ngành sẽ tăng cường công tác chỉ đạo, vận hành công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp và đảm bảo an toàn công trình. Triển khai các hoạt động thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới về lĩnh vực thủy lợi.

Cùng với đó, chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tổ chức các đợt khảo sát tại địa phương về hoạt động của các mô hình doanh nghiệp khai thác công trình thủy lợi, đề xuất thí điểm cổ phần hóa doanh nghiệp khai thác công trình thủy lợi và triển khai hiệu quả cơ chế giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi.

Trên lĩnh vực đảm bảo an toàn hồ chứa, xây dựng và trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phê duyệt Đề án nâng cao công tác quản lý an toàn đập, hồ chứa và tổ chức thực hiện sau khi Đề án được ban hành. Thực hiện công tác đào tạo nâng cao năng lực và công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong công tác quản lý an toàn đập.

Đặc biệt, nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ xây dựng tiêu chuẩn quy chuẩn đã được giao; tổ chức rà soát và ưu tiên triển khai xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phục vụ công tác ứng phó hạn hán, ngập lụt, phục vụ ứng dụng công nghệ mới.

Tập trung xây dựng, tổng kết thực tiễn để ban hành 4 quy trình tưới cho 10 cây nông nghiệp chủ lực. Tăng cường công tác hợp tác quốc tế trong thông tin khoa học công nghệ, trao đổi kinh nghiệm quốc tế trong quản lý khai thác công trình thủy lợi, quản lý rủi ro thiên tai, phát triển thủy lợi cơ sở và định giá nước, cấp nước nông thôn.

Đẩy mạnh công tác chỉ đạo các địa phương thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động các công trình cấp nước nông thôn, hướng dẫn xây dựng kế hoạch, lộ trình chuyển đổi mô hình quản lý khai thác cấp nước nông thôn. Đổi mới công tác truyền thông nâng cao nhận thức của các cấp và người dân trong đầu tư, quản lý, khai thác và sử dụng tiết kiệm nước sạch./.

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực